TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.

Phân tích các kênh đầu tư cho năm 2024

ĐẦU TƯ Việt nAM
08:15 - 09/02/2024
Bài phân tích của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, về các kênh đầu tư đáng lưu ý trong năm 2024, dành riêng cho Mekong ASEAN.

BỐI CẢNH

Kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đã đối mặt với nhiều khó khăn, khi tăng trưởng GDP đạt 5,05%, thấp hơn so với mục tiêu 6,5% và so với mức tăng 8,12% năm 2022; lạm phát (CPI) tăng 3,25% - tăng nhẹ so với mức 3,15% của năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và lạm phát trong tầm kiểm soát, NHNN đã hạ lãi suất điều hành 4 lần, mức giảm 0,5-2%/năm nhằm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản phục hồi chậm, kênh gửi tiết kiệm và đầu tư vàng được quan tâm.

Với năm 2024, có thể chứng kiến sự dịch chuyển rõ nét giữa các kênh đầu tư theo hướng có quan tâm hơn đối với TTCK, bất động sản, đầu tư tư nhân, khởi nghiệp... Để có thêm thông tin, Nhóm nghiên cứu đánh giá lợi suất các kênh đầu tư năm 2023, triển vọng năm 2024 và đưa ra một số gợi ý.

LỢI SUẤT CÁC KÊNH ĐẦU TƯ NĂM 2023

Tiền gửi tiết kiệm: Kênh tiền gửi tiết kiệm ngân hàng được ưa thích trong năm 2023. Theo NHNN (1/2024), năm 2023, tiền gửi của hệ thống ngân hàng khá cao (14%) so với cuối năm 2022, và cao nhất trong giai đoạn 4 năm gần đây. Tiền gửi tiết kiệm được ưa thích trong năm 2023 vì: Kinh tế năm 2023 còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp và người dân lựa chọn kênh này như một biện pháp đầu tư an toàn để sinh lời. Một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản khá trầm lắng, tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái còn nhiều quan ngại rủi ro.

Lãi suất huy động có xu hướng giảm mạnh trong năm 2023, cho thấy khả năng sinh lời đối với kênh tiết kiệm giảm xuống. Với việc hạ lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất tiền gửi kết hợp cầu tín dụng còn ở mức thấp trong 11 tháng đầu năm 2023, lãi suất huy động đã có xu hướng giảm khá sâu. Đến cuối năm 2023, lãi suất huy động giảm khoảng 2,5-3%/năm so với đầu năm và ở mức khá thấp (kỳ hạn 6 tháng ở mức 3,2-5,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,7-5,7%/năm).

Đầu tư bất động sản: Kênh đầu tư bất động sản tương đối trầm lắng, do cung - cầu vẫn vẫn ở mức thấp trong khi giá bất động sản giảm không đáng kể (trừ một số dự án, sản phẩm cụ thể) trong năm 2023. Giá bất động sản có xu hướng giảm tại phân khúc chủ đạo, làm khả năng sinh lời từ thị trường bất động sản ở mức thấp.

Nửa đầu năm 2023, giá giao dịch thứ cấp căn hộ chung cư có xu hướng giảm từ 2-6% so với cùng kỳ năm trước; giá biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương giảm khoảng 2-5% so với quý trước (theo báo cáo của Bộ Xây dựng, 7/2023).

Nửa cuối năm 2023, thị trường bất động sản có dấu hiệu tích cực hơn, giá căn hộ chung cư tăng nhẹ do nguồn cung căn hộ còn khan hiếm, trong khi giá nhà ở thấp tầng và phân khúc khác giảm từ 10-20% (theo Báo cáo Bộ Xây dựng, 12/2023). Trong khi khối lượng giao dịch ở mức thấp, giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ chiếm tỷ trọng thấp hơn so với giao dịch đất nền, kéo theo mức sinh lời từ thị trường bất động sản ở mức thấp. Riêng đối với đầu tư bất động sản khu công nghiệp, giá thuê vẫn tăng từ 7-10% so với năm trước.

Thị trường chứng khoán:trong năm 2023, chỉ số VN-Index tăng 12,2%, chỉ số HNX Index tăng 12,5% so với cuối năm trước, mức tương đối tốt so với các nước và khu vực khác. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm khi giá trị giao dịch bình quân năm 2023 giảm 12,9% so với bình quân năm 2022.

Điều này cho thấy dù thị trường hồi phục song tâm lý nhà đầu tư vẫn còn e ngại khi nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như thị trường TPDN, bất động sản chậm hồi phục, xuất khẩu gặp khó khăn, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nợ xấu gia tăng… Tuy vậy, một số ngành kinh tế có giá cổ phiếu tăng trưởng tốt trong năm 2023 như chứng khoán, sản xuất thép và sản phẩm thép, dầu khí…

Năm 2023, thị trường TPDN vẫn trầm lắng, giá trị phát hành TPDN ở mức thấp, và đang có dấu hiệu hồi phục dần. Năm 2023, giá trị phát hành TPDN ở mức 311.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, lãi suất TPDN bình quân tăng nhẹ so với năm 2022.

Theo số liệu MBS tháng 12/2023, lãi suất TPDN bình quân trong năm 2023 đạt 8,3%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022. Điểm đáng lưu ý là Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 của Chính phủ hết hiệu lực một số nội dung từ 1/1/2024; theo đó, sẽ tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân.

Thị trường vàng: năm 2023, giá vàng có biến động mạnh thời điểm gần cuối năm, xét giá vàng bán ra có thời điểm tăng mạnh 15% so với đầu năm, nhưng tính cả năm chỉ tăng 5% so với đầu năm. Biến động mạnh phần lớn là do nguồn cung vàng SJC bị hạn chế.

Tuy nhiên, ngay sau thông điệp từ NHNN về sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường vàng và dự kiến sửa đổi Nghị định 24/2012 ngay trong tháng 1/2024, giá vàng SJC đã điều chỉnh mạnh, giảm 5 - 6 triệu đồng/lượng ngay trong tháng 12/2023.

TRIỂN VỌNG CÁC KÊNH ĐẦU TƯ NĂM 2024

Tiền gửi tiết kiệm: Thời điểm này, lãi suất tiết kiệm được dự báo đã chạm đáy. Với triển vọng tín dụng năm 2024 sẽ tăng ở mức cao (khoảng 15% theo định hướng của NHNN), dự báo lãi suất huy động cơ bản sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ khoảng 0,1 – 0,5% trong năm 2024. Theo đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ vẫn ở mức thấp, tương đương với cuối năm 2023. Trong khi quy mô tiền gửi đang ở mức cao, cùng với việc các khoản tiền gửi lãi suất cao và kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) tại các tổ chức tín dụng (TCTD) bắt đầu đáo hạn từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, có thể tạo ra sự chuyển dịch nhất định sang các kênh có lợi suất cao hơn với mức độ rủi ro chấp nhận được.

Đầu tư bất động sản: Dự kiến, ngành bất động sản có thể phục hồi cục bộ (tùy phân khúc) từ nửa cuối năm 2024 do còn gặp nhiều khó khăn như nguồn cung chưa thể tăng nhanh, sức cầu còn yếu, nợ xấu tăng và vấn đề pháp lý chậm giải quyết. Sự chậm trễ trong quy hoạch, thực thi chính sách và phát triển nhà ở xã hội. Tâm lý chờ đợi giảm giá bất động sản vẫn còn và thu nhập chưa tăng nhanh cũng gây áp lực cho thị trường.

Tuy vậy, kỳ vọng bất động sản khu công nghiệp tiếp tục là điểm sáng, bất động sản nhà ở (trong đó có nhà ở xã hội) sẽ phục hồi từ giữa năm 2024. Trong khi bất động sản nghỉ dưỡng, bán lẻ, văn phòng sẽ chậm phục hồi hơn do còn phụ thuộc vào sự phục hồi mạnh của du lịch quốc tế, sự thay đổi trong phương thức bán hàng (thương mại điện tử thay vì mua – bán trực tiếp...)

Tuy nhiên, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Đồng thời, việc các quy định mới tại Luật đất đai 2024, Luật nhà ở 2023, Luật kinh doanh bất động sản 2023…. giúp giá đất ngày càng sát hơn với giá thị trường, trong khi nguồn cung chưa thể tăng nhanh sẽ là những xúc tác khiến giá bất động sản khó giảm thêm nhiều. Thậm chí có thể tăng giá nhẹ ở một số phân khúc vào cuối năm 2024, nên nhà đầu tư có thể tận dụng mức nền thấp hiện nay để mua bất động sản trước khi chốt lời trong nửa cuối năm 2024 hoặc sau này.

Thị trường chứng khoán: đối với năm 2024, thị trường cổ phiếu Việt Nam chịu tác động đan xen của cả các yếu tố tích cực và tiêu cực. Theo dự báo của Bloomberg (1/2024), biên độ VN-Index năm 2024 sẽ từ 822,2 điểm (P/E 11 lần, giảm khoảng 25%) đến 1.318 điểm (P/E 17,5 lần, tăng khoảng 19%).

Theo chúng tôi, khả năng tăng trưởng 15-20% là cao hơn và khả thi. Đồng thời, dự báo năm 2024, thị trường TPDN sẽ tiếp tục cải thiện. Về phía cung, thị trường bất động sản dự báo sẽ hồi phục từ nửa cuối năm 2024, các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh, khiến nhu cầu vốn tăng.

Đồng thời, hiệu ứng từ các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, bao gồm cả việc áp dụng có lộ trình các điều kiện cao hơn đối với thị trường TPDN khi sửa đổi Nghị định 62/2022 tiếp tục tác động tích cực đến thị trường này.

Về phía cầu, lãi suất tiết kiệm đã giảm xuống mức khá thấp, nhà đầu tư cá nhân dần khôi phục niềm tin, chấp nhận rủi ro hơn, có thể sẽ quan tâm hơn tới các kênh đầu tư có mức độ rủi ro cao hơn để hưởng lãi suất cao hơn như TPDN.

Do khoản vay và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn một năm thường dùng làm chuẩn tham chiếu cho TPDN, với dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ (như nêu trên), dự báo lãi suất TPDN cũng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ 0,1 – 0,5% (lên khoảng 8-9%/năm).

Thị trường vàng: Với việc can thiệp của NHNN trong việc sửa đổi Nghị định 24/2012 ngay trong tháng 1/2024, các quy định sẽ giúp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế giảm xuống, thị trường vàng có thể sẽ ổn định hơn. Kết hợp với rủi ro nền kinh tế giảm bớt, vàng sẽ giảm dần thuộc tính trú ẩn an toàn, nên kỳ vọng lợi suất từ hoạt động đầu tư vàng sẽ chững lại, tương đương năm 2023, ở mức 5-7%.

GỢI Ý CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Thứ nhất, cần biết mình là ai. Tức là cần biết "khẩu vị rủi ro" của mình là như thế nào? Thuộc diện nhà đầu tư ngại rủi ro, trung tính, hay ưa thích rủi ro, mạo hiểm để có chiến lược, kênh đầu tư phù hợp.

Thứ hai, chiến lược đầu tư quan trọng luôn là đa dạng hóa các kênh hay danh mục đầu tư, được hiểu là phân chia tiền của vào nhiều loại tài sản khác nhau để giảm thiểu rủi ro. Điều này giúp nhà đầu tư có được mức sinh lời từ nhiều loại tài sản khác nhau và giảm thiểu rủi ro do chúng bù trừ lẫn nhau.

Thứ ba, sử dụng đòn bẩy tài chính một cách vừa phải. Đòn bẩy có thể giúp tăng lợi nhuận và khả năng sinh lời, nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao nếu không được quản lý đúng cách và nhất là khi môi trường lãi suất cao, thanh khoản kém. Việc lựa chọn mức độ đòn bẩy phù hợp với tình hình tài chính, khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn và kiến thức của nhà đầu tư là quan trọng để tránh rủi ro không mong muốn.

Cuối cùng, việc nâng cao kiến thức và hiểu biết về các kênh đầu tư mà nhà đầu tư hướng tới là yếu tố quan trọng. Điều này giúp nhà đầu tư ở thế chủ động, bình tĩnh hơn, hạn chế tâm lý đám đông và có được chiến lược đầu tư, chiến lược "thoái lui" phù hợp.

Đọc tiếp