Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Nối mạch Nghị trường - Khơi thông nguồn lực

QUỐC HỘI Việt nAM
20:24 - 04/12/2023

Giữ mạch Nghị trường trong sự kết nối từ chính sách đến những yêu cầu của cuộc sống, sự phối hợp nhịp nhàng "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", từ quan điểm của Đảng, sự phối hợp giữa Quốc hội - Chính phủ, tới những bước đi nhanh hơn, hiệu quả hơn của chính sách sẽ là điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế phát triển.

CÔNG TÁC LẬP PHÁP ĐI CÙNG HƠI THỞ CUỘC SỐNG

Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) đã đi qua nửa nhiệm kỳ đầy đặc biệt và biến động. Năm 2021, năm đầu tiên nhiệm kỳ diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới, thậm chí gay gắt hơn cả diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Sang năm 2022 và 2023, đại dịch dần được kiểm soát, nhưng tình hình phát sinh nhiều khó khăn mới. Bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động nhanh, khó lường làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh này, những sách lược phát triển dài hạn, những chương trình hỗ trợ phục hồi cấp bách nhằm khơi thông động lực, tạo không gian tăng trưởng mới, rộng rãi, thực chất và hiệu quả hơn cho nền kinh tế; góp phần tạo cuộc sống ổn định và đủ đầy cho người dân đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của những nhà hoạch định chính sách.

Công tác lập pháp, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành chính sách đáp ứng những mong mỏi của người dân trở thành yêu cầu cấp bách.

Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, thích ứng linh hoạt với tình hình để hoàn thành khối lượng lớn công việc về xây dựng và triển khai chính sách, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, Quốc hội sẽ không để xảy ra tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo", không chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình sang xong mới cho ý kiến, Quốc hội sẽ giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa.

Những kỳ họp bất thường của Quốc hội đã thể hiện rõ tinh thần chủ động này, thể hiện rõ sự khẩn trương, tinh thần trách nhiệm trước những vấn đề cấp bách. Vì cuộc sống là không chờ đợi, những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ "bối cảnh không bình thường" cần ngay những quyết sách từ những kỳ họp bất thường.

Hơi thở cuộc sống phải được kịp thời chuyển tải vào Nghị trường để cấp bách cho ra đời những chính sách bắt kịp với bước chuyển của thời đại và yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể, bám sát với thực tiễn của nền kinh tế và từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã hoàn thành tới 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ khóa XV (đạt tỷ lệ 81,8%). Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục thông qua 7 luật, 78 nghị quyết; thảo luận cho ý kiến 8 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp.

NHẤT ĐỊNH SẼ VƯỢT QUA NHỮNG KHÓ KHĂN

Từ thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cùng nhiều kết quả quan trọng đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Trao đổi với Mekong ASEAN bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nói, nhiệm kỳ đầu tiên của Quốc hội khoá XV là giai đoạn vô cùng khó khăn, khi Việt Nam phải đối mặt với kẻ thù lạ mặt nhưng vô cùng nguy hiểm là Covid-19.

"Đã có nhiều tổn thất về vật chất và con người. Từ tổn thất dẫn đến tâm lý hoang mang, thậm chí người ta không dám tin vào tương lai. Nhưng chúng ta đã ổn định được tâm lý cho nhân dân, khống chế được đại dịch, từng bước phục hồi kinh tế. Tôi cho rằng đại dịch cũng là dịp 'lửa thử vàng', chứng minh được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc", bà Nga nhận định.

Nữ đại biểu cũng đánh giá cao sự linh hoạt và nhanh nhạy của đội ngũ lãnh đạo, người dân, doanh nghiệp trong khó khăn.

"Có những kỳ họp rất nhanh chóng để ban hành các giải pháp phục hồi kinh tế xã hội. Hiếm có quốc gia nào mà sự hỗ trợ bao phủ như Việt Nam, gần như không bỏ sót đối tượng nào... Mức hỗ trợ có thể không nhiều nhưng mang ý nghĩa động viên tinh thần lớn, tạo tâm lý yên tâm cho người dân", bà Nga chia sẻ.

Nửa nhiệm kỳ còn lại chỉ còn có hơn 2 năm. Thời gian không nhiều và áp lực lớn do nửa đầu đã vướng Covid-19, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, từ mỗi cá nhân đến các bộ, ngành. Nhiệm kỳ này chúng ta đề ra rất nhiều chỉ tiêu và không điều chỉnh các chỉ tiêu. Vì vậy áp lực dồn nhiệm vụ cho nửa cuối nhiệm kỳ là rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: quochoi.vn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: quochoi.vn

2024 - BỨT PHÁ MỤC TIÊU NHIỆM KỲ

Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

"Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc trước mắt vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy các đột phá chiến lược…", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận.

Năm 2021, khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng GDP 2,56%. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh, đạt mức 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch (6 - 6,5%). 9 tháng đầu năm nay tuy có những khó khăn, thách thức gay gắt hơn dự báo nhưng vẫn đạt 4,24%, cả năm 2023 dự báo khoảng 5 - 5,5%.

Dẫu vậy, trong báo cáo đánh giá đầu Kỳ họp thứ 6, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5% - 7% giai đoạn 2021 - 2025 và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao độ và hành động quyết liệt của cả hệ thống.

Cũng theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, một số chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa như: chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...

Cùng với đó, là những khó khăn dai dẳng, như vấn đề năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được như kỳ vọng, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 - 2023 chỉ tăng 4,36 - 4,69%. Năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế vẫn còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 tháng 9/2023 đã nêu ba câu hỏi lớn cần lời giải cho nền kinh tế:

Cụ thể, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo?

Thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào? Dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025?

Năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025?

Tại Kỳ họp thứ 6, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội diễn ra sôi nổi. Gần 200 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu. Những vấn đề nóng bỏng, những khó khăn trăn trở của người dân, doanh nghiệp đều được mổ xẻ tại Nghị trường, cho thấy sự quan tâm của các đại biểu cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi đại biểu với các thách thức đang đặt ra với nền kinh tế hiện nay.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp, hiến kế thiết thực nhằm khơi thông nguồn lực. Kỳ họp thứ 6 này đã quyết nghị được nhiều chính sách trực diện gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp và địa phương.

Ví dụ, từ đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua chính sách kéo dài thời hạn giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết tháng 6/2024 để kích cầu tiêu dùng, cũng như thông qua một loạt nghị quyết để giải toả những điểm nghẽn lâu nay, ví dụ như việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Nghịch lý "có tiền mà không tiêu được" của 3 chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi đã qua 1/3 đến một nửa thời gian mà tốc độ giải ngân chưa được như kỳ vọng, chính sách từ Nghị trường Quốc hội đã giải toả vướng mắc bằng cách cho phép chuyển nguồn dự toán ngân sách chưa giải ngân hết sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện.

Đồng thời, Chính phủ sẽ xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai, trong đó, có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách.

Sau kỳ họp, các dự án giao thông trọng điểm, 3 chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng hay các khoản chi có tính chất đầu tư sẽ có có điều kiện thuận lợi hơn để tăng tốc giải ngân.

Nút thắt thiếu vật liệu, giải ngân vốn chậm tại nhiều công trình đường bộ trọng điểm hiện nay cũng sẽ được gỡ sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về xây dựng công trình đường bộ.

"Sửa lại cái hàng rào" hay nâng cấp, cải tạo các tài sản công có giá trị nhỏ vốn là việc phát sinh, có tính cấp bách, cần phải chi ngay. Vậy mà, các địa phương cứ loay hoay không biết là có được dùng nguồn chi thường xuyên không hay phải dùng nguồn chi đầu tư công với nhiều thủ tục phức tạp. Nút thắt giải ngân này cũng được Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng, trưởng ngành làm thông tỏ.

Đặc biệt, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Riêng Dự thảo Luật là Đất đai (sửa đổi) sẽ thông qua trong kỳ họp gần nhất. Ba luật này sẽ tạo động lực kỳ vọng để khai thông thị trường bất động sản, tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi.

TIẾNG NÓI TỪ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chia sẻ, vấn đề đã được nói nhiều thời gian qua là phải khai thông những nguồn lực hiện có nhưng đang tắc nghẽn, loay hoay chưa tìm được lối ra. Quốc hội, Chính phủ đã rất khẩn trương, câu hỏi là thực thi như thế nào?

Theo đại biểu này, Quốc hội, Chính phủ phải có những nghị quyết đặc thù để tháo gỡ kịp thời và dứt điểm. Chẳng hạn, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là kịp thời, nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, Nghị quyết này vẫn chưa đủ cho tất cả dự án kinh doanh hiện nay. Với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần có nghị quyết của Quốc hội để giải quyết, không chỉ là các nghị quyết về cơ chế chung hay nghị quyết thí điểm.

Một nguồn lực khác có thể khai thông ngay là từ khối doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn, phải nhanh chóng phát huy vai trò của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Vấn đề này có hai việc quan trọng cần thực hiện và tập trung nhiều hơn đó là đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Bởi thực tế là nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa thể phát huy hết hiệu quả do vướng mắc về thể chế và chính sách.

Bên cạnh đó, vấn đề cần quan tâm là phải thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh; tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như điện, xăng dầu, lương thực…

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: quochoi.vn

Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận định, với những gì Việt Nam đạt được trong năm 2023 thì năm 2024 có thể kỳ vọng vào kết quả tốt hơn, trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có sự thay đổi tích cực. Theo ông, trong nước, hệ thống nền tảng pháp luật đang từng bước được tháo gỡ các điểm nghẽn cho sự phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như bất động sản, tài chính, tín dụng...

Ngành nông nghiệp có điểm sáng, đặc biệt là xuất khẩu nông sản với nhiều ngành hàng đang có giá trị xuất khẩu lớn, trên 1 tỷ USD như rau quả, lúa gạo... vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đóng góp ngoại tệ. Ngành công nghiệp cũng có những khởi sắc nhất định, ghi nhận ở các ngành chế tạo, máy tính điện tử, bán dẫn...

Tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2024 là hoàn toàn khả thi khi Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ các khó khăn về thể chế cho người dân, doanh nghiệp, can thiệp trong hỗ trợ tín dụng, vốn đầu tư cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài...

Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

Cũng theo ông Thành, việc Quốc hội thông qua áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là nội dung quan trọng, thể hiện sự nhạy bén và nhanh chóng của Quốc hội. Song, bên cạnh thực hiện quy định của OECD vẫn cần có chính sách ưu đãi nhất định để kịp thời giữ chân, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu Quốc hội đoàn Lạng Sơn nêu quan điểm.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Bùi Hoài Sơn đánh giá, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã ban hành nhiều quyết sách, đặc biệt là những quyết sách liên quan đến vấn đề kinh tế để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, lấy lại đà tăng trưởng cho năm 2024.

Đại biểu chia sẻ, chúng ta trải qua năm 2023 với rất nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu chưa đạt được. Đó không chỉ là những thách thức rất lớn cho năm 2023 mà có thể trong năm 2024. Chính vì thế, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, quan tâm thảo luận và thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

"Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng vì quá trình chúng ta thảo luận rất kỹ lưỡng như vậy, thể hiện trách nhiệm như vậy nên những kinh nghiệm của năm 2023 và những đóng góp các vị đại biểu sẽ giúp chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024", đại biểu bày tỏ.

Để đưa những quyết sách vừa được Quốc hội thông qua vào cuộc sống, cần có những nỗ lực, những giải pháp sáng tạo, đột phá. Trong đó, khâu quan trọng là công tác cán bộ, trách nhiệm của cán bộ khi tình trạng cán bộ né tránh, trông chờ, ỷ lại vẫn diễn ra. Khi quá trình chậm chạp này chuyển động cùng với mong đợi từ phía cử tri, đây sẽ là một yếu tố then chốt để luật vào trong cuộc sống, tạo ra được những đột phá trong thời gian sắp tới.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Bùi Hoài Sơn. Ảnh: quochoi.vn

TRÊN DƯỚI ĐỒNG LÒNG, DỌC NGANG THÔNG SUỐT

Quốc hội khóa XV bước vào nhiệm kỳ trong bối cảnh có những khó khăn không thể dự báo và lường trước, thậm chí chưa có tiền lệ. Quá nửa chặng đường, Quốc hội dành tâm huyết đặc biệt cho những chính sách phục hồi và phát triển kinh tế.

Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng hành chặt chẽ với Chính phủ. Nghị quyết 43/2022/QH15, việc áp dụng "một luật sửa nhiều luật" chưa có tiền lệ như một giải pháp đầy chủ động, linh hoạt, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó và thích ứng an toàn với Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thành công cuối cùng của từng kỳ họp ở mức nào sẽ còn phụ thuộc vào những quyết sách đã được Quốc hội thông qua sẽ thực thi trong cuộc sống ra sao, góp phần làm vơi đi những nhọc nhằn, vất vả của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn, biến động như thế nào?

Nhưng rõ ràng, nối mạch chính sách, từ Nghị trường - chính sách từ phòng họp Diên Hồng đi vào cuộc sống rồi lại trở lại chính Nghị trường với những thành công và cả những trăn trở có lẽ đã là những dấu ấn rõ rệt.

Qua mỗi Kỳ họp, Quốc hội tiếp tục đổi mới, lắng nghe và hoàn thiện để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân. Kết quả của Kỳ họp thứ 6 với các luật, nghị quyết, chính sách mới được ban hành sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Cử tri và nhân dân có quyền tin tưởng, những chính sách được ban hành sẽ nhanh chóng giúp tháo gỡ những "điểm nghẽn", khơi thông mọi nguồn lực, đưa nền kinh tế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, trong một không gian phát triển rộng rãi hơn.

Đọc tiếp