Lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong tháng 5 giảm so với tháng trước. |
Báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 5/2023 của Maybank do ông Brian Lee Shun Rong - chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô và ông Chua Hak Bin - Kinh tế trưởng thực hiện. Báo cáo chỉ ra rằng, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giảm trong tháng 5, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái (so với mức giảm 16,2% trong tháng 4). Mức giảm theo năm ít hơn so với tháng trước một phần nhờ mức so sánh thấp của năm ngoái.
So với tháng 4, xuất khẩu tháng 5 của Việt Nam tăng 4,3%, đảo chiều so với mức giảm -6,2%. Điều này là do sự gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực thương mại trong thời gian còn lại của năm do nhu cầu toàn cầu suy giảm.
Sản xuất công nghiệp (IP) tháng 5 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước (so với mức tăng 0,5% trong tháng 4), tăng 2,2% so với tháng trước. Sản xuất công nghiệp được hỗ trợ bởi điện và khí đốt và cấp thoát nước do việc sử dụng điện tăng do đợt nắng nóng. Theo Maybank IBG, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện do sử dụng điện nhiều và mực nước giảm (ảnh hưởng đến các nhà máy thủy điện) trong mùa khô.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 5 ở mức 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 1,5% so với tháng trước do mức tiêu thụ cao hơn nhờ 5 ngày nghỉ lễ liên tiếp vào đầu tháng.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, mức tăng hàng tháng của doanh số bán lẻ toàn phần trong tháng 5 chưa bằng một nửa so với mức 3,8% được thấy trong tháng 4, dù có kỳ nghỉ lễ. Điều này có thể là do nền kinh tế suy yếu, các hộ gia đình thắt chặt hầu bao do thị trường lao động yếu đi, chi phí vay cao và chi phí sinh hoạt tăng.
Lượng khách nước ngoài đến trong tháng 5 giảm 6,9% xuống 916.000 lượt, từ 984.000 lượt vào tháng trước. Sự sụt giảm chủ yếu là do du khách đến từ Châu Âu, ASEAN, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều giảm, ngược lại được bù đắp bằng lượng khách Trung Quốc (tăng 43.000 lượt), tăng tháng thứ tư liên tiếp.
Lượng khách nước ngoài đến trong tháng 5 bằng 46% so với mức trước đại dịch (tức là tháng 1/2020). Lượng khách Trung Quốc đã tăng lên 22,8% so với mức trước Covid nhưng vẫn thấp so với các nước khác, một phần do số lượng chuyến bay hạn chế. Các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được nối lại nhưng chỉ bằng 31,5% so với mức trước đại dịch (tháng 4/2019).
Lạm phát tiêu đề đã giảm tiếp tháng thứ 4 khi giảm phát giao thông bù cho dịch vụ tiện ích tăng vọt. Lạm phát toàn phần tăng chậm lại tháng thứ 4 liên tiếp, ở mức 2,4% trong tháng 5 (so với 2,8% trong tháng 4), với chỉ số CPI không đổi so với tháng trước.
Lạm phát cơ bản tăng 4,5%, giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 0,3% so với tháng trước, chủ yếu do lạm phát vận tải đóng góp giảm, kéo theo hạn chế lạm phát chung.
Lạm phát cơ bản (core inflation) ở mức 4,5%. |
Kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành
Từ các chỉ số trên, Maybank IBG duy trì dự báo lạm phát chung năm 2023 ở mức 3,4%. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại làm lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, trong khi kế hoạch cắt giảm thuế giá trị gia tăng 2% (có thể từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 12) sẽ giúp giảm áp lực tăng giá.
Đồng thời, Maybank IBG hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 4% (từ mức 5,5% trước đó). Xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục suy giảm trong nửa cuối năm 2023 mặc dù có thể thấy sự phục hồi khiêm tốn từ quý 4 do hưởng lợi từ mức so sánh thấp.
“Nhu cầu từ Mỹ và EU có thể sẽ vẫn yếu do tăng trưởng chậm lại và hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tăng cao. Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị suy yếu do tiên lượng nhu cầu toàn cầu ảm đạm (do đầu vào thượng nguồn chiếm phần lớn các chuyến hàng đến Trung Quốc) và sự phục hồi của Trung Quốc là nhờ vào dịch vụ, vốn ít nhập khẩu hơn. Lượng khách du lịch phục hồi sẽ không đủ để hỗ trợ tăng trưởng, do nền kinh tế của Việt Nam có định hướng xuất khẩu cao”, các chuyên gia nhận định.
Đối với quý 2/2023, Maybank IBG ước tính mức tăng trưởng của Việt Nam khoảng 3% (so với 3,3% trong quý 1), bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của xuất khẩu và bất động sản.
Các chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong vòng 3 tháng tới, do những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế vẫn còn trong khi lạm phát được kiểm soát.