Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group. |
Thông tin được chia sẻ trong báo cáo thường niên 2022 của Masan mới công bố. Kế hoạch trên tương ứng với mức tăng trưởng 18%-31% và 4-30% so với kết quả thực hiện năm 2022.
The CrownX (TCX) vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của Masan khi đóng góp hơn 70% vào doanh thu thuần năm 2023. Trong đó, WinCommerce (WCM) dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000 – 40.500 tỷ đồng, tăng 16% - 29% so với năm trước, nhờ tăng trưởng doanh thu tại các cửa hàng hiện có và mở rộng số lượng cửa hàng.
Wincommerce vận hành 3.268 minimart tính đến cuối năm 2022, so với 2.619 cửa hàng mini so với cùng kỳ năm 2021. Ban điều hành đặt mục tiêu mở rộng thêm khoảng 800-1.200 số lượng địa điểm cửa hàng mini vào năm 2023.
Doanh thu thuần của Masan Consumer Holdings (MCH) dự kiến đạt từ 30.500 – 33.500 tỷ đồng, tăng 15%-30% so với doanh thu năm 2022 (không bao gồm doanh thu thịt chế biến), nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh trong mảng kinh doanh thực phẩm tiện lợi, đồ uống, chăm sóc cá nhân và gia đình và tăng tỷ lệ thâm nhập vào các khu vực địa lý còn ít hoạt động.
Phúc Long Heritage (PLH) dự kiến sẽ đạt doanh thu từ 2.500 – 3.000 tỷ đồng vào năm 2023, nhờ vào nhiều cửa hàng đại diện được khai trương, triển khai tích hợp khách hàng thân thiết vào tư cách thành viên WIN của Masan và tăng cường đổi mới thực đơn trong 6 tháng cuối năm 2023.
PLH đã mở thêm 23 cửa hàng flagship mới và 2 cửa hàng mini trong quý 4/2022, nâng tổng số lên 111 cửa hàng đại diện thương hiệu và 21 cửa hàng mini vào cuối năm 2022; tăng gần gấp đôi số lượng cửa hàng kể từ khi MSN lần đầu đầu tư vào công ty năm 2021.
Trong năm 2023, PLH đặt mục tiêu mở 75-90 cửa hàng đại diện thương hiệu mới. Công ty còn đặt mục tiêu mở rộng trên phạm vi toàn cầu trong vòng 2-3 năm tới.
Các mảng thịt sạch (Masan MeatLife, MML), khoáng sản (Masan High-Tech Materials) và ngân hàng (Techcombank) cũng được Masan tăng trưởng dương trong năm 2023.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ của MSN là 70.993 tỷ đồng, với số dư tiền và các khoản tương đương tiền đạt 17.512 tỷ đồng. Tỷ lệ tổng nợ/EBITDA hợp nhất đạt 3,7 lần.
Trong vòng 12 tháng tới, Masan cho biết sẽ tập trung vào việc củng cố bảng cân đối kế toán và cân đối chỉ số đòn bẩy, duy trì mức Nợ ròng/EBITDA mục tiêu dưới 4,5 lần, thông qua các giải pháp sau:
Tỷ trọng EBITDA dự kiến cao hơn từ WCM, MCH và MML trong năm 2023, so với năm 2022. Giảm nợ tại MSN và các công ty con bằng cách tận dụng dòng tiền tự do từ hoạt động kinh doanh và cải thiện chu kỳ chuyển đổi tiền mặt của vốn lưu động. Bên cạnh đó là tìm kiếm các giải pháp chiến lược của công ty để giảm mức nợ ròng.
6 tháng đầu năm là giai đoạn rất khó khăn
Chia sẻ thêm về tình hình vĩ mô có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, Masan dự đoán 6 tháng đầu năm là giai đoạn rất khó khăn khi lạm phát, lãi suất và rủi ro suy thoái vẫn ở mức cao. Những làn sóng vĩ mô làm giảm tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như tạm thời làm chậm lại các động lực tăng trưởng của Masan, chẳng hạn như cao cấp hóa và chuyển đổi từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, Masan kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trở lại nhờ vào lãi suất thấp hơn, vốn FDI giải ngân cao hơn, khách du lịch quốc tế nhiều hơn và đầu tư của khu vực công tăng cao.
Về dài hạn, doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng đầu ngành nhận định, mức tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ bộ phận người tiêu dùng trẻ, thuộc tầng lớp trung lưu và thành thạo công nghệ. Bộ phận người tiêu dùng này đang thúc đẩy tạo ra những hành vi mới với sản phẩm, địa điểm và cách thức mua sắm hàng hóa của mình.
Cụ thể, ba xu hướng lớn đang thay đổi bối cảnh nhu cầu tiêu dùng: Cao cấp hóa sản phẩm và dịch vụ - hàng hóa tiêu dùng; đẩy mạnh chuyển đổi từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại - nơi mua sắm; tiếp cận sản phẩm và dịch vụ đa kênh - cách thức tiếp cận hàng hóa.