Reuters đưa tin, phát biểu với phóng viên trước cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng ngày 7/2 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo: “Tuần tới, tôi sẽ công bố thuế nhập khẩu đối ứng, để chúng ta được đối xử công bằng như các nước khác. Chúng ta không muốn nhiều hơn hay ít hơn”.
Tuyên bố này nhằm thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh của ông Trump là áp mức thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ bằng mức thuế mà các đối tác thương mại hiện áp đặt đối với với hàng xuất khẩu của Mỹ. Mặc dù không tiết lộ những nước nào sẽ bị áp thuế, nhưng ông Trump cảnh báo rằng đây sẽ là nỗ lực trên quy mô lớn nhằm giải quyết các vấn đề ngân sách của Mỹ.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP |
Theo New York Times, trong cuộc họp báo sau đó với Thủ tướng Ishiba, ông Trump cho biết ông thích mức thuế quan có đi có lại hơn là mức thuế quan “cố định”, tức là mức thuế áp dụng chung cho tất cả hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. “Tôi nghĩ đó là cách công bằng duy nhất để thực hiện điều đó,” ông Trump nói.
Khi được hỏi liệu Nhật Bản có trả đũa nếu Mỹ áp thuế đối với hàng xuất khẩu của họ hay không, ông Ishiba đã phản đối. “Tôi không thể trả lời một câu hỏi lý thuyết,” ông Ishiba nói.
Ông Donald Trump từ lâu đã phàn nàn về việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu, cao hơn nhiều so với mức thuế 2,5% của Mỹ. Ông thường xuyên tuyên bố rằng châu Âu “không mua ô tô của Mỹ” nhưng vẫn xuất khẩu hàng triệu chiếc vào Mỹ mỗi năm.
Trong các phiên điều trần gần đây, ông Howard Lutnick - ứng cử viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ, đã lên tiếng lo ngại về mức thuế quan cao của Ấn Độ. Còn ông Jamieson Greer - người được ông Trump đề cử cho chức Đại diện Thương mại Mỹ thì thảo luận về thuế nhập khẩu và rào cản thương mại của Brazil.
Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thuế quan trung bình theo trọng số thương mại của Mỹ là khoảng 2,2%, so với 12% của Ấn Độ, 6,7% của Brazil và 2,7% của các nước EU.
Theo nguồn tin của Reuters, ông Trump đã thảo luận với các nghị sĩ đảng Cộng hòa về kế hoạch này trong một cuộc họp về ngân sách tại Nhà Trắng hôm 6/2. Ông Trump và các trợ lý hàng đầu cho biết họ có kế hoạch dùng số tiền thu được từ việc tăng thuế nhập khẩu để gia hạn chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp từ năm 2017.
Ông Trump trong những ngày gần đây cũng tiết lộ rằng ông có kế hoạch áp thuế đối với nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác như đồng, thép, thép, nhôm, dược phẩm và chất bán dẫn.
Đầu tuần này, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với Canada, Mexico và 10% đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng sau đó đã hoãn thi hành áp thuế nhập khẩu với Mexico và Canada trong vòng 30 ngày, cho phép hai nước này giải quyết các yêu cầu của Washington về việc ngăn chặn hoạt động buôn lậu và nhập cư vào Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền ông Trump vẫn giữ nguyên quyết định áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách áp thuế 15% đối với một số hàng hóa của Mỹ, đồng thời mở các cuộc điều tra nhằm vào công ty Mỹ.
![]() Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico cũng như 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 4/2 nhằm chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn bán fentanyl. |
![]() Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/2 tuyên bố Canada nên trở thành bang thứ 51 của Mỹ để có thể tranh việc bị áp mức thuế cao và mang lại sự bảo vệ quân sự tốt hơn. |
![]() Ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý hoãn việc áp thuế cao đối với các mặt hàng của Mexico và Canada nhập khẩu vào nước này trong vòng 30 ngày sau khi nhận được một số cam kết về quản lý an ninh biên giới và tội phạm. |
![]() Ngày 4/2, Trung Quốc tiến hành áp thuế bổ sung đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả động thái áp thuế 25% lên hàng hóa nước này của Tổng thống Donald Trump. |
![]() Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) ngày 5/2 tuyên bố sẽ tạm thời đình chỉ tiếp nhận các bưu kiện từ Trung Quốc - động thái diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. |