Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại New Zealand Winston Peters tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-New Zealand lần thứ hai ngày 5/6/2024. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam |
Theo thông tin từ Đại sứ quán New Zealand, khoản viện trợ này sẽ được chuyển qua các tổ chức phi chính phủ là đối tác ứng phó thảm họa của New Zealand và các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam, tập trung vào ứng phó khẩn cấp và phục hồi sinh kế.
Trong thư gửi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ngày 16/9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, ngài Winston Peters viết: “Chính phủ New Zealand xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các nạn nhân của cơn bão Yagi ở miền Bắc Việt Nam. Toàn thể người dân New Zealand hướng về những người bị ảnh hưởng và lực lượng cứu hộ đang ở tuyến đầu…
New Zealand mong muốn tận dụng nhiều khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ song phương để tăng cường khả năng phục hồi và chống chịu trong tương lai của Việt Nam trước những thảm họa tàn khốc như vậy.”
Bà Caroline Beresford, đại sứ New Zealand tại Việt Nam, cho biết: “Là đối tác chiến lược của Việt Nam, New Zealand sát cánh với chính phủ và người dân Việt Nam trong thời điểm vô cùng khó khăn này. Chúng tôi hy vọng sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ nhanh chóng đến được với những người cần giúp đỡ, đóng góp vào các nỗ lực khẩn cấp và giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng xây dựng lại cuộc sống của họ”.
Yagi là cơn bão mạnh nhất ở Biển Đông trong 30 năm qua và là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền Việt Nam trong 70 năm qua. Cơn bão và tàn dư của nó đã tàn phá khắp miền bắc Việt Nam.
Theo ước tính sơ bộ chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 15/9 đã có 353 người chết và mất tích, khoảng 1.900 người bị thương; tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.
Về tài sản của nhân dân và Nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ, ước tính thiệt hại sơ bộ khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ.