Nga cảnh báo tai nạn tại nhà máy Zaporizhzhia sẽ ảnh hưởng tới châu Âu

hạt nhân ukraine
12:43 - 19/08/2022
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, Ukraine. Ảnh: Reuters
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, Ukraine. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 18/8, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo nếu một vụ tai nạn hạt nhân xảy ra tại nhà máy Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, chất thải phóng xạ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, Ba Lan và Slovakia.

Theo ông Igor Kirillov, người đứng đầu lực lượng phòng thủ phóng xạ, hóa học và sinh học của Nga, hệ thống hỗ trợ dự phòng của nhà máy đã bị hư hại do bị pháo kích. Theo CNBC trích dẫn, ông cảnh báo nếu các vụ pháo kích tiếp tục diễn ra, các quốc gia khác trong châu Âu sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng, đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức cùng các quốc gia khác như Ba Lan và Slovakia.

Cảnh báo này được đưa ra hôm 18/8 trong bối cảnh tình hình tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia vẫn đang căng thẳng. Nhằm thảo luận về số phận của cơ sở này, các cuộc đàm phán giữa Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang được tiến hành.

Tới hôm 18/8 trong khuôn khổ cuộc hội đàm với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã đồng ý chuyến thanh tra của một phái bộ từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tới nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia.

Về trách nhiệm của việc pháo kích nhà máy điện hạt nhân này, cả phía Nga và Ukraine đều nhiều lần cáo buộc lẫn nhau. Chính phủ Ukraine khẳng định Nga đã sử dụng nhà máy Zaporizhzhia như lá chắn và một phần của chiến lược đe dọa hạt nhân của mình. Trong một bài phỏng vấn của hãng tin BBC với những người Ukraine được cho là đang làm việc tại đây những nhân viên này cho biết họ đang bị giữ làm con tin và bị giữ trước mũi súng.

Trong bối cảnh đó vào tối 17/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết rằng các nhà ngoại giao và các nhà khoa học hạt nhân Ukraine đang giữ “liên lạc thường xuyên” với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và làm việc để đưa một nhóm thanh tra vào nhà máy đã bị quân đội Nga chiếm đóng kể từ giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự.

Trong khi đó trên tài khoản Telegram chính thức, Bộ Quốc phòng Nga hôm 18/8 khẳng định Kiev đang lên kế hoạch “khiêu khích” nhà máy điện trong chuyến thăm của ông Guterres, đồng thời sẽ “đổ lỗi cho Nga vì đã gây ra một thảm họa nhân đạo tại nhà máy điện hạt nhân”.

Do đó để chuẩn bị cho kế hoạch khiêu khích này, quân đội Nga đã triển khai các trạm quan sát bức xạ gần Zaporizhzhia và tổ chức các cuộc diễn tập huấn luyện cho một số đơn vị quân đội trong khu vực "về các biện pháp cần thực hiện trong điều kiện ô nhiễm phóng xạ của khu vực”.

Phía Ukraine phủ nhận toàn bộ các cáo buộc này, thay vào đó đổ lỗi cho Nga vì đã gây nguy hiểm cho cơ sở bằng việc cất giữ đạn dược và thiết bị quân sự ở đó.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bắt tay sau cuộc họp báo chung sau cuộc họp của họ ở Lviv, Ukraine ngày 18/8/2022. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bắt tay sau cuộc họp báo chung sau cuộc họp của họ ở Lviv, Ukraine ngày 18/8/2022. Ảnh: Reuters

Hệ quả nếu nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia gặp tai nạn

Theo các chuyên gia, khả năng xảy ra tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu là một viễn cảnh đáng sợ đối với Ukraine, một quốc gia vẫn còn sống với những vết sẹo của thảm họa Chernobyl năm 1986.

Tuy nhiên theo Antony Froggatt và Patricia Lewis, các chuyên gia môi trường và an ninh từ tổ chức nghiên cứu Chatham House của Vương quốc Anh, nếu có thực sự xảy ra sự cố, thảm họa cũng sẽ không nghiêm trọng như thảm họa Chernobyl. Nguyên nhân là do các lò phản ứng của Zaporizhzhia khác với lò phản ứng ở Chernobyl, từ đó hệ quả cũng sẽ có nhiều sự khác biệt.

Cụ thể, nhà máy Zaporizhzhia sử dụng uranium đã được làm giàu và các lò phản ứng VVER (lò phản ứng năng lượng nước) hiện tại của nhà máy được làm chậm neutron bằng nước thay vì chì nên sẽ an toàn hơn. Các lò phản ứng hiện đại ở Ukraine, như Zaporizhzhia, cũng được bao quanh bởi một hệ thống ngăn chặn thứ cấp - một lớp vỏ bê tông cứng được thiết kế để chống lại tác động các vụ nổ và thậm chí cả máy bay rơi.

Mặt khác, các chất phóng xạ sẽ được lưu trữ trong các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng (hoặc ao), nơi nhiên liệu đã qua sử dụng được giữ dưới nước để làm mát và để mức phóng xạ giảm xuống trước khi được chuyển đến kho chứa cuối cùng. Trong trường hợp này, nếu chất làm mát bị mất từ các ao do một cú va chạm trực tiếp làm phá vỡ cấu trúc ngăn chặn hoặc do lõi chảy ra do mất điện, nhiên liệu dự trữ sẽ nóng lên. Nếu nhiệt độ tăng lên trên khoảng 900 độ C, lớp phủ xung quanh tấm phủ zirconium sẽ bắt lửa, dẫn đến việc phát tán chất phóng xạ.

Tuy nhiên dù bất kỳ sự giải phóng đồng vị phóng xạ nào cũng có thể là “thảm họa” đối với các khu vực xung quanh, Froggatt và Lewis cho biết “do loại lò phản ứng ở Zaporizhzhia, tác động có thể sẽ không nghiêm trọng bằng thảm họa Chernobyl năm 1986. Có nhiều khả năng tai nạn sẽ chỉ có quy mô tương đương với cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản”.

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.