Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030 sáng 21/6, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời đã đề xuất dự án lúa gạo chất lượng cao vào Quy hoạch ĐBSCL. Theo ông, dự án này sẽ góp phần quan trọng vào an ninh lương thực, đời sống người nông dân trồng lúa ngày càng được nâng cao, nông thôn ngày càng văn minh và ngày càng đáng sống hơn.
Đồng thời còn góp phần đáng kể vào chương trình trung hoà khí thải mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết tại hội nghị COP26. Lãnh đạo Lộc Trời cũng đề xuất được tham gia xây dựng và vận hành dự án này, với những thế mạnh riêng của doanh nghiệp mình.
Theo đó, Lộc Trời tham gia hoạt động chuyên ngành nông nghiệp đã 29 năm với số lượng nhân viên gần 4.000 người, trong đó có đội ngũ "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm – PV) gồm 1.300 kỹ thuật viên nông nghiệp, được nông dân tin yêu thông qua hoạt động hỗ trợ kỹ thuật mùa vụ và luôn sát cánh với bà con trên từng mảnh vườn ruộng.
Năng lực nghiên cứu khoa học của công ty có Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời, với sự tham gia cơ hữu và hợp tác của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, tự nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu để tìm ra các giống cây trồng phù hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của từng vùng đất đồng thời được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Lộc Trời cũng có năng lực xử lý mùa vụ, đảm bảo năng suất cây trồng và tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường tiêu thụ. Tập đoàn thực hiện các dịch vụ bao sâu bệnh, bao năng suất và bao lợi nhuận cho nông dân trong các Hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất với Lộc Trời.
Hiện nay Lộc Trời đang tổ chức sản xuất trên diện tích gần 1 triệu ha lúa và rau màu, thể hiện năng lực tổ chức sản xuất lớn. Đặc biệt ở An Giang, Lộc Trời ký thoả thuận với tỉnh tổ chức sản xuất và bao tiêu 110.000 ha trong năm 2022. Lộc Trời cũng đã đạt được thoả thuận với tỉnh Kiên Giang trong việc tổ chức sản xuất và bao tiêu lúa của nông dân toàn tỉnh. Lộc Trời hiện có hơn 100 máy nông nghiệp và hơn 200 thiết bị bay không người lái phục vụ sạ giống, bón phân và phun thuốc.
Bên cạnh đó, Lộc Trời còn là đơn vị đầu tiên đạt được chứng nhận cao nhất về trồng lúa bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững do Liên Hợp Quốc ban hành, đó là tiêu chuẩn SRP. Số điểm tối đa của tiêu chuẩn trồng lúa bền vững SRP là 100 và Lộc trời liên tục đạt điểm tuyệt đối trong 3 năm, từ 2020-2022. Lực lượng huấn luyện viên SRP được đào tạo và được cấp chứng chỉ quốc tế của Lộc Trời là hơn 100 người, thường xuyên thực hành trên đồng ruộng cùng với bà con nông dân.
Lộc Trời là đơn vị xuất khẩu gạo lớn. |
Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL
Trong khi đó, vốn là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; ĐBSCL đang đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.
Trong Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 18/6/2022 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND TP Cần Thơ và các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.
Bên cạnh đó, xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa địa phương phát triển công nghiệp với địa phương chuyên trồng lúa.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Văn phòng Điều phối Nông nghiệp, Nông thôn vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ đã đi vào hoạt động. Văn phòng đang thực hiện vai trò điều phối tích hợp thông tin nông nghiệp cấp vùng thông qua số hoá các cơ sở dữ liệu, công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, chuẩn hoá quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; hình thành chuỗi ngành hàng thông qua các hiệp hội ngành hàng bắt đầu từ chuỗi lúa gạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thuỷ lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống.
Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hoà giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistic nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền.