Hợp đồng bán vũ khí trị giá 20 tỷ USD của Mỹ cho Israel sẽ kéo dài nhiều năm. Ảnh: Anadolu Agency |
Theo hãng tin AP trích dẫn thông báo chính thức từ Lầu Năm Góc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đại diện Chính phủ Mỹ đã phê duyệt việc bán hơn 50 máy bay chiến đấu F-15, tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM), đạn xe tăng 120 mm, súng cối nổ cao và các phương tiện chiến thuật khác cho Israel. Tổng giá trị của gói vũ khí này trị giá 20 tỷ USD.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng các căng thẳng tại Trung Đông có thể leo thang hơn nữa, đặc biệt là khi xung đột đang xảy ra giữa Israel với lực lượng Hamas, lực lượng Hezbollah và Iran.
Tuy nhiên, tuyên bố từ Lầu Năm góc cho biết số vũ khí này sẽ không được chuyển tới Israel ngay lập tức mà sẽ kéo dài trong nhiều năm. Các máy bay chiến đấu F-15 dự kiến sẽ mất nhiều năm để sản xuất và việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2029, trong khi các vũ khí khác có thể bắt đầu được giao hàng sớm nhất là vào năm 2026.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/8 khẳng định: “Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Israel và điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là hỗ trợ Israel phát triển và duy trì khả năng phòng vệ mạnh mẽ và luôn sẵn sàng. Hợp đồng bán vũ khí này phù hợp với các mục tiêu đó”.
Phản ứng lại động thái trên, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant trong một bài đăng trên mạng xã hội X cùng ngày gửi lời cảm ơn tới các quan chức Mỹ đã giúp quốc gia này duy trì “lợi thế quân sự chất lượng trong khu vực” cũng như đánh giá cao cam kết của Mỹ đối với an ninh của Israel.
Kể từ khi xung đột tại Dải Gaza bắt đầu ngày 7/10/2023, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đứng trước nhiều áp lực trong việc hạn chế hỗ trợ quân sự cho Israel. Do số lượng dân thường thiệt mạng tăng cao tại Gaza, chính phủ Mỹ hồi tháng 5 đã đình chỉ một đợt vận chuyển đạn dược tới Israel, trong đó bao gồm 1.800 quả bom, mỗi quả nặng khoảng 900kg và 1.700 quả bom khác - mỗi quả nặng 226kg.
Các cuộc tấn công của quân đội Israel đã tàn phá Gaza cũng như gây ra nhiều thương vong cho người dân thường và tạo ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Tính tới hiện tại, Bộ Y tế Gaza cho biết có gần 40.000 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em.
Hai bên Israel – Hamas đã tiến hành nhiều vòng đàm phán ngừng bắn kể từ tháng 11/2023 tuy nhiên đều không ghi nhận tiến triển đáng kể do bất động vẫn còn tồn tại trong một số vấn đề. Trong khi Hamas yêu cầu rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ đề nghị tạm dừng giao tranh nhưng không kết thúc hoàn toàn cho đến khi Israel đạt được mục tiêu tiêu diệt Hamas cũng như trao trả tất cả con tin bị nhóm phiến quân bắt giữ.
Nguyên nhân do Hamas bày tỏ lo ngại rằng Israel sẽ tái khởi động giao tranh sau khi các con tin được thả trong khi các quan chức Israel lo ngại Hamas sẽ kéo dài các cuộc đàm phán và lệnh ngừng bắn ban đầu vô thời hạn mà không thả tất cả con tin.