‘Nền tảng quan hệ Nhật Bản – Việt Nam là sự thấu hiểu và đồng cảm’

‘Nền tảng quan hệ Nhật Bản – Việt Nam là sự thấu hiểu và đồng cảm’

NHẬT BẢN Việt nAM
10:06 - 26/01/2023
Đây là khẳng định của Ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, khi nói về chất keo sơn gắn kết hai nước, nhất là khi Việt Nam - Nhật Bản đang tiến tới mốc kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Việt Nam - Nhật Bản đã thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng” trên tất cả các lĩnh vực, với đặc điểm nổi bật nhất là sự tin cậy cao. Đây là thành quả nỗ lực thúc đẩy quan hệ của cả hai nước trong suốt những năm qua, là tài sản quý giá cần tiếp tục vun đắp. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã có những chia sẻ với Mekong ASEAN nhân dịp xuân Quý Mão về các lĩnh vực có thể tăng cường hợp tác chiều sâu trong năm 2023.

Mekong ASEAN: Ngài đại sứ có đánh giá gì về những thành tựu trong quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam trong năm 2022 vừa qua?

Đại sứ Yamada Takio: Vượt qua khó khăn bởi sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, hoạt động giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm vừa qua đã được nối lại sôi nổi.

Các cuộc thăm hỏi lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước như: Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida Fumio vào tháng 5/2022, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 9/2022, đã không ngừng tiếp thêm động lực cho quan hệ hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Tôi đánh giá cao việc quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản – Việt Nam phát triển thực chất trên nhiều lĩnh vực. Bao gồm hợp tác về mặt kinh tế thông qua dự án ODA, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác về mặt an ninh quốc phòng như an ninh mạng và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Tôi rất vui vì hai nước đã có những bước chuẩn bị chu đáo trong năm nay hướng tới hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam và kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị hợp tác Nhật Bản – ASEAN vào năm 2023.

Đặc biệt, tại Hội nghị Cấp cao Nhật Bản – ASEAN, lãnh đạo Nhật Bản và các nước ASEAN đã thống nhất tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt Nhật Bản – ASEAN tại Tokyo vào tháng 12/2023. Tôi mong muốn tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản – Việt Nam và Nhật Bản – ASEAN lên một tầm cao mới vào năm 2023.

Mekong ASEAN: Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, theo Đại sứ, mối quan hệ được cho là có “tiềm năng vô hạn” sẽ được làm sâu sắc hơn như thế nào?

Đại sứ Yamada Takio: Tôi thấy có rất nhiều ví dụ thực tế thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam. Mối quan hệ tin cậy đặc biệt được vun đắp từ cấp lãnh đạo hai nước đến giao lưu trong cuộc sống hàng ngày (ẩm thực, lối sống, thời trang, manga, anime…) đang được mở rộng ở mọi thế hệ, bao gồm cả thế hệ trẻ. Ngoài ra, những bằng chứng này cũng xuất hiện trong lịch sử lâu đời của hai nước.

Để đạt được điều đó, tôi hy vọng chúng ta có thể chung tay xây dựng những chương trình kỷ niệm 50 năm mang tính bao trùm, mà mọi người thuộc mọi lĩnh vực và cấp độ ở hai nước có thể cùng nhau tận hưởng niềm vui.

Mekong ASEAN: Theo Đại sứ, những “cơ hội vàng” nào sẽ được mở ra trong quan hệ ASEAN – Nhật Bản nói chung và Việt Nam – Nhật Bản nói riêng?

Đại sứ Yamada Takio: Khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam có vị trí trọng yếu trung tâm tại vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn, là đối tác quan trọng không thể thiếu trong mục tiêu thực hiện “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)” của Nhật Bản.

Dựa trên nhận thức chung này, lĩnh vực hợp tác trong quan hệ giữa Nhật Bản – ASEAN bao gồm quan hệ Nhật Bản – Việt Nam tràn đầy “những cơ hội vàng” đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Để khai thác triệt để những cơ hội này, Thủ tướng Kishida Fumio đã đề cập mong muốn tăng cường hợp tác với các nước ASEAN thông qua 6 lĩnh vực trọng tâm trong Hội nghị Cấp cao Nhật Bản – ASEAN vào tháng 11 vừa qua.

1 - Hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

2 - Hợp tác trên biển như đảm bảo an toàn vận tải đường biển

3 - Hỗ trợ tăng cường tính liên kết như đầu tư hạ tầng chất lượng cao

4 - Hỗ trợ y tế thúc đẩy bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, đối phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai

5 - Tăng cường xây dựng chuỗi cung ứng tự cường, kỹ thuật số và an ninh lương thực

6 - Hỗ trợ quá trình giảm lượng phát thải carbon các nước Châu Á thông qua “Sáng kiến Cộng đồng không phát thải Châu Á”.

Mekong ASEAN: Theo Ngài, dòng vốn FDI của Nhật Bản năm 2023 sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào? Doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh ra sao để thu hút nhiều hơn nữa FDI từ Nhật Bản?

Đại sứ Yamada Takio: Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng chú trọng vào đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Vì vậy, đầu tư trong những lĩnh vực này được dự báo là sẽ gia tăng hơn nữa.

Về những điểm cần cải thiện, trước hết, cần hoàn thiện luật pháp, các quy định về thủ tục hành chính cũng như các hạ tầng cơ bản như điện, nước, đường bộ. Việc cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao cũng rất quan trọng. Đây là những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện, tuy nhiên cần tiếp tục nỗ lực cải thiện hơn nữa.

Điều quan trọng kế tiếp là quảng bá, cung cấp thông tin và hỗ trợ các nhà đầu tư bằng tiếng Nhật. Ví dụ, các tỉnh thành địa phương đã thành công trong việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đều thành lập Japan Desk (bộ phận hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản).

Ngoài ra, các địa phương này cũng hoàn thiện trang web bằng tiếng Nhật, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Qua đó, họ có thể quảng bá và cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp Nhật Bản một cách hiệu quả.

Mekong ASEAN: Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết, 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư nước ngoài có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới, cao nhất trong số các nước ASEAN. Đại sứ có cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam đi sâu vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản?

Đại sứ Yamada Takio: Nếu nhìn từ mức trung bình trên toàn thế giới đang giảm xuống còn 45,4% từ mức 48,9% của thời kỳ trước Covid-19, thì có thể hiểu Việt Nam đang được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao như thế nào. Tôi cho rằng đây rõ ràng là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản.

Mặt khác, do ảnh hưởng của chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc và xung đột Nga – Ukraina, giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển đang tăng mạnh.

Do đó, điều quan trọng để các doanh nghiệp Nhật Bản quyết định đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng là Việt Nam cần nuôi dưỡng và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời xúc tiến đào tạo nhân tài bao gồm đào tạo cán bộ nguồn, nỗ lực tăng tỷ lệ nội địa hóa và cắt giảm chi phí.

Mekong ASEAN: Nhật Bản đang hướng tới có kế hoạch cùng ASEAN thực hiện sáng kiến “Cộng đồng không phát thải châu Á” do Thủ tướng Fumio Kishida khởi xướng. Xin Đại sứ cho biết kế hoạch này đang được triển khai như thế nào? Ngài nhìn nhận gì về vai trò của Việt Nam trong sáng kiến nói trên?

Đại sứ Yamada Takio: Tháng 1/2022, Thủ tướng Kishida Fumio đã đưa ra Ý tưởng “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC)”. Đặc trưng của ý tưởng này là thực hiện phi carbon hóa song song với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tế của khu vực châu Á và yêu cầu cung cấp điện ổn định.

Bên cạnh việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, ý tưởng này sẽ đẩy nhanh việc tiến hành thử nghiệm chung các công nghệ giảm phát thải điện sinh khối, Hydro, Ammonia, CCUS… và xây dựng chuỗi cung ứng quốc tế nhằm hướng tới giảm phát thải về 0 trong nhiệt điện.

Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng của ý tưởng này. Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5/2023, Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng AZEC vào ngày 4/3/2023 để tiến hành nghiên cứu, thảo luận về các hoạt động cụ thể của AZEC. Chính phủ Nhật Bản rất mong có sự tham dự của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26). Tuy nhiên, để Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế bền vững thì việc đảm bảo cung cấp đủ điện năng – nền tảng của tăng trưởng kinh tế là vấn đề quan trọng. Việt Nam đang ở trong tình thế cần thực hiện cả hai mục tiêu tưởng như trái ngược nhau là tăng trưởng kinh tế và trung hòa carbon.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam nhằm nghiên cứu thúc đẩy giảm phát thải về 0 trong nhiệt điện (điện sinh khối, Hydro, Ammonia...) nhằm thực hiện chuyển dịch năng lượng. Trong khi đó, ý tưởng AZEC có định hướng thúc đẩy thử nghiệm chung các công nghệ không phát thải này và tiến hành xây dựng chuỗi cung ứng quốc tế.

Mekong ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ!

Đọc tiếp