Diễn biến kinh doanh của một số doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2021. |
Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) gây bất ngờ nhất khi công bố khoản lỗ lũy kế sau thuế cả năm 2021 lên tới 7.523 tỷ đồng. Thực tế, tổng doanh thu thuần của Vingroup vẫn đạt 125.306 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Lãi gộp cũng tăng gần gấp đôi, mang về tới 33.680 tỷ đồng.
Tuy nhiên do doanh thu hoạt động tài chính giảm gần một nửa, chi phí quản lý doanh nghiệp và lỗ hoạt động khác tăng mạnh nên lãi trước thuế của Vingroup giảm về 3.346 tỷ, thấp hơn 76% so với năm trước. Kết quả, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lỗ sau thuế 7.523 tỷ so với cùng kỳ 2020 lãi dương 4.546 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Vingroup ghi nhận thua lỗ kể từ khi công bố báo cáo tài chính kinh doanh năm 2006.
Theo Vingroup, nguyên nhân chính dẫn tới khoản thua lỗ kể trên là do trong năm 2021, hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tập đoàn đã chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Công ty con Vincom Retail mở rộng gói hỗ trợ khách thuê với quy mô lên tới 2.115 tỷ đồng cũng khiến doanh thu bị ảnh hưởng đáng kể. Thêm vào đó là việc phát sinh chi phí lớn khi Vingroup đẩy mạnh mảng sản xuất xe điện. Năm 2021, tập đoàn còn chi hơn 6.000 tỷ đồng để tài trợ các hoạt động phòng, chống dịch và các hoạt động liên quan.
Công ty sở hữu mã chứng khoán tăng sốc trong năm 2021 là Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã chứng khoán CII) cũng lần đầu tiên ghi nhận thua lỗ. Theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần năm 2021 của công ty giảm 47% xuống 2.868 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm hơn 30%. Cộng với hoạt động tài chính sụt giảm, CII báo lỗ hơn 341 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lãi 254 tỷ đồng.
Theo giải trình của CII, trong 2 quý cuối năm, việc giãn cách xã hội kéo dài đã khiến doanh thu sụt giảm mạnh. Hai nguồn thu chính là thu phí giao thông và bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi công ty vẫn phải ghi nhận các chi phí phát sinh, chủ yếu là chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại. Tuy nhiên theo lãnh đạo CII, kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính chưa thể hiện đầy đủ các khoản lợi nhuận thực tế.
Trong đó khoản thu lớn nhất là số tiền hơn 1.000 tỷ đồng từ việc thoái 25,4 triệu cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất, dẫn đến tình trạng "lời thật, lỗ giả". Công ty cho biết, lợi nhuận thực hợp nhất là 488 tỷ đồng.
Năm 2021, CII nằm trong nhóm cổ phiếu tăng sốc nhất khi từ vùng giá 24.000 đồng bứt phá lên đỉnh 58.000 đồng chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm, sau sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm. Kịch bản tương tự lại xảy ra khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, nhưng theo chiều ngược lại. Từ phiên 10/1/2022, CII liên tục rớt giá, nhiều phiên nằm sàn trong tình trạng trắng bên mua; hiện đã về gần vùng giá trước đợt tăng sốc (26.000 đồng/cp).
CII lần đầu tiên ghi nhận thua lỗ.
CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) tiếp tục báo lỗ hơn 525 tỷ đồng trong năm 2021. Kết quả đáng thất vọng này bắt nguồn từ việc doanh thu của công ty giảm tới 3 lần so với năm trước, chỉ đạt 487 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp báo lỗ của Nhà Thủ Đức, năm ngoái lợi nhuận của công ty cũng âm 310 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Nhà Thủ Đức chỉ còn 1.578 tỷ đồng, trong khi đầu năm là 5.570 tỷ đồng. Các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh liên kết và góp vốn vào các đơn vị khác giảm mạnh từ 303 tỷ đồng xuống còn 178 tỷ đồng do thoái vốn tại các đơn vị thành viên CTCP Phát triển Nhà Deawon - Thủ Đức, CTCP Đầu tư và Khoáng sản VICO Quảng Trị, CTCP Chứng khoán Sen Vàng. Điểm sáng là công ty đã thanh toán hết nợ khoản vay tài chính, trong khi hồi đầu năm vay 1.030 tỷ đồng.
Trong năm 2021, Nhà Thủ Đức liên tiếp vướng vào các khoản nợ thuế và bị cơ quan quản lý thuế TP HCM truy thu, xử phạt (khoản phạt thuế theo báo cáo tài chính là 257,6 tỷ đồng). Cùng với đó, đội ngũ nhân sự cũng có nhiều biến động. Cuối tháng 11, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (nguyên Tổng Giám đốc Thuduc House) và ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh (Phó tổng Giám đốc Thuduc House) bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bắt tạm giam vì liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vừa qua, ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Nhà Thủ Đức đã có đơn từ nhiệm. HĐQT đã bầu ông Lữ Minh Sơn (Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc công ty) sẽ tạm thời giữ chức danh chủ tịch từ ngày 9/2 đến khi công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
CTCP Tiếp thị và Du lịch Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, mã chứng khoán VTR) ghi nhận năm thua lỗ nặng nhất khi lợi nhuận âm tới 257 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ 90 tỷ đồng. Nguyên nhân bởi trong năm, công ty chỉ đạt doanh thu gần 800 tỷ đồng, trong khi năm 2020 đạt 1.936 tỷ đồng.
Vietravel kinh doanh trong 3 lĩnh vực chính là lữ hành, vận tải - hàng không và thương mại - dịch vụ. Đây đều là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Bởi vậy, việc doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm sút là điều lường trước được. Như hãng bay Vietravel Airlines của Vietravel vừa đi vào hoạt động hồi cuối năm 2020 thì đã liên tục phải giảm tần suất, rồi “trắng chuyến” do các đợt dịch. Để giảm lỗ, năm 2021, Vietravel đã phải bán 55,58% vốn Vietravel Airlines cho nhà đầu tư.
Công ty CP Rượu và nước giải khát Hà Nội (Halico, mã chứng khoán HNR) ghi nhận năm thứ 6 thua lỗ liên tiếp với số lỗ lũy kế lên 468 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, trong năm 2021, nhà sản xuất rượu ghi nhận 102 tỷ đồng doanh thu, biến động không nhiều so với năm trước và lỗ ròng gần 24 tỷ đồng sau thuế. Tính đến cuối năm 2021, lỗ lũy kế của Halico đã lên tới 468 tỷ, cao gấp rưỡi so với vốn điều lệ hiện là 200 tỷ đồng.
Halico là một trong những nhà máy rượu lâu đời nhất của Việt Nam, do Công ty Fontaine của Pháp xây dựng năm 1898. Năm 2007, Halico bắt đầu cổ phần hóa và trở thành công ty đại chúng như đến năm 2012 đã bị hủy tư cách này do số lượng cổ đông giảm xuống dưới 100 nhà đầu tư.
Tháng 1/2018, khi đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng, doanh nghiệp quay lại sàn chứng khoán nhưng kể từ đó đến nay kinh doanh liên tiếp trong tình trạng thua lỗ. Bởi vậy, mã của huyền thoại Vodka Hà Nội một thời luôn trong tình trạng trắng giao dịch.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro, mã chứng khoán HTM) cũng bị âm lợi nhuận 4,9 tỷ đồng, gấp 97 lần số lỗ của năm 2020. Cụ thể, Hapro đạt doanh thu hợp nhất 618,4 tỷ đồng, giảm 34,7% so với năm 2020; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 9,8 tỷ đồng (tăng gấp đôi số lỗ năm 2020), lợi nhuận khác là 5,1 tỷ, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2021 của Hapro âm 4,9 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ 50 triệu đồng.
Hapro là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thương mại và phân phối ở Hà Nội với vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, lên sàn chứng khoán năm 2018. Tại thời điểm cổ phần hóa năm 2018, Hapro nắm giữ quỹ đất “khủng” với 183 cơ sở nhà đất. Sau đó, nhà nước thu hồi 63 cơ sở nhà đất và giao cho Hapro tiếp tục quản lý sử dụng 114 cơ sở nhà đất, trong đó có không ít địa chỉ được liệt vào dạng “đất vàng”.
Dưới sự dẫn dắt của Tập đoàn BRG, Hapro đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ, mục tiêu trở thành thương hiệu đa ngành. Tuy nhiên sự ảnh hưởng của đại dịch đã khiến kết quả kinh doanh 2 năm qua không được như mong muốn.
Ngoài các doanh nghiệp trên, hàng loạt các công ty khác cũng báo lỗ sau thuế năm 2021 như Sông Đà 10 (SDT), đơn vị thành viên của Tổng Công ty Sông Đà; Vinaconex – ITC (VCR), thành viên nhóm Vinaconex; Landmark Holding (LMH); Xây lắp dầu khí Thanh Hóa (PVH); Công ty Cổ phần Quốc tế Holding (LMH); Công ty Cổ phần Cà phê Phước An (CPA)…