Những dự án bất động sản tìm nhà đầu tư trong năm 2023

Những dự án bất động sản tìm nhà đầu tư trong năm 2023

ĐẦU TƯ địa ốc
08:25 - 11/02/2024
Thống kê của Mekong ASEAN từ những nguồn tin chính thức, trong năm 2023 có 37 tỉnh và thành phố trên toàn quốc tiến hành tìm nhà đầu tư cho tổng cộng 182 dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư hơn 543.000 tỷ đồng, tổng diện tích 8.272 ha.

Với vị thế là cửa ngõ phía Nam của Hà Nội, Hà Nam là địa phương tích cực hơn cả với 23 dự án được kêu gọi, dẫn đầu cả nước và nhiều hơn tỉnh xếp thứ hai là Bắc Giang tới 6 dự án.

Nhiều dự án lớn được Hà Nam tìm nhà đầu tư như Khu đô thị Đại học Nam Cao địa phận TP Phủ Lý, diện tích 300 ha, tổng vốn đầu tư 6.370 tỷ đồng; dự án Đầu tư xây dựng KĐT sinh thái Bắc Châu Giang, diện tích 176 ha, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng; Khu dân cư nông thôn mới tại xã Liêm Tuyền và Đinh Xá, TP Phủ Lý, tổng mức đầu tư 5.114 tỷ đồng, diện tích 18,3 ha.

Hầu hết các dự án được Hà Nam kêu gọi đều đã có nhà đầu tư quan tâm đăng ký như Tổng Công ty Rau quả Nông sản - thành viên T&T Group đăng ký thực hiện Khu dân cư tại xã Liêm Tuyền và Đinh Xá, TP Phủ Lý; thành viên Sun Group là liên danh CTCP Mặt trời Thanh Hóa và Công ty TNHH Đầu tư Tây Bắc đăng ký thực hiện Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang.

Xét về số lượng, Bắc Giang xếp thứ 2 với 17 dự án được kêu gọi đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn. Tiêu biểu nhất là Khu đô thị sân golf núi Nham Biền tại xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang và xã Tiền Phong, Huyện Yên Dũng. Dự án có diện tích 134ha, tổng mức đầu tư 6.381 tỷ đồng. Nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện là CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn - công ty con của CTCP Vinhomes.

Thái Bình cũng gây chú ý với 11 dự án tổng mức đầu tư 13.703 tỷ đồng. Trong đó, dự án lớn nhất là Khu đô thị mới tại xã Tân Bình và phường Tiền Phong, TP Thái Bình, có tổng mức đầu tư 7960 tỷ đồng, diện tích 125,4 ha. Nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án là các thành viên của Tập đoàn Eurowindow Holding: liên danh Công ty TNHH Thăng Long, CTCP Eurowindow Quảng Bình Fivestar và CTCP Đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang.

Tuy có nhiều dự án, những cái tên kể trên chưa phải là những địa phương đứng đầu nếu xét theo các tiêu chí tổng mức đầu tư và diện tích của các dự án được kêu gọi.

Quán quân tổng vốn đầu tư

Vào ngày 29/12/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An phát thông báo tìm nhà đầu tư cho dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây. Với diện tích gần 1.090 ha, Phước Vĩnh Tây sẽ là dự án lớn nhất tỉnh Long An, bên cạnh đó, dự án còn dẫn đầu cả nước xét theo tổng mức đầu tư với 90.757 tỷ đồng, bao gồm chi phí thực hiện 80.079 tỷ đồng và chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư 10.678 tỷ đồng.

Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây đưa Long An trở thành địa phương dẫn đầu cả nước xét theo các hạng mục tổng diện tích và tổng vốn đầu tư. Trong năm 2023, Long An kêu gọi tìm nhà đầu tư cho 7 dự án có tổng diện tích 1.802 ha, tổng mức đầu tư 150.863 tỷ đồng.

Ngoại trừ 2 dự án vừa được kêu gọi vào tháng 12, tất cả các dự án Long An kêu gọi đều đã có nhà đầu tư đăng ký thực hiện, ví dụ như liên danh của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB, CTCP Tập đoàn Ecopark đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án có tổng mức đầu tư gần 17.000 tỷ đồng, diện tích hơn 220 ha.

Dù chỉ với duy nhất một dự án bất động sản được kêu gọi đầu tư trong năm 2023, Khánh Hòa vẫn đứng thứ 2 cả nước ở 2 hạng mục tổng mức đầu tư lẫn tổng diện tích với siêu dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh.

Dự án có có diện tích hơn 1.254 ha, nằm trên địa phận 8 phường và 2 xã của thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tổng sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 85.294 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 997 tỷ đồng.

Dự án được kỳ vọng góp phần đưa quỹ đất khu vực vào khai thác có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế, xã hội khu vực vịnh Cam Ranh, TP Cam Ranh. Với tổng mức đầu tư hơn 86.000 tỷ đồng, diện tích hơn 1.000 ha, Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh sẽ là dự án bất động sản lớn nhất cả nước ở thời điểm hiện tại.

Nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án này là liên danh CTCP Đầu tư Cam Ranh, CTCP Vinhomes và CTCP Giải pháp năng lượng VINES. Vào ngày 21/6/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định đánh giá liên danh của Vinhomes đủ điều kiện, năng lực thực hiện dự án này.

Với 10 dự án, Hải Phòng đứng thứ ba cả nước xét theo tổng mức đầu tư với 44.699 tỷ đồng, thu hút nhiều tập đoàn bất động sản lớn, trong đó Vinhomes đăng ký 2 dự án là Khu đô thị mới tại khu vực quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy (23.218 tỷ đồng, 240 ha) và dự án xây dựng nhà ở xã hội tại phường Tràng Cát, quận Hải An thuộc khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (6.048 tỷ đồng, 28,14ha).

Thống kê của Mekong ASEAN cho thấy, trong số 182 dự án được kêu gọi đầu tư, có 9 dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, 9 dự án này kêu gọi tổng vốn đầu tư hơn 300.000 tỷ đồng, bỏ xa con số 243.000 tỷ đồng của 173 dự án kia cộng lại.

Bên cạnh những cái tên đã được nhắc tới ở trên, còn có các dự án lớn đáng chú ý khác như Khu đô thị phía Tây TP Long Xuyên, An Giang (15.252 tỷ đồng, 217 ha) được đăng ký bởi CTCP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam; Khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm, Tuyên Quang (18.345 tỷ đồng, 540 ha) được đăng ký bởi CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn; Khu đô thị mới Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An (28.258 tỷ đồng, 197 ha) được đăng ký bởi CTCP Phát triển Thành phố Xanh.

Trong năm 2023, Hà Nam dẫn đầu cả nước về kêu gọi đầu tư cho 23 dự án bất động sản với tổng diện tích 1.008 ha, tổng mức đầu tư xấp xỉ 39.400 tỷ đồng.

Trong đó có hàng loạt dự án lớn như Khu đô thị Đại học Nam Cao địa phận TP Phủ Lý tổng mức đầu tư 6.370 tỷ đồng, diện tích 300 ha; Khu đô thị Đại học Nam Cao địa phận xã Duy Tiên, diện tích 101,5 ha, tổng mức đầu tư 3.780 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tổng mức đầu tư 10.246 tỷ đồng, diện tích 176 ha hay dự án Khu dân cư nông thôn mới tại xã Liêm Tuyền và xã Đinh Xá, TP Phủ Lý.

Là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội chưa đến 60km, lại tiếp giáp với 5 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam là địa phương có vị trí chiến lược với khu vực Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào giữa năm 2023, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Hà Nam xác định mục tiêu quy hoạch tỉnh Hà Nam tới năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và phấn đấu đến năm 2035, tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tỉnh đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lập quy hoạch, trong đó, tập trung mở rộng quỹ đất, thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu logistics và khu công nghệ cao.

Theo danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, ban hành kèm theo Quyết định số 1708 QĐ-UBND, Hà Nam sẽ kêu gọi đầu tư vào 231 dự án thương mại dịch vụ, đô thị.

Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Khu đô thị kết hợp thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tại thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên với tổng diện tích 522 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 12.006 tỷ đồng và Khu đô thị thuộc Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông Bắc nút giao Phú Thứ, thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên với tổng diện tích 640 ha, tổng mức đầu tư 14.720 tỷ đồng.

Ngoài những dự án thương mại, dịch vụ, tỉnh cũng lên kế hoạch thu hút đầu tư cho 13 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 60 ha.

Ở lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, danh mục thu hút đầu tư có 10 dự án với tổng diện tích 1.900 ha, tổng vốn đầu tư 23.740 tỷ đồng. Trong đó, dự án có diện tích và tổng vốn đầu tư lớn nhất là Khu công nghệ cao Hà Nam tại huyện Lý Nhân với diện tích 663 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 6.030 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Hải Phòng kêu gọi đầu tư cho 10 dự án lớn nhỏ với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 chỉ sau Khánh Hòa và Long An, thu hút không ít tập đoàn lớn trong nước.

Đáng chú ý hơn cả là CTCP Vinhomes khi đăng ký 2 dự án là Khu đô thị mới ở quận Dương Kính, huyện Kiến Thụy với tổng mức đầu tư 23.218 tỷ đồng và dự án nhà ở xã hội tại phường Tràng Cát, quận Hải An với tổng mức đầu tư 6.048 tỷ đồng. UBND TP Hải Phòng đã có quyết định chấp thuận Vinhomes là chủ đầu tư dự án Dương Kính, Kiến Thụy.

TNG Holdings cũng là một nhà đầu tư lớn khác ở TP Hải Phòng, khi các thành viên là CTCP Phát triển An Phúc và CTCP Bất động sản Mỹ đã liên danh, đăng ký và được đánh giá đủ năng lực thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị mới Hoàng Xá, thị trấn An Lão với tổng diện tích 35 ha, tổng mức đầu tư 3.438 tỷ đồng.

Ở dự án khu nhà ở xã hội tại khu đô thị Cầu Rào 2, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân rộng hơn 7ha với tổng mức đầu tư gần 1.940 tỷ đồng, có 2 nhà đầu tư gửi hồ sơ là liên danh CTCP TTD Holdings và CTCP Hưng Thịnh Incons và liên danh CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh BĐS HTL Việt Nam (HTL). Trong khi Hưng Thịnh Incons là thành viên của Hưng Thịnh Group, SHN và HTL là các thành viên của Tập đoàn Geleximco.

Vào tháng 12/2023, TP Hải Phòng cũng tiến hành đấu giá dự án khu đô thị mới dọc đường Đỗ Mười kéo dài thuộc khu vực quy hoạch khu đô thị mới Bắc sông Cấm rộng 49,3ha, và dự án Khu đô thị mới xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên rộng 26 ha.

CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV - công ty con của Tập đoàn Hoàng Huy là nhà đầu tư trúng giá dự án dọc đường Đỗ Mười với số tiền hơn 4.800 tỷ đồng, trong khi thành viên Tập đoàn Doji – CTCP Phát triển BĐS Dragon trúng dự án còn lại với số tiền hơn 1.205 tỷ đồng.

Với vị thế là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, Thành phố Hoa phượng đỏ được định hướng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của vùng Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Bộ.

Vào cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định, phê duyệt Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế với trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hải Phòng tập trung phát triển 14 khu công nghiệp đã thành lập theo hướng đồng bộ, ngoài ra, thành lập mới 20 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.700 ha, bao gồm nhiều dự án lớn như KCN Tràng Duệ 3 (687 ha), KCN Trấn Dương – Hòa Bình (800 – 900ha), KCN Trung Lập (500 -600 ha), KCN sân bay Tiên Lãng (450 – 550 ha)…

Theo danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn thành phố thời kỳ 2021 - 2030, Hải Phòng sẽ có thêm nhiều dự án phát triển đô thị như Khu đô thị sinh thái Đông Nam Hải Phòng trên địa bàn phường Hải Thành và Tân Thành, huyện Dương Kinh, Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, các dự án xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng ở các quận Hải An, Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền…

Trong năm 2023, Long An phát thông báo tìm nhà đầu tư cho 7 dự án bất động sản, qua đó là tỉnh Nam Bộ tích cực nhất thực hiện điều này. Bên cạnh đó, 7 dự án của Long An có tổng mức đầu tư 150.863 tỷ đồng và tổng diện tích 1.802 ha, dẫn đầu cả nước tính theo các tiêu chí trên.

Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây. Với diện tích gần 1.090 ha, Phước Vĩnh Tây sẽ là dự án lớn nhất tỉnh Long An, bên cạnh đó, dự án còn dẫn đầu cả nước xét theo tổng mức đầu tư với 90.757 tỷ đồng. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký là ngày 2/2/2024.

Hầu hết các dự án được kêu gọi đầu tư của Long An đã có nhà đầu tư quan tâm, gửi hồ sơ đăng ký. Ví dụ như CTCP Phát triển Thành phố Xanh đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Hậu Nghĩa – Đức Hòa (28.258 tỷ đồng, 197ha); liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB, CTCP Tập đoàn Ecopark đăng ký dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch xã Thanh Phú, huyện Bến Lức (16.981 tỷ đồng, 220 ha).

Eurowindow cũng là cái tên nổi bật khi liên danh CTCP Đầu tư tổ hợp thương mại Meling Plaza Thanh Hóa, CTCP Đầu tư Trung tâm thương mại Vinh, CTCP Đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang đăng ký thực hiện Khu đô thị tại Phường 4 và Phường 6 TP Tân An (7.119 tỷ đồng, 137ha).

Trong năm 2023, UBND tỉnh Long An đã có quyết định chấp thuận CTCP Phát triển Thành phố Xanh làm nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa, đồng thời phê duyệt liên danh của Ecopark và liên danh của Eurowindow đủ điều kiện thực hiện dự án Khu đô thị tại xã Thanh Phú và Khu đô thị tại Phường 4 và Phường 6 TP Tân An.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Long An đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực phía Nam, trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL, kết nối chặt chẽ với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, đồng thời là đầu mối hợp tác giao thương quan trọng với Campuchia.

Để thực hiện được điều này, Long An cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai; phát triển mạnh các đô thị tiếp giáp với TP HCM, trung tâm Đồng Tháp Mười.

Tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2030 có 27 đô thị, trong đó TP Tân An là đô thị loại I, thị xã Kiến Tường là đô thị loại II và 3 đô thị loại III gồm Bến Lức, Cần Giuộc và Đức Hòa.

Trong đó, TP Tân An đóng vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại của phía Đông Bắc vùng ĐBSCL, đô thị cửa ngõ vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL; Bến Lức, Cần Giuộc và Đức Hòa là các đô thị vệ tinh, có vai trò giảm tải về áp lực dân số, hạ tầng xã hội và kỹ thuật cho TP HCM.

Thị xã Kiến Tường đóng vai trò là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười gắn với khu kinh tế cửa khẩu Long An, có vai trò động lực, thúc đẩy hoạt động công nghiệp, logistics, chế biến nông sản, kinh tế biên mậu với Campuchia.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của Long An là phát triển hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến.

Theo quy hoạch, Long An sẽ thành lập mới 17 khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có 51 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.433 ha; bên cạnh đó, quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.808 ha, nâng tổng số các cụm công nghiệp lên 72 cụm với tổng diện tích là 3.989 ha.

Đọc tiếp