Ông Nguyễn Việt Quang – Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội sáng 16/3, ông Nguyễn Việt Quang – Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) cho biết, vừa qua, Vinhomes - thành viên của Vingroup đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa.
Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ bổ sung thêm hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương. Đồng thời, Vingroup cũng đang tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, TP HCM và các tỉnh, thành phố khác.
Theo ông Quang, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên qua thực tế triển khai vẫn còn những khó khăn, bất cập.
Thứ nhất là về thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Việt Quang cho biết, số lượng thủ tục nhà ở xã hội hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án nhà ở xã hội từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm.
Thứ hai là về cơ chế ưu đãi đối với các hạng mục thương mại dịch vụ trong phạm vi dự án nhà ở xã hội. Phó chủ tịch Vingroup cho rằng, để dự án nhà ở xã hội thực sự là các khu đô thị hiện đại, văn minh, đầy đủ tiện ích nhằm nâng cao cuộc sống của người dân thì bên cạnh nâng cao chất lượng cần xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ phục vụ người dân.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xây dựng các công trình hạng mục này chưa rõ ràng. Nếu chủ đầu tư thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình này thì dễ dẫn đến tăng chi phí, tăng giá bán nhà ở xã hội.
Thứ ba là về xuất vốn đầu tư nhà ở xã hội. Theo ông Quang, xuất vốn đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng hiện đang thấp hơn so với xuất vốn đầu tư cho nhà ở thương mại. Trong khi đó, chi phí và xuất vốn đầu tư thực tế của nhà ở thương mại đang cao hơn xuất vốn đầu tư theo quy định. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhà ở xã hội và khó khăn về doanh thu cho nhà đầu tư do việc xác định giá bán phải dựa trên cơ sở xuất vốn đầu tư.
Thứ tư là về nguồn vốn cho việc đầu tư xây dựng, mua, thuê nhà ở xã hội. Ông Quang cho rằng thực tế việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng cũng như để thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay còn cao. Đối với chủ đầu tư, mức lãi suất 8%/năm, khách hàng mua nhà ở xã hội 7,5%/năm.
Để có thể thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án đầu tư nhà ở xã hội và giảm giá bán nhà ở xã hội, đại diện Vingroup đề xuất Chính phủ xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Xem xét ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.
Xem xét điều chỉnh lại suất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế.
Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay để đầu tư xây dựng cũng như để mua, thuê nhà ở xã hội.