![]() |
Năm 2024, mặc dù có nhiều kỳ vọng nhưng lại không hề dễ dàng với chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index chủ yếu dao động trong biên độ hẹp, từ 1.200-1.300 điểm. Bước sang năm 2025, các chuyên gia dự báo thị trường sẽ có sự đột phá hơn, với sự hỗ trợ tích cực từ kinh tế vĩ mô, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và đặc biệt là câu chuyện nâng hạng thị trường
![]() |
Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Đình Duy, CFA - Giám đốc, chuyên gia phân tích - Khối Xếp hạng tín nhiệm & Nghiên cứu CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết, mức độ hồi phục của kinh tế toàn cầu sau đại dịch đã chậm lại rõ rệt. Năm 2024, World Bank dự báo ở khoảng 2,6%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 3,3% của giai đoạn 2015 - 2019.
“Tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2025 sẽ cao hơn so với năm 2024, dưới tác động của chu kỳ giảm lãi suất và kích thích kinh tế của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu,” ông Duy nêu quan điểm.
Theo vị chuyên gia, sự thay đổi về chính sách đột ngột của chính quyền nước Mỹ do Tổng thống đắc cử Donald Trump điều hành có thể gây sốc cho thị trường tài chính trong ngắn hạn, gây ra khó khăn cho một số quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, nhưng ngược lại sẽ tạo ra cơ hội cho các quốc gia khác tham gia vào thị trường Mỹ. Vì thế đội ngũ phân tích của VIS Rating cho rằng triển vọng tăng trưởng chung của thế giới trong cả năm 2025 sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố này.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn so với năm trước, ông Nguyễn Đình Duy dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 tiếp tục tăng trưởng như mức mục tiêu do Chính phủ đề ra, ở mức 6,5% đến 7%. Dự báo dựa trên kịch bản lạm phát tiếp tục ổn định, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp so với mặt bằng chung trong 5 năm qua. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn với chi phí vốn hợp lý, qua đó cải thiện hoạt động kinh doanh trong năm 2025.
Cùng với đó, các chính sách tài khóa của Chính phủ trong năm 2025 tiếp tục theo định hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, tập trung vào hỗ trợ tăng chi tiêu công và chi tiêu của hộ gia đình. Ví dụ như đẩy mạnh các dự án đầu tư công quy mô lớn, các chính sách miễn giảm thuế cho người tiêu dùng, cải cách tiền lương cho khối Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các luật như Luật Đầu tư công, các luật liên quan đến bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán... giúp giải quyết các vướng mắc về pháp lý và cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. “Nhìn chung các chính sách của Chính phủ trong năm 2025 sẽ hỗ trợ tăng cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa, giúp các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, cải thiện doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh,” ông Duy nói.
Vị chuyên gia lưu ý, rủi ro tỷ giá sẽ là yếu tố quan trọng cần theo dõi trong năm 2025. Tỷ giá tăng cao sẽ gây tác động kép làm tăng lạm phát và mặt bằng lãi suất, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Duy cho rằng mặt bằng tỷ giá năm 2025 sẽ phụ thuộc chính vào trạng thái của cán cân xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư gián tiếp.
PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cũng lưu ý về vấn đề tỷ giá khi tham gia thảo luận tại hội thảo VPBankS Talk 4 do Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức cuối tháng 12/2024.
Theo vị chuyên gia, tỷ giá những năm trước phụ thuộc vào hai yếu tố: Thâm hụt thương mại của Việt Nam và chênh lệch lãi suất giữa thế giới - trong nước. Những năm vừa qua, Việt Nam giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại tốt, nhiều năm có thặng dư lớn so với quy mô của nền kinh tế.
Trong năm 2024 vừa qua, chênh lệch lãi suất gây bất ổn về tỷ giá, kéo theo việc rút vốn của dòng tiền đầu tư nước ngoài, và thời gian tới còn có thêm ẩn số nữa là chính sách thuế quan của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên theo PGS.TS Phạm Thế Anh, ông Trump có thể mạnh mẽ ban đầu nhưng xét về lợi ích lâu dài của kinh tế Mỹ và các đối tác thương mại thì chính sách thuế quan không thể áp dụng khắc nghiệt một chiều được, các bên phải ngồi lại đàm phán.
Ngoài rủi ro về tỷ giá thì PGS.TS Phạm Thế Anh đánh giá kinh tế trong nước vẫn nhiều triển vọng. Việt Nam đang đứng trước rất nhiều câu chuyện lớn, đi từ cải cách thể chế sau đó đi vào chính sách kinh tế lớn. Sân bay Long Thành, điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam... đều là những dự án lớn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nếu thành công có thể giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Còn trong ngắn hạn, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn xuất phát từ đầu tư công và xuất khẩu.
![]() |
![]() |
Theo thống kê của VIS Rating, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương với gần 11% GDP. Tổng quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 400.000 tỷ đồng và dự báo cả năm sẽ đạt hơn 420.000 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2023. Theo ông Nguyễn Đình Duy, năm 2025, thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục trên 4 cơ sở chính.
Thứ nhất, tổng quy mô phát hành mới tiếp tục tăng. Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng năm 2024 tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy sự phục hồi rõ rệt của thị trường trái phiếu sau giai đoạn chạm đáy.
“Chúng tôi dự phóng giá trị trái phiếu phát hành mới năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan so với năm 2024. Trong đó, hoạt động phát hành của khối ngân hàng tiếp tục sôi động khi tăng trưởng huy động tiền gửi chưa đáp kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu tín dụng. Hoạt động phát hành của khối bất động sản cũng dần hồi phục khi cấp phép các dự án mới tăng trở lại và nhu cầu vốn vay dài hạn tăng lên,” chuyên gia VIS Rating nhận định.
Thứ hai, rủi ro chậm trả gốc lãi ở các trái phiếu sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2025. Thực tế, giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới có xu hướng giảm rõ rệt trong năm 2024, duy trì ở mức thấp trong các tháng gần đây.
Ông Duy cho rằng những cải thiện về pháp lý trong lĩnh vực bất động sản, vốn là lĩnh vực chiếm tới 60% lượng trái phiếu chậm trả đang lưu hành, sẽ là động lực tích cực để cải thiện niềm tin thị trường. “Chẳng hạn như gần đây, việc UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch một phần phân khu Aqua City của Novaland đã giúp doanh nghiệp tiếp cận với khoản vay 13.000 tỷ đồng để thực hiện nốt dự án, từ đó có dòng tiền bán hàng để tiếp tục thanh toán nợ trái phiếu chậm trả,” vị chuyên gia nêu ví dụ.
Thứ ba, thanh khoản - thước đo quan trọng về niềm tin và mức độ thu hút của thị trường, cũng đã có sự cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ quay vòng thị trường, phản ánh tổng giá trị giao dịch trái phiếu trong tháng so với tổng dư nợ duy trì ở mức trung bình 8% trong 11 tháng đầu năm 2024. Con số này có xu hướng cải thiện dần đều, đặc biệt với thị trường trái phiếu riêng lẻ sau khi ra mắt sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ vào năm 2023.
Cuối cùng, Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung một số điều tạo một bộ khung kỷ luật chặt chẽ cho thị trường trái phiếu, giải quyết những quan ngại về rủi ro và minh bạch thị trường. “Điều kiện phát hành chặt chẽ hơn, ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ hơn với các đơn vị cung cấp dịch vụ trái phiếu, quy định công bố thông tin chi tiết và tiêu chuẩn hóa sẽ gỡ vướng cho niềm tin thị trường để xu hướng hồi phục trong năm 2025 diễn ra bền vững hơn,” ông Nguyễn Đình Duy nhận định.
![]() |
Trái phiếu phát hành mới theo nhóm ngành. |
![]() |
![]() |
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh - Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam), năm 2024, mặc dù VN-Index tăng trưởng chậm nhưng vẫn tồn tại nhiều cơ hội khi không ít cổ phiếu liên tục vượt đỉnh. Tuy nhiên nhìn nhận tương quan so với các thị trường Mỹ, Trung Quốc, vị chuyên gia cũng đồng tình rằng chứng khoán Việt Nam chưa bắt kịp được với xu hướng.
Theo ông Minh, mặc dù tiềm năng lớn nhưng việc liên tục bị xếp hạng là thị trường cận biên đã khiến cho các nhà đầu tư mới ít chú ý đến Việt Nam, trong khi bất ổn toàn cầu vẫn là yếu tố chủ đạo. Trong bối cảnh đó, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển về các thị trường xếp hạng cao hơn như Mỹ, Âu, hoặc có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ như Trung Quốc. “Tôi cho rằng đây là yếu tố mang tính ngắn hạn và chúng ta sẽ sớm thấy sự ổn định cũng như cải thiện về dòng tiền trong năm 2025, có thể là vào khoảng giữa năm trở đi,” Kinh tế trưởng Guotai Junan chia sẻ với Mekong ASEAN.
Ông Nguyễn Kỳ Minh đánh giá, một trong những yếu tố quan trọng giúp hỗ trợ TTCK thời gian tới là việc Việt Nam hoàn thiện các yêu cầu của FTSE Russell để tiến tới nâng hạng, như cơ chế non-prefunding (giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu ký quỹ trước bằng tiền với nhà đầu tư nước ngoài tổ chức), vốn đã được triển khai vào tháng 11/2024. Điều này dự kiến sẽ tạo ra tác động tích cực với tâm lý các nhà đầu tư, kéo theo dòng tiền mạnh mẽ từ các tổ chức, cá nhân trên thế giới đến tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
“Yếu tố hỗ trợ thứ hai sẽ là sự lắng dịu của các xung đột cũng như bất định toàn cầu, khi các chính sách và định hướng của chính quyền mới của Mỹ được công bố. Mặc dù có thể vẫn có những sự cạnh tranh, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng nhìn chung tôi tin tưởng vào khả năng cân bằng của Việt Nam, của chiến lược cây tre thường xuyên được nhấn mạnh trong đường lối của Đảng và Nhà nước,” vị chuyên gia cho biết.
Cùng với đó, ông Minh cho rằng tác động lan tỏa từ nỗ lực khơi thông dòng vốn đầu tư công của Chính phủ sẽ giúp cải thiện dòng tiền trong thị trường, gia tăng niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam và củng cố động lực tăng trưởng trong những năm tới đây.
![]() |
So sánh định giá giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường khác. Nguồn: VPBankS |
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS), tại hội thảo VPBankS Talk 4, nhận định rằng, cùng với sự tích cực về vĩ mô, chứng khoán Việt Nam còn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố khác. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận sẽ là yếu tố thúc đẩy dòng tiền tham gia vào thị trường. Theo chuyên giá VPBankS, tổng doanh thu và lợi nhuận toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2024 tăng lần lượt 10% và 21%, ghi nhận đà hồi phục sau giai đoạn tạo đáy trong 2023. Lợi nhuận tăng trưởng cao trong nhóm phi tài chính cho thấy bức tranh bối cảnh kinh doanh đã có sự thay đổi đáng kể cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.
Bức tranh lợi nhuận của năm 2025 vẫn tiếp tục được ông Sơn dự báo khả quan. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt từ 25% - 30%, xu hướng phục hồi của kinh tế sẽ là động lực giúp các nhóm ngành tăng trưởng. Đây cũng là động lực thu hút dòng tiền vào thị trường, đặc biệt khi VN-Index đang ở mức thấp so với bình quân 10 năm. “P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 14,9 lần, thấp hơn trung vị 10 năm gần đây ở mức 16,6 lần. TTCK Việt Nam đang ở mức hấp dẫn cho một chu kỳ tăng trưởng mới,” vị chuyên gia nêu quan điểm.
Đặc biệt, theo ông Sơn, triển vọng nâng hạng là điểm sáng cho thị trường năm 2025. Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE. Từ nay đến tháng 3, FTSE sẽ thu thập ý kiến nhà đầu tư nước ngoài với Thông tư 68 (có quy định giao dịch nhà đầu tư nước ngoài không cần ký quỹ), đánh giá hiệu quả ổn định của quy định mới. FTSE cũng đang hợp tác với UBCKNN nhằm hoàn thiện thị trường theo chuẩn quốc tế, thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm...
Kỳ vọng việc nâng hạng sẽ chính thức diễn ra vào tháng 9/2025, ông Trần Hoàng Sơn dự báo Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động. “Với bước ngoặt về nâng hạng, VN-Index 6 tháng cuối năm 2025 có thể bứt phá lên mức cao nhất quanh 1.400 điểm,” chuyên gia VPBankS nêu kỳ vọng.
![]() |
Ông Nguyễn Đình Duy nhận định xu thế phục hồi về hoạt động kinh doanh và tín nhiệm của doanh nghiệp sẽ tiếp tục trong năm 2025, chủ yếu nhờ vào việc cải thiện thể chế và ban hành các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục gia tăng và lãi suất duy trì ở mức ổn định.
Theo quan điểm của vị chuyên gia, ba ngành có triển vọng tốt nhất trong 2025 bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp và công nghệ. Trong đó, ngành bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục hồi phục nhờ vào các chính sách mới giúp thúc đẩy hoạt động phát triển dự án.
Thực tế, nhu cầu bất động sản trong quý 3/2024 duy trì tích cực, thể hiện qua tỷ lệ hấp thụ cao và tăng trưởng cho vay mua nhà phục hồi về mức 7%, so với chỉ 1% trong năm 2023. “Chúng tôi cho rằng cả cung và cầu nhà ở sẽ được cải thiện trong năm 2025, thúc đẩy dòng tiền cũng như lợi nhuận của các công ty bất động sản, qua đó cải thiện hồ sơ tín nhiệm của các doanh nghiệp này,” chuyên gia VIS Rating nói.
Ngành bất động sản khu công nghiệp, ông Duy cho rằng sẽ tiếp tục có kết quả tích cực trong 2025 khi giá thuê và tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức mức cao, nguồn vốn FDI tăng trưởng ổn định, hạ tầng kết nối được cải thiện. Theo vị chuyên gia, diện tích đất công nghiệp cho thuê mới trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng 330 ha, giúp tỷ lệ lấp đầy trung bình các tỉnh trọng điểm đạt khoảng 80% (tính đến quý 3/2024), tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng nguồn vốn FDI ổn định, trong 9 tháng đầu năm 2024, giải ngân FDI tăng 8,9% so với cùng kỳ và đạt 17,3 tỷ USD. Các đại dự án đầu tư công lớn như Cao tốc Bắc Nam, Sân bay Long Thành, Đường vành đai 3 TP HCM, Đường vành đai 4 Hà Nội cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển toàn ngành.
Công nghệ thông tin, theo ông Duy, là ngành sẽ có sự tăng trưởng rõ rệt trong năm 2025 nhờ sự hậu thuẫn của Chính phủ, nhu cầu chi tiêu cho công nghệ phục hồi và sự phát triển ứng dụng của các công nghệ mới. Thực tế, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với cùng kỳ năm trước.
Chiến lược "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và chiếm 30% GDP vào năm 2030 là động lực lớn thúc đẩy ngành phát triển. Ngoài ra, nhu cầu chi tiêu cho công nghệ trên toàn cầu dự báo đạt 5,7 nghìn tỷ USD, tăng 9,3% trong năm 2025 (theo Gartner) sẽ tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam.
![]() |
Ông Nguyễn Kỳ Minh - Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam). Ảnh: NVCC |
Với dự kiến giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn trong những năm tới, ông Nguyễn Kỳ Minh đặt nhiều kỳ vọng vào các cổ phiếu của ngành này. Cùng với đó là một số cổ phiếu của doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu cơ bản như thép, xi măng, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành có công nghệ, có năng lực sản xuất mạnh cũng như cấu trúc tài chính lành mạnh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Kỳ Minh cũng đánh giá cao nhóm ngành công nghệ thông tin và hạ tầng đi kèm (viễn thông, điện). Theo ông, xu hướng đầu tư công nghệ, AI lan tỏa toàn cầu và một nền kinh tế mở năng động như Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
“Dệt may cũng là một ngành hấp dẫn khi các sự kiện bất ổn tại một số quốc gia khiến các nhà sản xuất, khách hàng đánh giá cao hơn sự ổn định của Việt Nam. Bên cạnh đó là ngành tài chính gồm ngân hàng và chứng khoán, triển vọng hứa hẹn khi kinh tế và doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, đi kèm với giảm nợ xấu và các nhu cầu tài chính gia tăng để phục vụ mở rộng sản xuất cũng như đáp ứng tiêu dùng của bộ phận dân cư đang có thu nhập tốt hơn,” Kinh tế trưởng Chứng khoán Guotai Junan nêu thêm các nhóm ngành triển vọng.