Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Timor Leste đạt 7,4 triệu USD, với các mặt hàng chính là gạo, dệt may. Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á này đạt 670.707 USD.
Trong một thập kỷ qua, Timor Leste liên tục nhập siêu hàng hóa từ Việt Nam, trong đó năm cao nhất nhập siêu 63 triệu USD hàng hóa (năm 2014). Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này không ổn định. Nếu như giai đoạn 2013 – 2014, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất sang Timor Leste ghi nhận tăng trưởng cao, từ 46 triệu USD lên 63 triệu thì năm 2015 kim ngạch đã giảm khoảng 50%. Xuất khẩu của Việt Nam sang Timor Leste tiếp tục sụt giảm đến hết năm 2018 và lấy lại tăng trưởng vào năm 2019 và 2020.
Về các mặt hàng xuất khẩu cụ thể, chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Phạm Thế Cường – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia kiêm nhiệm Timor Leste thông tin, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gạo sang Timor Leste đạt 9,3 triệu USD, máy móc thiết bị điện đạt 3,48 triệu USD, thủy sản đạt 801.000 USD, sắt thép đạt 686.000 USD, đồ uống có đường đạt 1,44 triệu USD.
Về đầu tư, Việt Nam có dự án đầu tư của Viettel tại Timor Leste với vốn 15 triệu USD thành lập Viettel Đông Timo (Telemor).
Timor Leste có tiềm năng nào cho hàng hóa của Việt Nam?
Theo ông Phạm Thế Cường, thị trường Timor Leste còn nhiều tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thực phẩm chế biến, sữa và sản phẩm sữa, giày dép, đồ uống, sản phẩm gia dụng, máy móc thiết bị điện.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, Timor Leste là quốc gia có quy mô dân số nhỏ với khoảng 1,3 triệu người, tổng nhập khẩu cả nước chưa đến 1,2 tỷ USD trong năm 2023, sẽ là thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi muốn tiếp cận và phát triển tại thị trường.
Bên cạnh đó, Timor Leste và Việt Nam chưa có các hiệp định thương mại chung, trong khi đó quốc gia này chưa phải thành viên chính thức của ASEAN khiến doanh nghiệp hai bên không thể tận dụng được các ưu đãi từ các FTA.
Theo đánh giá của ông Cường, các hoạt động kinh tế tại Việt Nam trong những năm tới cần nhiều hơn các mặt hàng đầu vào như nhiên liệu (xăng dầu), gỗ nguyên liệu, thủy sản nguyên liệu, khoáng sản, kim loại... Đây cũng là những sản phẩm tiềm năng tại Timor Leste.
“Hợp tác với Việt Nam, các mặt hàng của Timor Leste sẽ là đầu vào quan trọng cho sản xuất hàng hóa, giúp Timor Leste và Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu,” ông Phạm Thế Cường chia sẻ với Mekong ASEAN.
Timor Leste hiện cũng có nhu cầu thúc đẩy kết nối hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải, xuất nhập khẩu, cảng biển để hỗ trợ cho hoạt động trao đổi thương mại.