'Nếu vươn lên không gian sản xuất cao hơn thì 20 tỷ USD FDI mỗi năm chưa là gì'

'Nếu vươn lên không gian sản xuất cao hơn thì 20 tỷ USD FDI mỗi năm chưa là gì'

FDI Việt nAM
07:10 - 27/01/2023

Việt Nam đang có cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất của thế giới, với tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh mới, cần làm gì để tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất, khai mở các tiềm năng để trở thành nơi hội tụ của dòng vốn FDI?

Nhân dịp đầu xuân Quý Mão, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ KH&ĐT, NCIF) đã có những trao đổi với Mekong ASEAN xung quanh vấn đề vốn FDI.

ĐIỂM SÁNG FDI 2022: ĐĂNG KÝ MỚI GIẢM NHƯNG DÒNG VỐN THỰC CHẤT HƠN

Mekong ASEAN: Việc vốn FDI đăng ký cấp mới có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới, theo ông có phải là vấn đề đáng ngại? Sang năm 2023, ông đánh giá thế nào về triển vọng cũng như thách thức trong việc thu hút vốn FDI của Việt Nam?

TS Trần Toàn Thắng: Theo tôi thì con số mở rộng, tăng vốn sẽ thực chất hơn con số đăng ký mới. Đối với năm 2022, các biến động bên ngoài có ảnh hưởng lớn đến việc triển khai luồng đầu tư mới của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc số vốn FDI đăng ký mới giảm cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt là câu chuyện về tỷ giá đang bất lợi, lãi suất chưa ổn định... Khi lãi suất bên ngoài cao và tăng nhanh thì sẽ trở thành lực cản cho việc đầu tư, không chỉ FDI mà cả các dòng vốn khác cũng vậy.

Sang năm 2023, tôi nhận thấy có một số điểm sáng của Việt Nam trong thu hút vốn FDI.

Đầu tiên là việc Trung Quốc phục hồi, chính sách “zero Covid” giảm dần cấp độ tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn. Việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại có ý nghĩa quan trọng trong việc khơi thông về nguồn cung đầu vào cũng như phần xuất khẩu. Qua đó tác động đến việc đầu tư mở mới cũng như mở rộng sản xuất, giúp cho dòng vốn FDI tăng lên đáng kể.

Thứ hai là đối với nền kinh tế toàn cầu, nhìn chung trong quý 3 và quý 4 năm vừa rồi có vẻ ảm đạm nhưng xu hướng đang tốt dần lên. Việc tăng lãi suất của Fed sẽ chậm lại và không còn quá cao như thời gian vừa qua. Kiểm soát lạm phát tốt lên cho thấy chính sách tiền tệ phát huy tác dụng; triển vọng kinh tế Mỹ nói riêng và ảnh hưởng tài chính quốc tế sẽ sáng lên một chút. Nhờ vậy, việc tái cơ cấu dòng vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia sẽ rõ ràng hơn.

Một điểm sáng nữa là 2023, chúng ta bắt đầu thực hiện năm thứ 2 của RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực), hiệp định ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư khá nhiều. Khác với CPTPP hay EVFTA, tác động lớn nhất trong RCEP là nguồn gốc xuất xứ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến xác định đầu tư, đặc biệt là đầu tư nội khối gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam... Chúng ta cũng đã bắt đầu triển khai cắt giảm thuế quan của giai đoạn đầu RCEP (3 năm đầu tiên) tương đối lớn. Vì thế mức độ ảnh hưởng của nó đến đầu tư cũng lớn hơn.

Ba yếu tố trên là những điểm giúp duy trì mức độ vốn FDI như hiện nay với khoảng 20 tỷ USD/năm con số thực. Vốn đăng ký có thể biến động mạnh nhưng con số triển khai thực tế chỉ biến động trên dưới 1 tỷ USD mỗi năm, liên quan đến câu chuyện hấp thụ vốn.

Năm 2022, vốn đăng ký FDI mới đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với năm 2021. Tuy nhiên, vốn giải ngân đạt mức kỷ lục, với hơn 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.

Về rủi ro thì cần phải nói đến câu chuyện phục hồi thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nhóm điện tử, có thể ảnh hưởng ngắn hạn với biến động thu nhập giảm từ 2022-2023. Tốc độ lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường tiêu thụ điện tử lớn như Mỹ và EU sẽ ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến xuất khẩu điện tử, nếu có phục hồi thì cũng phải đến cuối năm 2023.

Câu chuyện này sẽ gắn với việc doanh nghiệp quyết định đầu tư tại thời điểm này hay chưa. Nhìn vào thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang năm, tôi thấy không mấy sáng sủa, không chỉ với điện tử mà cả các ngành khác như giày da, sắt thép...

Thứ hai là về RCEP, có thể kích thích đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam nhưng cũng có thể gây trở ngại khi 3 nước lớn là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có lợi thế “chơi” với nhau nhiều hơn. Khi họ bắt tay nhau, chi phí đầu tư được giải quyết cơ bản thì các doanh nghiệp không nhất thiết phải đầu tư tại Việt Nam rồi mới xuất khẩu sang các nước khác như trước đây. Đấy là một rủi ro.

Ví dụ các doanh nghiệp Trung Quốc trước đây phải đầu tư tại Việt Nam rồi mới xuất khẩu sang Nhật Bản để được hưởng các hiệp định của Việt Nam với Nhật Bản. Nhưng bây giờ, trong khuôn khổ RCEP thì không nhất thiết phải như vậy, từ Trung Quốc xuất đi vẫn được hưởng các thuế quan ưu đãi.

Mekong ASEAN: Theo nhìn nhận của ông thì con số FDI 20 tỷ USD/năm đã tương xứng với tiềm năng của Việt Nam?

TS Trần Toàn Thắng: Tiềm năng thì rất vô cùng. Nếu chỉ nhìn ở những vùng trọng điểm đang thu hút FDI thì đã có hiện tượng đông đúc, chen chúc cả về lao động, mặt bằng... Nhưng nếu nhìn rộng ra thì không gian còn rất lớn. Như các doanh nghiệp dệt may thời gian qua đã bắt đầu tìm về triển khai nhà máy ở các vùng xa hơn để tận dụng nguồn lao động rẻ.

Tôi nghĩ con số FDI thực 20 tỷ USD/năm đã thể hiện đúng khả năng hấp thụ dòng vốn này, nếu chưa có đột biến về kết nối hạ tầng đủ để kéo từ vùng đông đúc về các vùng xa hơn.

Tiềm năng động chứ không tĩnh, nếu chúng ta mở ra được hạ tầng, nâng tỷ lệ lao động có kỹ năng để vươn lên không gian sản xuất mới hơn, phần trên của chuỗi thì tiềm năng sẽ rộng hơn rất nhiều, con số 20 tỷ USD mỗi năm chưa là gì cả.

Tuy nhiên với hiện trạng bây giờ thì tôi không kỳ vọng con số có thể vượt trội hơn. Những năm qua, chúng ta chưa thay đổi được nhiều và nhanh. Đầu tư công trung hạn mới tập trung hạ tầng lớn, các tuyến cao tốc; nhưng hạ tầng để kích thích dòng vốn FDI phải bao gồm toàn bộ hệ thống kết nối, cảng, điện, hệ thống thông tin liên lạc, tiếp cận đất...

THU HÚT ĐẠI BÀNG, CẦN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO DOANH NGHIỆP LỚN

Mekong ASEAN: Liên quan đến vấn đề chiều sâu, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác với các doanh nghiệp FDI cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu dường như còn rất yếu. Ông nhận định sao về vấn đề này?

TS Trần Toàn Thắng: Việc các doanh nghiệp bộc lộ năng lực yếu trong việc hợp tác với các doanh nghiệp FDI cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã thể hiện từ lâu. Năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, tức là đã nhận thức được và khắc phục bằng các văn bản chính sách.

Phát triển công nghiệp phụ trợ phải đi kèm với phát triển doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Khi tôi phỏng vấn các doanh nghiệp FDI, họ đều cho rằng lỗ hổng của chúng ta là không hình thành được hệ thống các doanh nghiệp lớn. Nếu chỉ là các doanh nghiệp nhỏ thì hầu như chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ. Còn để đáp ứng một đơn hàng lớn trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ trong vài ngày thì không doanh nghiệp Việt Nam nào có thể đảm nhận được.

Đó là hạn chế về mặt năng lực trong nước, rồi một loạt các vấn đề khác như có đủ trình độ để sản xuất sản phẩm đó không, có đủ nguyên liệu đảm bảo chất lượng để sản xuất không? Càng đi sâu vào phần trên của chuỗi thì càng cho thấy Việt Nam đang hấp thụ tất cả các nguyên liệu đầu vào. Ví dụ như sản xuất thép để cung cấp cho doanh nghiệp FDI nhưng bản thân phần thép ấy có sản xuất được trong nước không hay cũng phải nhập khẩu?

Khi nghiên cứu về các doanh nghiệp lớn trong 5-10 gần đây, chúng tôi nhận thấy có sự biến động lớn (năm nay lớn, sang năm lại nhỏ), không hình thành mạng lưới doanh nghiệp lớn thực sự, các doanh nghiệp FDI muốn kết nối cũng rất khó, nhiều thương vụ kết nối chỉ là hình thức, có cam kết nhưng không đi vào thực chất.

Mặt khác, phía doanh nghiệp nước ngoài cũng không muốn điều đó. Rất nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chỉ là một nhà máy của tập đoàn lớn toàn cầu, phải theo định hướng của công ty mẹ. Quyền lựa chọn nhà cung ứng, kế hoạch sản xuất, bán cho ai... công ty mẹ định đoạt. Công ty mẹ thì thường phải dành các đơn hàng cho nhà cung ứng của họ để tăng hiệu quả theo quy mô (nhà cung ứng rất lớn thì bao giờ giá thành cũng rẻ đi). Như vậy, một ông yếu, một ông thì hững hờ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tất nhiên cũng không thể phủ nhận một số tín hiệu khởi sắc thời gian qua. Đó là một số doanh nghiệp lớn trong nước đã chủ động sản xuất, thậm chí khiến các doanh nghiệp FDI trở thành đơn vị cung ứng cho mình, như Vingroup. Hay một số doanh doanh nghiệp nước ngoài đã có sự thay đổi, từ sử dụng ít sang sử dụng nhiều hơn nhà cung ứng trong nước, như Samsung. Một số doanh nghiệp sau một thời gian sử dụng nhà cung ứng nội địa thì nâng cấp dần lên thành chuyển giao một phần công nghệ.TS Trần Toàn Thắng

Mekong ASEAN: Về mặt chính sách, ông thấy các cơ chế đã đủ hấp dẫn để thu hút FDI vào Việt Nam. Ông có đề xuất gì để cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn vốn này thời gian tới?

TS Trần Toàn Thắng: Về chính sách, trước đây có Nghị quyết 103 của Chính phủ, sau này là Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, đưa ra một số định hướng theo góc độ FDI. Đó là ưu tiên các doanh nghiệp lớn, thu hút đại bàng làm tổ, từ đó thu hút những doanh nghiệp khác. Như cách chúng ta đã thu hút Samsung, làm thay đổi cơ bản sản xuất của ngành điện tử.

Tuy nhiên nhìn vào xu hướng FDI từ 2015 đến nay thì có một thực tế rằng, các doanh nghiệp nước ngoài đa phần nhìn lợi thế vào Việt Nam là chi phí rẻ, từ lao động đến đất, môi trường... Vì vậy câu chuyện lại trở về như phần trên tôi đã đề cập, đó là việc các doanh nghiệp FDI chủ yếu nằm ở hạ nguồn. Theo tôi rất khó để có thể thay đổi nhiều trong ngắn hạn.

Về trung hạn thì phải cải thiện hạ tầng (cả cứng lẫn mềm), đây là vấn đề cốt lõi trong cân nhắc đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Trong đó, thay đổi góc nhìn là rất quan trọng. Hạ tầng hình thành các chuỗi sản xuất, thúc đẩy đầu tư sẽ khác với hạ tầng thúc đẩy kinh tế nói chung. Hạ tầng gắn với FDI phải là cảng, hệ thống điện, khu công nghiệp...

Thứ hai là chính sách cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ phải có những chính sách rất đặc thù cho các doanh nghiệp lớn, tạo ra các doanh nghiệp lớn để có thể bắt tay với các doanh nghiệp FDI ở vị thế khác hẳn. Như ở Đài Loan (Trung Quốc), lãi suất ngân hàng áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ còn cao hơn doanh nghiệp lớn, vì chi phí cho vay rẻ hơn và rủi ro tín dụng giảm đi. Họ quan tâm doanh nghiệp nhỏ ở các khía cạnh khác, như hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ vay, còn quy tắc kinh tế thì vẫn phải giữ.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp lớn, câu chuyện về kỹ năng quản lý con người là cực kỳ quan trọng. Thực tế ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp khi quá lớn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Vì vậy, việc đào tạo lao động quản lý là việc mà Nhà nước cũng phải để ý.

Cuối cùng là việc cải thiện chất lượng lao động. Tôi nghĩ nếu có chiến lược thì chỉ cần 5 năm là chúng ta có thể thực hiện được. Nếu có chương trình mục tiêu từ giờ đến 2030 thì chương trình mục tiêu về đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động là cần thiết.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp