Ông Nguyễn Lê Thăng Long rút khỏi HĐQT An Phát Holdings

APH An Phát
16:11 - 02/05/2024
Chân dung ông Nguyễn Lê Thăng Long. Ảnh: APH
Chân dung ông Nguyễn Lê Thăng Long. Ảnh: APH
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (HoSE: APH) vừa công bố đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Lê Thăng Long và ông Nirav Sudhir Patel. Việc miễn nhiệm sẽ được cổ đông APH xem xét tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 5 tới đây.

Trong đơn, lý do từ nhiệm được ông Nguyễn Lê Thăng Long cho biết là để tập trung hơn nữa vào công tác quản trị tại tập đoàn trên cương vị Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) và công tác điều hành trên cương vị Phó Tổng giám đốc APH.

Trong khi đó, ông Nirav Sudhir Patel từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập do có định hướng phát triển riêng.

Sinh năm 1984, ông Nguyễn Lê Thăng Long là Tiến sĩ Khoa học Vật liệu, ông từng có nhiều năm làm chuyên viên phát triển sản xuất tại Mobidiag France, trước khi về Việt Nam đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn An Phát Holdings vào năm 2017.

Ông Long nhanh chóng trở thành một trong những lãnh đạo quan trọng trong hệ sinh thái An Phát Holdings. Vào tháng 1/2021, ông được bầu làm Phó Tổng giám đốc APH, 5 tháng sau đó, ông trở thành Thành viên HĐQT An Phát Holdings và Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của Nhựa An Phát Xanh. Từ tháng 6/2022 đến nay, ông Nguyễn Lê Thăng Long là Chủ tịch HĐQT của AAA.

Về tình hình kinh doanh, trong quý 1/2024, An Phát Holdings ghi nhận doanh thu giảm tới 18% so với cùng kỳ về còn 3.388 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn giảm mạnh hơn doanh thu, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp 419 tỷ đồng, tăng gần 24% so với quý 1/2023.

Khấu trừ thuế phí, APH ghi nhận lợi nhuận sau thuế 133 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ, tương đương gần 61% so với thực hiện của cả năm 2023. Đáng chú ý, năm 2023, APH báo lãi sau thuế hơn 219 tỷ đồng, tăng 282% so với năm 2022.

Tính đến cuối quý 1/2024, tổng tài sản của APH tăng nhẹ so với đầu năm lên 12.507 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh từ 1.443 tỷ đồng lên 2.885 tỷ đồng, bao gồm 1.142 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng (tăng 24%), 787,5 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn (tăng 114%), 807 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn (cao gấp 37 lần so với đầu năm).

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 được tổ chức vào ngày 29/5 tới đây, HĐQT APH đề xuất kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 314 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, công ty đã hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 42% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.