Tàu của Vận tải và Xếp dỡ Hải An. Ảnh: HAH |
Trong phiên thị trường đỏ lửa hôm qua (14/11), cổ phiếu HAH của Vận tải và Xếp dỡ Hải An là một trong những mã hiếm hoi ngược dòng khi tăng hơn 4% lên mốc 48.000 đồng/cp, tiến sát vùng đỉnh 52.000 đồng/cp xác lập hồi tháng 6/2022. Trong 2 tuần gần đây, mã đã tăng gần 12% giá trị. Xa hơn, mức tăng từ đầu năm 2024 đến nay của HAH là 50%.
Cổ phiếu của doanh nghiệp vận tải biển nhận được sự quan tâm với nhiều thông tin tích cực hỗ trợ. Mới đây, CTCP Quản lý quỹ Leadvisors thông báo đã mua 260.100 cổ phiếu HAH, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,16% (6,3 triệu đơn vị) và trở thành cổ đông lớn của Hải An.
Đầu tháng 11 vừa qua, HĐQT HAH đã phê duyệt khoản vay 312,5 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietcombank, để mua tàu container Toro, được đóng từ năm 2007 (17 tuổi), có tải trọng 44.165 tấn (3.400 TEU).
Sau khi hoàn tất thương vụ trên, quy mô đội tàu của Hải An sẽ đạt 16 chiếc với tổng sức chở tăng thêm 15%, đạt 26.500 TEU. Đặc biệt, tàu Toro có sức chở vượt trội so với các tàu hiện nay của Xếp dỡ Hải An, với tải trọng dao động từ 700 - 1.800 TEU.
Trong báo cáo phân tích phát hành ngày 12/11 vừa qua, SSI đánh giá khả quan với cổ phiếu HAH, với giả định các chính sách thuế mới mà ông Trump đưa ra trong nhiệm kỳ Tổng thống tới có thể ảnh hưởng gián tiếp đến ngành logistics, khiến cho nhu cầu nhập khẩu của Mỹ gia tăng do các công ty đẩy mạnh nhập khẩu các loại hàng hóa trước khi các luật thuế mới có hiệu lực.
Theo SSI, các công ty có thể tăng cường nhập khẩu hàng hóa dễ bảo quản trước khi chính sách thuế mới được áp dụng, thể hiện bởi giá trị nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2019. Đơn vị phân tích cũng nhận thấy rằng cước phí vận tải container đã tăng mạnh hơn 70% trong 11 tháng đầu năm 2018. Nếu như lịch sử được lặp lại, năm 2025 sẽ ghi nhận mức tăng đột biến tạm thời trong nhu cầu vận tải và giá cước ngay trước khi áp thuế.
Trong giai đoạn 2024-2025, tình hình Biển Đỏ đã làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu (làm giảm 9% công suất vận tải container toàn cầu), do đó SSI cho rằng nếu chuỗi cung ứng chịu thêm áp lực sẽ đẩy giá cước vận tải tăng mạnh hơn. Về phía cung, việc giao tàu mới có thể tăng 5% công suất hoạt động nhưng vẫn sẽ không đủ cho nhu cầu tăng mạnh trong thời gian ngắn.
“Chúng tôi cho rằng chu kỳ tăng trưởng của ngành vận tải có thể sẽ chưa đạt đỉnh vào năm 2025 như dự báo trước đó, mà đến 2026, từ đó kéo dài triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty vận tải container,” SSI nêu trong báo cáo.
Lợi nhuận năm 2025 dự báo sẽ tốt hơn
Về những ảnh hưởng của sự kiện trên đến hoạt động kinh doanh của HAH, SSI dự báo lợi nhuận năm 2025 sẽ tốt hơn ước tính trước đó, nhờ được hưởng lợi từ việc gia hạn các hợp đồng thuê ở mức giá tốt hơn, trong khi cước giao ngay cũng sẽ cải thiện khi nhu cầu đặt hàng tăng mạnh trước khi chính sách thuế mới có hiệu lực. Với việc mở rộng công suất hoạt động (từ việc mua 4 tàu mới 1800-TEU và 1 tàu đã qua sử dụng 3500-TEU) sẽ giúp HAH tận dụng được môi trường kinh doanh thuận lợi trong năm 2025.
Trong khi đó, triển vọng năm 2026 không mấy khả quan, do diễn biến sản lượng và nhu cầu vận tải có thể đảo chiều và từ đó ảnh hưởng kém tích cực đến giá cước, theo xu hướng chung của thế giới. Trong dài hạn, việc tăng công suất đội tàu và mở rộng các tuyến hoạt động sẽ là những yếu tố quan trọng để ổn định đà tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
SSI dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HAH trong năm 2024 sẽ lần lượt đạt 3.700 tỷ đồng và 554 tỷ đồng, lần lượt tăng 43% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng khoảng 18% so với ước tính gần nhất trước đó.
Đối với năm 2025, lợi nhuận của Hải An ước tính sẽ tăng 17% so với năm 2024, đạt khoảng 650 tỷ đồng đối trong kịch bản cơ sở và có thể đạt mức cao hơn đối ở kịch bản lạc quan. Trong khi đó, chính sách thuế quan mới có thể sẽ bắt đầu ảnh hưởng kém tích cực đến sản lượng và giá cước vận tải từ năm 2026, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp có thể giảm 13% so với cùng kỳ, xuống 563 tỷ đồng.
Kết quả và ước tính kết quả kinh doanh của HAH. |