"Người thu nhập thấp càng khó đi vay để mua nhà"
Sáng 11/11, tiếp tục chương trình chất vấn trước Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Trả lời đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng Chương trình một triệu căn hộ nhà xã hội đến năm 2030 là một chủ trương lớn, rất nhân văn và đây là chủ trương giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. Do đó, cần phải được huy động từ rất nhiều nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.
Thống đốc cho biết, để hưởng ứng chương trình này, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết 33 là các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra một gói 120.000 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 145.000 tỷ đồng. Theo chương trình này, vốn do các ngân hàng huy động từ người dân và lãi suất giảm khoảng từ 1,5-2% so với mức thông thường trong 3 năm đối với người có thu nhập thấp và 5 năm với chủ đầu tư.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trước hết, tình trạng giải ngân vốn này thấp do phụ thuộc vào các địa phương công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình này theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Thứ hai, việc này là cho vay thông thường nên các khách hàng vay vốn phải đủ điều kiện đảm bảo vay vốn.
“Trong bối cảnh Covid-19 vẫn để lại tác động và hệ lụy, người bình thường đã rất khó khăn, huống chi người có thu nhập thấp và công nhân. Vậy nên họ càng khó khăn khi đi vay để sở hữu một căn nhà,” bà Hồng giải thích.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng trấn an rằng, đây là giai đoạn đầu triển khai nên chưa tăng giải ngân được, nhưng khi kinh tế bớt khó khăn thì sẽ tăng giải ngân ngay. Bên cạnh đó, bà Hồng cho rằng Bộ Xây dựng và địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu nhà ở và thuê nhà ở của người thu nhập thấp để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Giải pháp để người thu nhập thấp mua được nhà ở
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) đề nghị Thống đốc cho biết giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt là cho người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội.
Hồi đáp đề nghị của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực trạng thị trường bất động sản hiện nay đang mất cân đối cung - cầu về các phân khúc, nhất là đối với phân khúc người thu nhập thấp chưa được phát triển mạnh mẽ. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết số 33 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp cận nguồn vốn vay mới.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm và miễn lãi các dự án, trong đó có các dự án bất động sản. Ngân hàng Nhà nước cũng đã sửa đổi một số quy định theo hướng thuận lợi hơn đối với lĩnh vực thị trường bất động sản.
Liên quan đến nội dung về nguồn lực đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định lại, nguồn lực chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất gói 120.000 tỷ đồng và Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực triển khai trong thời gian tới. Đối với những đối tượng thuộc nhóm cho vay hỗ trợ nhà ở, đất ở của các chương trình mục tiêu quốc gia, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì tham mưu ban hành các nghị định liên quan và khi được bố trí nguồn thì các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai thực hiện Chương trình.