Nga 'thân thiện' với hàng nhập khẩu, bất chấp các thương hiệu lớn rời đi

KINH TẾ NGA
15:52 - 22/02/2023
Chai Coca Cola nhập khẩu từ Nhật Bản được bày bán ở Vladivostok, Nga, ngày 20/2. Ảnh: Reuters
Chai Coca Cola nhập khẩu từ Nhật Bản được bày bán ở Vladivostok, Nga, ngày 20/2. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù các thương hiệu phương Tây đã rời Nga sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, nhưng người tiêu dùng Nga bị chịu tác động rất nhỏ. Họ vẫn có thể tìm mua được các loại hàng hóa, mặc dù thời gian giao hàng lâu hơn và giá cả có thể đắt hơn.

Reuters đưa tin, những dòng xe tải chở Coca Cola vẫn lăn bánh đều đặn qua biên giới vào Nga, khách du lịch trở về từ nước ngoài với những món hàng xách tay xa xỉ của Zara, trong khi các vật phẩm nội thất của IKEA được bày bán trên các trang trực tuyến địa phương nhanh chóng hết hàng.

Sau gần một năm, sự thay đổi lớn nhất trên thị trường Nga là các tuyến cung cấp hàng hóa, trong khi các mặt hàng vẫn dễ dàng mua được tại các cửa hàng và các trang mạng. Người mua đơn giản chỉ cần biết chỗ để mua.

Điều quan trọng là phần lớn các hàng hóa liên quan đều không phải chịu lệnh trừng phạt và những dòng chảy xuyên biên giới này là hợp pháp. Moscow sẵn lòng tiếp nhận hàng hóa, bất kể chúng được vận chuyển theo con đường nào.

Hàng xách tay

Công ty Inditex, chủ sở hữu của thương hiệu Zara, đã đóng 502 cửa hàng tại Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, và sau đó bán lại chúng cho Tập đoàn Daher có trụ sở tại UAE.

Tuy nhiên, lượng hàng nhập khẩu quy mô nhỏ và những người bán hàng trực tuyến đã giúp các sản phẩm của Zara tiếp tục lưu thông tại Nga. Ngoài ra, công ty này không rút khỏi Belarus – một đồng minh của Moscow, nên người dân Nga vẫn có thể đến quốc gia này để mua sắm.

Nga 'thân thiện' với hàng nhập khẩu, bất chấp các thương hiệu lớn rời đi ảnh 1

Inditex đã đóng cửa gần 502 cửa hàng Zara ở Nga sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Ảnh: Getty Images

Reuter dẫn lời cô Albina, 32 tuổi, mùa hè năm ngoái từng đến thủ đô Minsk, Belarus, với chiếc vali rỗng. Khoảng 24 giờ sau đó, cô quay trở lại Nga với rất nhiều quần áo từ thương hiệu Zara, Bershka, Massimo Dutti, trị giá 33.000 Ruble (442 USD) cho bản thân và bạn bè.

Ngoài ra, cô Albina cho biết đã từng mua quần áo hàng hiệu tại Paris và Dubai, cũng như thông qua mạng lưới những người bán hàng trực tuyến. “Tôi đặt hàng của những cô gái chuyển đến sống ở châu Âu, Istanbul hoặc Dubai thông qua trang Instagram, Telegram. Giả sử ở Istanbul, họ sẽ thu thập đơn hàng, thu thêm từ 15-30% hoa hồng, sau đó chuyển hàng đến Nga và bạn trả tiền”.

Bà Dinara Ismailova, Giám đốc marketing của CDEK Forward – dịch vụ giao hàng từ các trang thương mại điện tử nước ngoài, cho biết biến động tiền tệ cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng giao hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng gấp 7 lần trên nền tảng này. Trong năm 2022, đồng Ruble mạnh, trong khi đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ yếu đã tạo cơ hội cho những người tiêu dùng Nga.

Theo đó, doanh thu năm 2022 của CDEK Forward đã tăng gấp đôi, với 80% các hoạt động giao hàng nhỏ lẻ (với các mặt hàng chủ yếu là quần áo), còn doanh thu hàng hóa tăng gấp ba.

Hàng nhập khẩu

Để ngăn chặn nguy cơ chuỗi cung ứng bị phá vỡ, Nga đã hợp pháp hóa hoạt động “nhập khẩu song song”, cho phép các nhà bán lẻ mang sản phẩm từ nước ngoài vào mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Nga 'thân thiện' với hàng nhập khẩu, bất chấp các thương hiệu lớn rời đi ảnh 2

Chai và lon Coca Cola nhập khẩu từ Nhật Bản và Trung Quốc cùng với các loại nước giải khát khác tại Vladivostok, Nga, ngày 20/2. Ảnh: Reuters

Từ đó, nhiều trang thương mại điện tử của Nga có thể bán nhiều loại hàng hóa nhập khẩu vốn được mang từ nước ngoài về.

Dẫn đầu xu hướng này là trang Wildberries - chuyên bán đồ cũ từ các thương hiệu của công ty Inditex và có gần 17.000 mặt hàng Zara. Một nguồn tin thân cận cho biết đây là hàng tồn kho của Inditex ở Nga.

Cả Wildberries và trang đối thủ là Ozon và Yandex Market cũng bán các loại Coca Cola nhập khẩu. Mặc dù Coca Cola đã ngừng sản xuất và bán đồ uống ở Nga vào năm ngoái, nhưng những công ty khác vẫn có thể nhập khẩu chúng từ châu Âu, Kazakhstan, Uzbekistan và Trung Quốc.

Ông Ram Ben Tzion, Giám đốc điều hành của nền tảng Publican, nhận định rằng các hãng như Coca Cola có thể dễ dàng nhận thấy nhu cầu tăng cao từ các quốc gia láng giềng với Nga - nơi đang có hoạt động nhập khẩu song song.

“Các cơ chế nhập khẩu song song đã được các bên củng cố và mở rộng. Điều này có nghĩa là gần như mọi thứ đều có thể lưu thông được và sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai”, ông nói.

Theo Reuters, dữ liệu thương mại của “các nước thân thiện” không áp đặt lệnh trừng phạt cho thấy họ đã tăng cường xuất khẩu sang Nga.

Nga 'thân thiện' với hàng nhập khẩu, bất chấp các thương hiệu lớn rời đi ảnh 3

Cảng thương mại ở Vladivostok, Nga. Ảnh: Reuters

Trong đó, kim ngạch thương mại Trung Quốc - Nga đạt mức kỷ lục 1.280 nghìn tỷ NDT (186 tỷ USD) vào năm ngoái, trong khi xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng 61,8% lên 9,34 tỷ USD và của Kazakhstan tăng 25,1% lên 8,78 tỷ USD.

Thương hiệu “bản sao”

Trong nhiều năm qua, các thương hiệu phương Tây phải đối mặt với cuộc chiến đấu với các bản sao và nhập khẩu trái phép.

Khi Coca Cola rời Nga, các đối thủ nội địa đã nhanh chóng chiếm lại thị trường bằng cách tung ra các loại đồ uống mới.

Gã khổng lồ nội thất Thụy Điển IKEA đã bán cổ phần của mình cho Yandex Market khi hãng ngừng hoạt động tại Nga. Ngoài các mặt hàng tồn kho, các nhà cung cấp đã bán các mặt hàng IKEA đã được sửa đổi dưới các tên khác nhau.

Mặc dù các cơ hội mới đang mở ra cho các công ty Nga, nhưng việc gắn bó với các thương hiệu phương Tây có thể cản trở nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước.

"Theo thời gian, các lực lượng thị trường sẽ tiếp tục đưa các loại hàng hóa mà người Nga quen dùng trở lại. Khi đó các sản phẩm “Made in Russia” như Coca của Nga sẽ rất khó để thu hút mọi người", ông Ram Ben Tzion nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp