Nhà máy Nhựa Bình Minh. |
Trong xu hướng dao động biên độ hẹp của VN-Index thời gian qua, BMP của CTCP Nhựa Bình Minh là một trong những mã có lối đi riêng. Từ cuối tháng 3, mã này bắt đầu có dấu hiệu tăng, từ vùng giá 58.000 đồng; và đến nay đã leo lên mức giá 81.000 đồng, xác lập vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE năm 2006.
Diễn biến của BMP diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp có nhiều thông tin tích cực. Đáng chú ý việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa phê duyệt phương án bán nốt cổ phần sở hữu tại Nhựa Bình Minh.
Số lượng cổ phiếu BMP mà SCIC hiện còn nắm giữ là 19.983 đơn vị. Đây là số lượng cổ phiếu còn lại sau khi SCIC thoái vốn khỏi Nhựa Bình Minh vào năm 2018. Ở thời điểm đó, SCIC đã bán thành công hơn 24 triệu cổ phiếu BMP, thu về hơn trăm triệu USD với mức giá khởi điểm là 96.500 đồng/cổ phiếu.
Bên mua lại khi đó là Nawaplastic Industries - công ty trực thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan và một nhà đầu tư cá nhân khác.
Trong lần thoái vốn này, SCIC dự kiến bán nốt số cổ phần tại BMP với giá tối thiểu là 72.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 11% so với thị giá của BMP trên thị trường hiện nay. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong vòng 1 tháng (5-6/2023). Như vậy, SCIC có thể thu về hơn 1,4 tỷ đồng từ thương vụ này.
Diễn biến cổ phiếu BMP thời gian qua. |
Lợi nhuận "lập đỉnh"
Tình hình kinh doanh khả quan cũng là một trong các yếu tố làm nên sức hút của BMP. Trong quý 1/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính và bán hàng đều tăng nhưng lãi sau thuế của công ty vẫn tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022, đạt 281 tỷ đồng, nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện hơn 10 điểm phần trăm.
Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận hàng quý từ khi Nhựa Bình Minh thành công ty con của Nawaplastic Industries vào đầu năm 2018. Kết quả này “xô đổ” mức 250 tỷ đồng vừa thiết lập cuối năm ngoái, đồng thời nối dài mạch tăng trưởng dương 5 quý liên tiếp.
Năm 2023, Nhựa Bình Minh kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 6.357 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 6% so với năm trước, xuống còn 651 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phá kỷ lục về doanh thu năm.
Trước đó, năm 2022, Nhựa Bình Minh đã vươn lên đỉnh doanh thu và lợi nhuận với các chỉ tiêu lần lượt đạt 5.825 tỷ đồng và 694 tỷ đồng, tăng 28% và 225% so với năm 2021.
Lợi suất cổ tức cao
Với kết quả kinh doanh khả quan, Nhựa Bình Minh mới đây đã quyết định chi trả cổ tức còn lại bằng tiền mặt của năm 2022 với tỷ lệ 53%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 5.300 đồng.
Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 20/5, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 10/6/2023. Ước tính, công ty sẽ chi tương ứng hơn 433 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Cổ đông lớn nhất là Nawaplastic Industries sẽ “bỏ túi” khoảng 378 tỷ đồng nhờ nắm quyền chi phối đến 55% cổ phần tại doanh nghiệp đầu ngành nhựa.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, BMP đã tạm ứng cổ tức lần 1/2022 với tỷ lệ 31% bằng tiền mặt. Như vậy, tổng mức chia cổ tức năm 2022 của Nhựa Bình Minh là 84% bằng tiền mặt, đúng như kế hoạch đã được công ty thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây.
Năm 2023, BMP dự kiến trả cổ tức tối thiểu là 50% lợi nhuận sau thuế năm 2023, bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Theo CTCP Chứng khoán VietCap (VCSC), cổ phiếu BMP là lựa chọn phòng thủ được đánh giá cao trong ngành vật liệu xây dựng trong năm 2023, vì công ty có bảng cân đối kế toán vững chắc và lợi suất cổ tức cao. Số dư tiền mặt vào cuối quý 1/2023 của BMP đạt 2.000 tỷ đồng và công ty cũng không có nợ vay.