Sau cuộc điện đàm kéo dài khoảng 2 giờ 30 phút vào ngày 18/3 (giờ địa phương), Tổng thống Vladimir Putin đã đồng ý với đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Nga và Ukraine ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau trong 30 ngày và đã ra lệnh tương ứng cho quân đội Nga.
Theo RT, các lãnh đạo Pháp và Đức đã bày tỏ hoan nghênh các cuộc đàm phán, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải ủng hộ Ukraine hơn nữa. “Bước tiếp theo phải là lệnh ngừng bắn hoàn toàn cho Ukraine và càng nhanh càng tốt. Tất nhiên, rõ ràng là cả hai chúng tôi đều đồng ý về điều này,” Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
![]() |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu với giới truyền thông sau cuộc hội đàm tại Berlin, Đức, ngày 18/3. Ảnh: Reuters |
Ông Scholz tái khẳng định Đức sẽ ủng hộ Ukraine và “sẽ không làm Kiev thất vọng”. Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh rằng các bên không được phép đưa ra quyết định mà không có sự đồng ý của Ukraine và không do Ukraine quyết định.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron gọi việc Nga đồng ý dừng các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraine là “một khởi đầu tốt” trong tiến trình hòa bình. “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga,” nhà lãnh đạo Pháp khẳng định.
Hãng tin PA Media cùng ngày đưa tin, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau khi Mỹ và Nga nhất trí hướng tới lệnh ngừng bắn vào các cơ sở hạ tầng năng lược của Ukraine.
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết London hoan nghênh “bước tiến triển” mà nhà lãnh đạo Mỹ đã đạt được để hướng tới ngừng bắn ở Ukraine. Tuyên bố nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán “phải hướng đến nền hòa bình lâu dài và công bằng” cho Ukraine; đồng thời khẳng định rằng London sẽ sát cánh cùng Kiev lâu nhất có thể.
Trong bài viết trên Facebook, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã mô tả cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin là “tin tuyệt vời” cho châu Âu. “Hôm nay (18/3), Tổng thống Mỹ và Nga đã có một bước tiến lớn nữa hướng tới hòa bình. Chúng tôi hy vọng rằng Brussels sẽ không thể ngăn cản việc đạt được thỏa thuận hòa bình,” ông Szijjarto cho biết.
Nhà ngoại giao Hungary cũng kỳ vọng cả Kiev và Moscow sẽ tôn trọng việc tạm dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau.
Tuy nhiên, một số quan chức EU trước đó cho biết họ lo ngại ông Trump có thể đạt được một thỏa thuận bất lợi với Nga sau lưng Ukraine.
Về phía Ukraine, chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm Nga – Mỹ, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã lên tiếng ủng hộ đề xuất ngừng tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng mà Mỹ đề xuất. Trong đó, Kiev sẽ thực hiện đề xuất này nếu Moscow cũng tuân thủ và Washington là bên giám sát việc thực thi.
Tuy nhiên, ông Zelensky cho rằng Nga “chưa sẵn sàng chấm dứt xung đột, thậm chí chưa sẵn sàng cho bước đầu tiên là một lệnh ngừng bắn toàn diện”. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng châu Âu nên được ngồi vào bàn đàm phán và “mọi vấn đề liên quan đến an ninh châu Âu phải được quyết định cùng với châu Âu”.
![]() Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý ngừng bắn các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. |
![]() Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức lên tiếng về cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. |
![]() Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ủng hộ đề xuất ngừng bắn các cơ sở hạ tầng năng lượng mà Mỹ đề xuất nhưng muốn trao đổi cụ thể hơn với Nhà Trắng. |
![]() Điện Kremlin ngày 18/3 đã công bố các vấn đề chính được thống nhất trong cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 giờ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. |