Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VGP |
Ngày 6/3, tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Nam Định được xác định sẽ là một cực phát triển quan trọng của tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng khu vực.
Từ định hướng đó, Quy hoạch tỉnh Nam Định có vai trò đặc biệt quan trọng, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng với 4 trung tâm đô thị và 5 hành lang kinh tế, trong đó phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.
Theo quy hoạch, Nam Định phấn đấu giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng GRDP bình quân khoảng 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2030, tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 50%; dịch vụ chiếm khoảng 38%.
GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2030 đạt trên 7 tỷ USD. Thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn năm 2030 đạt trên 18.000 tỷ đồng. Đến năm 2030 không còn hộ nghèo, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 80% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thoát khỏi "vùng trũng" về giao thông
Phó Thủ tướng cho rằng, Nam Định đã tiên phong trong phát triển công nghiệp nhưng đến nay lại đi sau một số địa phương, vì vậy, tỉnh cần nhìn nhận, xác định những điểm nghẽn lớn nhất, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá.
"Với việc đầu tư tuyến đường hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam, tuyến cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, kết nối với cao tốc Bắc-Nam, Nam Định sẽ thoát khỏi tình trạng là "vùng trũng" về hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian, tiềm năng phát triển mới. Đây cơ hội rất lớn để Nam Định thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển".
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
"Kết cấu hạ tầng phải được phát triển đồng bộ, đi trước một bước với tầm nhìn, tư duy quy hoạch chất lượng, dài hạn để làm nên giá trị, sức hấp dẫn, thu hút do chính con người tạo ra trên mảnh đất Nam Định", Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng gợi ý nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm năng lớn về năng lượng sạch, năng lượng điện gió ngoài khơi là hạ tầng, cơ hội để Nam Định tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn với các nhà đầu tư do vậy tỉnh cần chủ động lựa chọn các lĩnh vực phát triển theo hướng công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, đáp ứng các yêu cầu mới về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Cơ hội phát triển từ hướng biển
Về phương hướng phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý hiện quỹ đất tự nhiên của Nam Định không lớn, mật độ dân số cao và nhu cầu cho các ngành kinh tế ngày càng tăng do vậy Nam Định cần quản lý, lựa chọn các dự án theo tiêu chí về suất đầu tư, hiệu quả kinh tế, hạ tầng kinh tế - xã hội.
Với lợi thế về biển, Phó Thủ tướng cho rằng Nam Định có nhiều cơ hội phát triển hướng biển, chuyển đổi sinh kế người dân ở bãi ngang, bãi bồi sang đánh bắt, nuôi biển kết hợp hình thành các trung tâm điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, Nam Định cần thúc đẩy chuyển đổi kinh tế nông nghiệp theo hướng đa mục tiêu công nghệ cao, hữu cơ, xanh, kết hợp với du lịch, để người nông dân nâng cao thu nhập, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong phát triển du lịch, lãnh đạo Chính phủ khẳng định Nam Định có nhiều lợi thế về lịch sử, văn hóa cùng các làng nghề truyền thống do đó cần kết nối chuỗi du lịch Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam - Thái Bình để tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, thắng cảnh độc đáo, gắn với đời sống các làng nghề truyền thống cùng với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng.
Nhấn mạnh vốn quý nhất để Nam Định phát triển không phải là những lợi thế về đất đai, tài nguyên thiên nhiên mà chính là ở nguồn nhân lực và nhân tài của vùng đất hiếu học, Phó Thủ tướng mong muốn Nam Định phát huy tối đa lợi thế về nguồn lực con người, cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư về xây dựng những ngành kinh tế đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Tỉnh cần tiếp tục phát huy truyền thống khoa cử, hiếu học để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cần có chính sách thu hút lao động trẻ được đào tạo trở lại làm việc tại Nam Định," Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng, với truyền thống lịch sử văn hóa, sự năng động, sáng tạo của con người Nam Định,tỉnh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư với 7 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 420 triệu USD.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định chúc mừng các nhà đầu tư được trao quyết định, giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định đã thay mặt UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với 9 nhà đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái… tại tỉnh Nam Định, đây là những dự án quan trọng, có số vốn đầu tư lớn và sẽ tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: VGP |