Từ biệt năm Quý Mão đầy kiên cường, Việt Nam vững vàng bước sang năm mới Giáp Thìn với kỳ vọng từng bước vượt qua những cơn sóng, để tiếp tục thực hiện khát vọng thịnh vượng.
TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM
Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió đối với kinh tế thế giới. Những hậu quả của đại dịch vẫn chưa xóa mờ, một loạt thách thức mới lại xuất hiện, bao gồm các cuộc xung đột địa chính trị, xu hướng thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, đầu tư - thương mại sụt giảm...Kinh tế Việt Nam đã thể hiện một sự kiên cường, sẵn sàng vượt sóng để trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tích cực của thế giới.
Đối với năm 2024, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đưa ra những nhận định tương đối lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam vào năm 2024 ở mức 6%, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN trong bối cảnh kinh tế của các đối tác thương mại chính của Việt Nam tăng trưởng tốt và ghi nhận những bước phát triển tích cực trong việc giải quyết căng thẳng địa chính trị.
Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Giới chuyên gia IMF cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025.
Theo IMF, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều tác động của nhu cầu sụt giảm từ bên ngoài trong năm 2023, song nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được từ trước thời kỳ đại dịch Covid-19 vẫn được duy trì.
Trong khi đó, báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), dự báo mức tăng trưởng 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025. Các chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, dỡ bỏ các rào cản trong việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
World Bank cho rằng, môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo. Trong dài hạn, World Bank tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ có thể đạt tăng trưởng 7%.
Trong báo cáo công bố ngày 9/11, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế đất nước.Trên cơ sở đó, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025. Fitch Ratings cũng tin rằng các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và tăng trưởng bền vững sẽ mở ra triển vọng kinh doanh tích cực cho các ngân hàng.
Tổ chức Fitch Ratings đánh giá những thách thức đối với nền kinh tế từ khó khăn trên thị trường bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ ít tác động đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn trong khi dư địa chính sách dồi dào sẽ góp phần kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn.
Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục củng cố nền tài chính công lành mạnh, với nợ Chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với các quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm.
Trong trung hạn, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 7% nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào.Tổ chức này cũng cho rằng cùng với việc Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế lấy lại được đà tăng trưởng trong thời gian tới.
TRONG MỘT THẾ GIỚI VẪN CÒN NHIỀU BẤP BÊNH
Nhìn ra toàn thế giới, các chuyên gia nhận định, kinh tế toàn cầu đã tránh được một vòng xoáy suy thoái, đó là cơ sở để hy vọng về một năm 2024 có phần lạc quan hơn. Tuy nhiên, "bấp bênh" vẫn là từ nhiều người dùng để hình dung về kinh tế thế giới năm 2024.
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây cho biết, thương mại toàn cầu trong năm 2023 ước tính sụt giảm 5% so với năm 2022, đồng thời dự báo triển vọng ảm đạm vào năm mới 2024.
Trong báo cáo Cập nhật Thương mại Toàn cầu, UNCTAD ước tính kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 đạt xấp xỉ 30.700 tỷ USD. So với năm 2022, thương mại hàng hóa giảm gần 2.000 tỷ USD, tương đương mức giảm 8%, song thương mại dịch vụ tăng khoảng 500 tỷ USD, tương đương mức tăng 7%.
UNCTAD nhận định thương mại toàn cầu sụt giảm một phần là do xuất khẩu kém hiệu quả của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, một phần khác chịu ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm ở các nước phát triển cũng như do giá cả hàng hóa giảm. UNCTAD dự báo triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn "rất bấp bênh và nhìn chung là bi quan".
Bên cạnh đó, lãi suất cao trong thời gian dài vẫn là rủi ro lớn. Sau cuộc đua tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế lớn nhất sẽ tiến tới giảm tốc chu trình thắt chặt tiền tệ trong năm tới.
Dẫu vậy, những thay đổi về lãi suất thường mất từ 12 đến 18 tháng mới tác động đến các nền kinh tế. Năm 2024, dự báo lạm phát vẫn chưa thể dễ dàng về lại mức mục tiêu 2%.
Chưa kể, căng thẳng địa chính trị có thể khiến tình hình trở nên xấu hơn. Thế giới đang phải đối mặt với hai cuộc xung đột mạnh mẽ, tại Nga và Ukraine, Israel với Hamas. Nếu xung đột lan rộng tại Trung Đông, ảnh hưởng sẽ rất lớn, do khu vực này là một trong những tuyến vận chuyển đường biển đông đúc nhất thế giới.
LẠC QUAN MỘT CÁCH THẬN TRỌNG
Trả lời phỏng vấn của Mekong ASEAN, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhận định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, ADB vẫn lạc quan một cách thận trọng về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% trong năm 2024 với kỳ vọng có sự phục hồi nhất định từ môi trường bên ngoài và các động lực tăng trưởng chính sẽ tiếp tục đà phục hồi từ năm 2023.
Nhu cầu toàn cầu yếu là rủi ro chủ yếu từ bên ngoài, trong đó sự phục hồi chậm ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất định hướng xuất khẩu, làm giảm triển vọng thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Theo chuyên gia ADB, Việt Nam cần đẩy mạnh các chính sách khuyến khích nhu cầu trong nước, đẩy nhanh cải cách cơ cấu, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn nữa.
Trước tiên, theo ông Hùng, đầu tư công là biện pháp kích thích tài khóa cần được đẩy mạnh vì Việt Nam còn nhiều dư địa tài khóa. Nguồn vốn đầu tư công khá lớn, khoảng 30 tỷ USD cần được đẩy nhanh giải ngân. Đẩy nhanh đầu tư công sẽ trực tiếp hỗ trợ các ngành công nghiệp ký hợp đồng như xây dựng và khai thác mỏ, mang lại nhiều cơ hội việc làm. Hơn nữa, đầu tư công hiệu quả vào cơ sở hạ tầng có chất lượng sẽ có tác động kích thích các hoạt động kinh tế.
Thứ hai, tiêu dùng trong nước có thể được thúc đẩy nhờ nhu cầu gia tăng từ các biện pháp tài khóa, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ phù hợp để giữ lãi suất ở mức tương đối thấp. Chính sách phối hợp có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách hiệu quả, có tính đến sự ổn định tương đối về giá và nhu cầu yếu. Trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ cần mang tính hỗ trợ và mở rộng chính sách tài khóa.
Thứ ba, Việt Nam cần thúc đẩy những cải cách mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh, tăng cường hơn nữa thu hút dòng vốn FDI và nâng cao khả năng cạnh tranh để phục hồi nhu cầu thương mại vào năm 2024.
Cuối cùng, trong khi thị trường toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024, ông Hùng của ADB tin rằng Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh khai thác các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt cơ hội để đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
LINH HOẠT CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ TRONG BỐI CẢNH NHIỀU BIẾN ĐỘNG
Đề cập đến điều hành chính sách tiền tệ, theo chuyên gia kinh tế trưởng ADB, những nỗ lực trong điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt đã góp phần quan trọng trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tương đối tốt trong năm 2023 là rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trong năm 2024, việc nới lỏng chính sách tiền tệ cần được thực hiện thận trọng trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn còn. Chính sách tiền tệ phải được phối hợp tốt với chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhiều hơn nữa.
"Chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ phụ thuộc phần lớn vào quỹ đạo lạm phát. Chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, được hỗ trợ bởi việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp kiểm soát lạm phát", Chuyên gia kinh tế trưởng ADB chia sẻ.
Việc xây dựng chính sách tiền tệ đến năm 2024 của Việt Nam sẽ cần tiếp tục chú ý đến sự cân bằng giữa tăng trưởng, lạm phát và lãi suất. Sự cân bằng này rất quan trọng để giúp tín dụng có thể tiếp cận được và kích thích hoạt động kinh tế.