Rồng Komodo có nguồn gốc từ Australia. Ảnh: Sergey Uryadnikov |
Nằm trên khu vực Công viên Quốc gia Komodo ở phía nam Indonesia, 3 hòn đảo núi lửa bao gồm Komodo, Rinca và Padar cùng một số hòn đảo nhỏ khác hiện là ngôi nhà duy nhất trên toàn thế giới của rồng Komodo kể từ khi chúng di cư khỏi Australia khoảng 4 triệu năm trước.
Dù được đặt tên là rồng, sinh vật này trên thực tế không thực sự là rồng như những gì thường hay được miêu tả trong truyền thuyết hay phim ảnh mà là một loài thằn lằn khổng lồ.
Tên gọi phổ biến của chúng bắt nguồn từ tin đồn về một sinh vật giống rồng xuất hiện ở khu vực quanh đảo Komodo trong khi màu vàng cùng cấu tạo lưỡi chẻ đôi khiến người ta liên tưởng đến việc rồng phun lửa. Trước khi được phát hiện và gọi bằng cái tên phổ biến của mình, rồng Komodo vẫn luôn được người dân địa phương gọi là “ora”, có nghĩa là “cá sấu đất”.
Mang tên khoa học Varanus komodoensis, rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất trên thế giới hiện tại với chiều dài tối đa lên tới 3m và nặng tới 136kg. Do sở hữu kích thước lớn, rồng Komodo cần rất nhiều năng lượng và có thể ăn tới 80% trọng lượng cơ thể của mình trong một bữa. Số năng lượng này sẽ được sử dụng để cung cấp cho cơ thể to lớn cũng như giúp chúng chạy với vận tốc ngang với tốc độ của một con người – vào khoảng 19 km/h.
Rồng Komodo cũng rất nguy hiểm do sở hữu tuyến nọc độc ở hàm dưới có khả năng làm giảm huyết áp, gây chảy máu ồ ạt và ngăn ngừa đông máu. Đặc biệt, nọc của loài rồng này đủ mạnh để khiến con người tử vong. Khi tấn công, chúng sẽ sử dụng răng cưa để cắn sau đó kéo con mồi bằng các cơ ở phần cổ, gây ra vết thương hở lớn. Nọc độc lúc này có tác dụng làm mất máu nhanh hơn và khiến con mồi bị sốc.
Rồng Komodo có thể dài tới 3m và nặng tới 136kg. Ảnh: Dreamstime |
Sự tồn tại của loài bò sát khổng lồ này mới chỉ được phát hiện vào năm 1912 bởi các nhà khoa học phương Tây. Cụ thể, dữ kiện lịch sử cho biết vào năm 1910, Trung úy Jacques Karel Henri Van Steyn Van Hensbroek thuộc chính quyền thuộc địa Hà Lan, người lúc đó đang đóng quân trên đảo Flores ở miền đông Indonesia, đã nhận được tin tức về một sinh vật giống cá sấu có kích thước lớn bất thường sống trên đảo Komodo gần đó.
Với sự tò mò, ông đã đích thân lên đường điều tra và trở lại cùng các hình ảnh cũng như mẫu da của sinh vật này. Ông gửi các dữ liệu trên tới Pieter Ouwens, người sau đó là giám đốc của Bảo tàng Động vật học và Vườn Bách thảo Java ở Buitenzorg (nay là Bogor).
Ông Owens nhận thấy đây không phải cá sấu mà là một loài thằn lằn chưa được biết đến trước đây và bắt đầu xuất bản các nghiên cứu đầu tiên về sinh vật này khoảng 2 năm sau đó. Tới năm 1969, các nghiên cứu dài hạn đầu tiên về rồng Komodo được công bố sau khi ông Walter Auffenberg - một chuyên gia tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida – chuyển tới đảo Komodo sinh sống cùng gia đình mình.
Tuy nhiên, điều thu hút nhất ở rồng Komodo có lẽ là ý nghĩa của chúng trong quá trình tiến hóa. Rồng Komodo có ngoại hình không giống như bất kỳ loài săn mồi đỉnh cao nào thuộc các hệ sinh thái trên thế giới hiện nay và các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chúng có thể sống sót khỏi việc bị tuyệt chủng là nhờ sự kết hợp các yếu tố may mắn giữa môi trường sống của đảo Komodo cũng như tập tính.
Môi trường sống trên đảo Komodo tương đối khô hạn và nhìn chung không thích hợp cho con người sinh sống. Trong khi đó, các loài bò sát như rồng Komodo có thể sinh sống được ở môi trường này và thậm chí có thể thay đổi chế độ ăn để đáp ứng nhu cầu. Những yếu tố này giúp rồng Komodo có thể phát triển trên đảo trong sự cô lập và không bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian dài.
Ngoài ra, việc sinh vật này có khả năng sinh sản đơn tính khi không có con đực ở gần cùng khả năng bơi qua lại giữa các hòn đảo lân cận khác giúp chúng tăng cường sự đa dạng di truyền và duy trì quần thể ở các hòn đảo nhỏ hơn.
Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, số lượng rồng Komodo đang ngày một suy giảm và thậm chí bị liệt vào sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng của Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN). Mực nước biển dâng cao, kết hợp với nạn săn bắn trái phép cũng như sự suy giảm môi trường sống do đô thị hóa và nông nghiệp có thể sẽ khiến môi trường sống của rồng Komodo bị thu hẹp ít nhất 30% trong 45 năm tới.
Rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất trên thế giới hiện nay. Ảnh: Vulkanisator/Fotolia |