Các sản phẩm sơn mài do các nhóm đối tượng hỗ trợ của Craft Link sản xuất. Ảnh: Quách Sơn

Những ngọn lửa giữ hồn Việt qua sản phẩm sơn mài

văn hóa Việt nAM
10:02 - 26/01/2023
Khi nhắc đến dòng sản phẩm sơn mài, giới mỹ thuật thế giới liền nghĩ ngay đến mỹ thuật Việt Nam, một sản phẩm tồn tại từ lâu, gắn liền với nền văn hóa và đời sống của người dân Việt Nam.

Cửa hẹp với sản phẩm riêng có của Việt Nam

Sơn mài là một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất được khách tiêu dùng nước ngoài yêu thích bởi nét đặc sắc và độ bền của sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng trong nước, đây cũng là sản phẩm được ưa chuộng mỗi dịp Tết đến Xuân về, bởi thiết kế các sản phẩm phù hợp nhu cầu trang trí, sử dụng vào dịp Tết như khay, đĩa, lót cốc, bình, lọ…

Cùng với đó, 3 màu cơ bản thường được sử dụng là đỏ, vàng kim (vàng nâu) và đen cũng rất phù hợp với không khí Tết. Theo quan niệm của người Việt từ thời xa xưa, màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, màu vàng kim, tượng trưng cho tài phú, sung túc, với màu đen làm nền, rất dễ để trưng bày.

Làm sản phẩm sơn mài là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, phức tạp với nhiều công đoạn, người họa sĩ cần trải qua ít nhất 5 - 7 hoặc 9 lượt vẽ sơn, hong khô rồi mài phẳng. Trước kia, do sự “khó tính” của sơn ta, người thợ phải ủ tranh trong tủ kín gió và có độ ẩm cao để làm khô lớp sơn vừa vẽ, sau đó mài để bức tranh hiện dần ra. Sau khi mài xong lớp sơn cuối cùng thì cần xoa bột than để mặt tranh bóng dần. Chính sự kỳ công đã tạo nên nét đặc sắc, riêng biệt của hàng sơn mài Việt Nam.

Một sản phẩm trong bộ sưu tập tượng về mèo của ông Nguyễn Tấn Phát cho dịp Tết Quý Mão 2023.

Một sản phẩm trong bộ sưu tập tượng về mèo của ông Nguyễn Tấn Phát cho dịp Tết Quý Mão 2023.

Tuy nhiên, theo thời gian, nhu cầu của khách hàng trong nước với sơn mài có phần suy giảm. Hàng sơn mài khó cạnh tranh với nhiều sản phẩm trang trí bằng các chất liệu khác nhau. Đặc biệt là sau 2 năm đại dịch Covid-19, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức mua các sản phẩm không thiết yếu như sơn mài bị giảm sút rất nhiều.

Là một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận, với hàng chục năm nỗ lực thúc đẩy các nhóm làng nghề truyền thống trong việc khôi phục truyền thống văn hoá, phát triển sản xuất hàng thủ công, Craft Link nhận thức được những tiềm năng của giá trị truyền thống Việt và cả những thách thức mà nghệ nhân gặp phải.

Bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc CTCP Doanh nghiệp xã hội Craft Link thừa nhận, con đường của nghề sơn mài cũng là con đường mà nhiều nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã và đang phải trải qua trước những thách thức về thay đổi thị trường, thay đổi nhu cầu và công năng sử dụng, trước sự cạnh tranh của nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Do đó, doanh nghiệp sơn mài muốn tồn tại thì vừa phải giữ lửa đam mê vừa cần tìm những kỹ thuật, tư duy mới để mang lại sức sống mới cho sản phẩm, thu hút khách hàng.

Thay đổi để thích nghi

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sơn mài lại cho ra mắt những sản phẩm mới, hấp dẫn để tranh thủ thu hút khách hàng nhân mùa mua sắm cuối năm. Ông Nguyễn Tấn Phát - một nghệ nhân làm sơn mài theo hình thức nghệ thuật sáng tạo - cho biết, để chào đón dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông đã cho ra mắt bộ sưu tập về linh vật mèo.

Ông Phát cho rằng, thú chơi linh vật, con giáp đã thịnh hành vài năm nay. Để nắm bắt xu hướng thị trường, Tết Quý Mão này, doanh nghiệp cho ra mắt bộ sưu tập gồm hơn 1.000 bức tượng về mèo được điêu khắc thủ công trên gỗ, với những nét riêng, độc bản.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát - người đã thổi luồng gió mới vào nghệ thuật sơn mài khi lựa chọn kỹ thuật mới là điêu khắc sơn mài trên gỗ.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát - người đã thổi luồng gió mới vào nghệ thuật sơn mài khi lựa chọn kỹ thuật mới là điêu khắc sơn mài trên gỗ.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là người đã thổi luồng gió mới vào nghệ thuật sơn mài khi lựa chọn kỹ thuật mới là điêu khắc sơn mài trên gỗ, để sản phẩm tồn tại sống động, không bị đóng khuôn trên mặt phẳng như tranh, hộp, bình, lọ.

Nhờ tạo sự mới mẻ cho khách hàng, theo ông Phát, sản phẩm của doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức tăng trưởng bền vững ngay cả trong 2 năm đại dịch và tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tốt cho năm 2022. Các sản phẩm này, đặc biệt là các bức tượng nhỏ thường được khách hàng mua về tặng người thân hoặc trưng bày nhân dịp lễ, Tết. Đặc biệt khi người mua hàng có thể nhìn thấy một phần của bản thân trong sản phẩm thì họ sẽ có thể chi số tiền lớn ra để sở hữu.

Ông Phát cũng cho rằng, một trong những lý do sản phẩm của mình thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng đó là vì các tác phẩm có được sự bền đẹp, sang trọng và đem lại những giá trị, câu chuyện riêng của sơn mài - một loại hình mỹ thuật riêng của Việt Nam.

Muốn đi xa cần đi cùng nhau

Khác với ông Phát, ông Đinh Công Thiệu - chủ doanh nghiệp Đinh Thiệu chuyên làm các sản phẩm sơn mài thủ công theo phong cách truyền thống tại Bình Dương - cho biết, những năm gần đây, đại dịch Covid-19 khiến lượng người mua hàng giảm mạnh. Nguyên nhân một phần do sản phẩm của ông chủ yếu bán cho du khách nước ngoài, do đó, việc phong tỏa các quốc gia do đại dịch cũng gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh.

Hơn nữa, đây không phải là sản phẩm thiết yếu, với chất liệu bền, khó hỏng, nên nhu cầu mua mới của khách hàng cũng rất ít. Vì thế, dịp Tết này, doanh nghiệp chủ yếu tiêu thụ các sản phẩm tồn đọng do dịch Covid-19.

Ông Thiệu cũng chia sẻ, doanh nghiệp Đinh Thiệu chủ yếu ưu tiên sản xuất những mặt hàng theo phương thức truyền thống, làm thủ công, mỗi sản phẩm gần như độc bản. Các sản phẩm này làm rất kỳ công, mất nhiều thời gian. Ví dụ, các sản phẩm như tấm tranh truyền thống mất từ 2 tháng rưỡi trở lên. Còn những sản phẩm như bình vải xoa phải mất đến mất 6 tháng mới xong một sản phẩm.

Sự độc đáo, đam mê của nghệ nhân lại không phải là yếu tố cốt lõi đối với thị trường khi đón nhận những sản phẩm truyền thống.

Thị trường mở cũng không cho phép doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ như doanh nghiệp sơn mài "một mình một chợ" nữa mà cần liên kết với nhau thành hiệp hội làng nghề hay liên kết với những doanh nghiệp có thể giúp họ mở rộng thị trường như Craft Link.

Mục tiêu của những doanh nghiệp cộng đồng như Craft Link là giúp bảo tồn, phát triển các kỹ năng và nền văn hóa truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số, nhóm làng nghề, nhóm người khuyết tật; giúp các nhóm sản xuất hàng thủ công tăng thêm thu nhập và phát triển bền vững thông qua việc phát triển, xây dựng sản phẩm kết hợp giữa “truyền thống và đương đại”, tìm thị trường cho các sản phẩm và nâng cao nhận thức của công chúng về các nhóm sản xuất và sản phẩm thủ công của họ

Hiện Craft Link đang trợ giúp 63 nhóm sản xuất trên khắp đất nước Việt Nam, trong đó có 45% là các nhóm dân tộc thiểu số; 25% là các nhóm khuyết tật, gặp hoàn cảnh khó khăn và 30% là các nhóm làng nghề truyền thống.

Đọc tiếp