Logistics là yếu tố quan trọng nhất để tiêu thụ nông sản Sơn La

Logistics là yếu tố quan trọng nhất để tiêu thụ nông sản Sơn La

logistics Việt nAM
19:58 - 08/04/2022
Sơn La đang là tỉnh có sản lượng cây ăn trái lớn nhất miền Bắc, hướng tới trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, hiện nay nền tảng dịch vụ logistics của tỉnh chưa đáp ứng được tiềm năng phát triển.

Chia sẻ tại hội nghị “Định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La” ngày 8/4, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết, hiện tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh ước đạt trên 84.000 ha, với sản lượng đạt trên 450.000 tấn. Trong số này Sơn La có một số loại nông sản chính như tinh bột sắn, ngô, cà phê, chè, mận, xoài, nhãn…

Tỉnh Sơn La hiện có trên 500 cơ sở chế biến nông sản, trong đó 50 cơ sở chế biến xuất khẩu với các sản phẩm như sữa, đường, cafe, chè, chanh leo, xoài, nhãn… Với quy mô này, đây cũng là tỉnh có sản lượng cây ăn trái lớn nhất miền Bắc hiện nay.

Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn, 24 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 35 sản phẩm được lên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, tỉnh đã xúc tiến xuất khẩu và giới thiệu được 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đây là một con số tích cực, nhưng để hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc thì Sơn La vẫn còn một quãng đường dài. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt và cơ bản nhất là phát triển hạ tầng logistics.

“Sơn La đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc. Vì vậy địa phương kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều hơn các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến vào tỉnh”, ông Lê Hồng Minh chia sẻ.

Trong bối cảnh có tiềm năng nông sản dồi dào, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, logistics của Sơn La lại đang là vấn đề cản trở mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc của địa phương này. Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La nhận định, logistics là một trong những ngành dịch vụ quan trọng mà tỉnh còn đang yếu. Do đó cần thúc đẩy phát triển ngành này mạnh mẽ hơn nếu tỉnh muốn trở thành trung tâm chế biến của vùng.

Hiện nay, dịch vụ logistics trên địa bàn Sơn La có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn. Chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ và dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, hạ tầng đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh cũng chưa được đầu tư đồng bộ, năng lực bốc xếp cũng như khả năng kết nối với các tuyến đường bộ còn hạn chế. Các loại hình vận chuyển khác cũng chưa được phát triển. “Hiện địa bàn tỉnh không có các tuyến đường sắt và đường hàng không vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ tỉnh Sơn La”, Bà Châu cho biết thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho rằng, Sơn La mặc dù đã có quy hoạch một trung tâm logistics tại khu vực cửa khẩu Lóng Sập. Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư.

Theo đó, ông Hải hi vọng tỉnh có những chính sách phù hợp và hiệu quả để thu hút vốn đầu tư hạ tầng logistic cho Sơn La nhằm khắc phục những khó khăn trong giao thông do điều kiện tự nhiên gây ra.

Tại hội nghị, Sở Công Thương tỉnh Sơn La đề xuất 5 giải pháp chính cho vấn đề logistics để khơi thông sự phát triển của lĩnh vực hàng hóa nông sản. Theo đó, cần cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, ưu tiên các tuyến trọng yếu, các tuyến đường dẫn tới các cửa khẩu, vùng nguyên liệu chính của tỉnh. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, nhằm rút ngắn thời gian và chi phí vận tải hàng hóa.

Bên cạnh việc cải tạo cửa khẩu Lóng Sập trở thành Cửa khẩu quốc tế, Sơn La cũng cần cải thiện hệ thống kho, bãi, cảng, bến thủy nội địa vệ tinh. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản gắn với cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, phân loại, bao gói tập trung.

Ngoài ra, các doanh nghiệp và người sản xuất cũng cần đổi mới tư duy, thay vì sản xuất chạy theo quy mô, số lượng thì cần tập trung sản xuất theo quy chuẩn, đơn đặt hàng của từng thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm. Đồng thời, chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tận dụng các chính sách hỗ trợ và hạ tầng logisitics của sàn.

Bên cạnh đó, các đại diện tham gia hội nghị tại Sơn La cũng tích cực đưa ra những kiến nghị nhằm phát triển dịch vụ logistics cho tỉnh. Bà Đặng Thanh Phương, đại diện Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương cho rằng, để tạo mô hình phát triển dịch vụ logistics đồng bộ bền vững cần tạo mối liên kết giữa 4 yếu tố: Nhà nước, khoa học- kĩ thuật, người nông dân và nhà doanh nghiệp trong việc triển khai hệ thống logistics và tạo chuỗi cung ứng thông suốt.

Tiếp nhận ý kiến của bà Phương, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khẳng định, hội sẽ cùng với Bộ Công Thương hỗ trợ Sơn La trong việc hình thành Hiệp hội logistics địa phương khi có yêu cầu. Qua đó thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong tỉnh, tham mưu cho tỉnh trong chính sách phát triển dịch vụ logistics gắn với liên kết vùng của khu vực Tây Bắc.

Bên cạnh đó, ông Khoa cũng cho rằng, Sơn La cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, các tuyến đường đến trung tâm xã, các đường vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đường nội bộ các khu sản xuất nông nghiệp, các tuyến đường bộ kết nối với các cảng, bến thủy nội địa, các tuyến trục chính đến cửa khẩu để rút ngắn thời gian và giảm chí phí và tạo điều kiện dễ dàng cho lưu thông hàng hóa nông sản...

"Đặc biệt quan trọng là tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu khi hoàn thành có thể rút ngắn hơn quãng đường hiện nay từ Sơn La đi Cảng Hải Phòng (hiện khoảng 13h) đi Sân bay Nội Bài (hiện khoảng 10h). Khi đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics, Sơn La sẽ đảm bảo việc tiêu thụ tốt nông sản", ông Khoa nhấn mạnh.

Đọc tiếp