Phái đoàn Nga, Ukraine tại Liên Hợp Quốc cáo buộc nhau phá con đập

chiến sự Nga - Ukraine
07:55 - 07/06/2023
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia. Ảnh: AP
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 6/6 đã tổ chức cuộc họp nhóm theo đề nghị của cả Nga và Ukraine, sau khi con đập chiến lược Nova Kakhovka trên sông Dniepero ở tỉnh Kherson bị vỡ khiến người dân phải sơ tán khẩn cấp.

"Hành động phá hoại có chủ đích do Kiev thực hiện nhằm vào một cơ sở hạ tầng quan trọng là cực kỳ nguy hiểm. Về cơ bản, điều này có thể được coi là tội ác chiến tranh hoặc hành động khủng bố", Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an, theo Reuters.

Ông Nebenzia cáo buộc Ukraine cố gắng tạo "cơ hội thuận lợi" để tái bố trí các đơn vị quân đội, nhằm tiếp tục phản công.

"Chúng tôi cũng không loại trừ một nỗ lực tiềm ẩn nhằm thực hiện hành vi khiêu khích nhắm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Một lý do khác đằng sau vụ tấn công có thể là mong muốn trả thù cư dân Crimea bằng cách cắt nguồn cung cấp nước cho bán đảo này", quan chức này lập luận.

Phái đoàn Nga, Ukraine tại Liên Hợp Quốc cáo buộc nhau phá con đập ảnh 1

Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya cáo buộc Nga "có hành động khủng bố nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine", nhưng không cung cấp bằng chứng.

"Về mặt vật lý, không thể làm nổ tung đập từ bên ngoài bằng cách pháo kích. Nó đã bị người Nga cài mìn rồi cho nổ tung", ông Kyslytsya nói.

Khi được hỏi Mỹ có biết bên nào phải chịu trách nhiệm về vụ việc hay không, Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood trả lời rằng: "Chúng tôi không chắc chắn. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm thông tin trong những ngày tới".

"Nhưng ý tôi là tại sao Ukraine lại làm điều này trên chính lãnh thổ và người dân của họ, làm ngập lụt đất đai, buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán khỏi nhà cửa. Điều đó thật vô nghĩa", ông Wood nói.

Phái đoàn Nga, Ukraine tại Liên Hợp Quốc cáo buộc nhau phá con đập ảnh 2

Nước tràn qua phần thân đập Nova Kakhovka bị vỡ. Ảnh: Maxer/Reuters

Nhà Trắng cho biết họ chưa thể kết luận nguyên nhân khiến đập Kakhovka bị phá hủy, nhưng đánh giá các thông tin cho rằng Nga đứng sau vụ việc. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói vụ vỡ đập có thể gây ra nhiều thương vong và khiến hàng nghìn người dân phải sơ tán.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trước đó bình luận rằng cơ quan này không có bất kỳ thông tin độc lập nào về việc con đập bị vỡ như thế nào, nhưng mô tả đây là "một hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tại Ukraine".

Phái đoàn Nga, Ukraine tại Liên Hợp Quốc cáo buộc nhau phá con đập ảnh 3

Người dân hỗ trợ một cụ ông ngồi trên xuồng bơm hơi ở Kherson. Ảnh: Reuters

Đập thủy điện Nova Kakhovka cao 30 mét và dài 3,2 km, được xây dựng vào năm 1956 trên sông Dnepr và là một phần của nhà máy thủy điện Kakhovka. Hồ chứa Kakhovka có dung tích khoảng 18 tỷ m3, có nhiệm vụ cung cấp nước cho tỉnh Kherson, 2 triệu cư dân trên bán đảo Crimea và là nguồn nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Nga đã kiểm soát con đập kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra, mặc dù lực lượng Ukraine sau đó đã chiếm lại bờ bắc của sông Dnepr. Cả hai bên từ lâu đã cáo buộc lẫn nhau về âm mưu phá hủy con đập.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 6/6 tuyên bố phải "trục xuất toàn bộ người Nga khỏi Ukraine" vì hành động khủng bố, phá hủy đập Kakhovka.

Phái đoàn Nga, Ukraine tại Liên Hợp Quốc cáo buộc nhau phá con đập ảnh 4

Người dân sơ tán lội qua một con phố ngập lụt ở Kherson. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka là "một hành động phá hoại có chủ ý của Ukraine", viện dẫn rằng Kiev đã phát động chiến dịch phản công quy mô lớn vào ngày 4-5/6 nhưng không đạt được mục tiêu.

Theo TASS, tính đến thời điểm hiện tại, mực nước ở Nova Kakhovka đã lên tới trên 12 mét, 14 khu định cư đã bị ngập lụt và có tới 80 khu vực có nguy cơ bị ngập lụt. Người dân tại các khu định cư lân cận cũng đang được sơ tán.

Hãng thông tấn RIA dẫn lời một quan chức thân Nga cho biết khoảng 22.000 người dân ở vùng Kherson có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập. Theo các quan chức, đất canh tác dọc theo sông Dnepr đã bị cuốn trôi theo nước lũ. Trong khi đó, nguồn nước cấp cho kênh đào bắc Crimea sẽ có nguy cơ cạn kiệt nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.