Quan chức EU cảnh báo Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân nếu 'bị dồn vào thế bí'

chiến sự Nga – Ukraine
10:51 - 25/09/2022
Nga thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ảnh: AP
Nga thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo khối nên xem xét nghiêm túc tình huống Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời nhận định cuộc khủng hoảng tại Ukraine nên được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao. 

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 24/9, ông Josep Borell, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu lực lượng của Nga "bị dồn vào thế bí" ở Ukraine.

Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell. Ảnh: AP

Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell. Ảnh: AP

"Đó là thời điểm nguy hiểm vì quân đội Nga đã bị dồn ép vào thế khó, trong khi Tổng thống Putin đã cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Borrell nói thêm.

Theo RT, tuyên bố của ông Borrell về việc quân đội Nga bị dồn ép có thể liên quan tới diễn biến trên chiến trường khi Ukraine tung đòn phản công và giành kiểm soát lại một phần lớn khu vực Kharkov hồi đầu tháng này.

Tuy nhiên, Moscow cho biết, Ukraine đã triển khai lượng quân số đông hơn Nga và chấp nhận chịu thương vong cao hơn để giành lợi thế. Trong khi đó, lực lượng quân đội Nga và lực lượng ly khai đã chủ động rút lui để tránh tổn thất nặng nề.

Sau cuộc phản công của Kiev, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này đã ký sắc lệnh tổng động viên một phần, cho phép nước này huy động khoảng 300.000 quân nhân dự bị tới chiến trường. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết con số này chỉ chiếm hơn 1% so với tiềm năng huy động của đất nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Ông Putin cũng cảnh báo rằng: “Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ người dân". Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, tuyên bố trên "không phải lời nói suông".

"Khi người ta đã nói rằng đây không phải là lời nói suông, thì bạn phải nhìn nhận họ một cách nghiêm túc", ông Borrell cảnh báo.

Nhà ngoại giao EU này từng tuyên bố, thắng - bại trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine "sẽ định đoạt trên chiến trường". Tuy nhiên, giờ đây ông thừa nhận cuộc khủng hoảng này sẽ cần đạt được giải pháp về ngoại giao, nhưng phải "đảm bảo điều kiện bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Trong diễn biến liên quan, 4 vùng lãnh thổ Ukraine gồm hai tỉnh ở Donbass (gồm Donetsk, Lugansk), Kherson và Zaporizhzhia đang đồng loạt tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý từ ngày 23/9 - 27/9 về việc sáp nhập vào Nga và kết quả sơ bộ sẽ có vào ngày 28/9.

Tổng thống Putin tuyên bố, mục tiêu chính của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là “giải phóng khu vực Donbass”. Moscow sẽ sẽ ủng hộ kết quả trưng cầu dân ý tại các vùng này, đồng thời làm tất cả để đảm bảo điều kiện an toàn cho quá trình bỏ phiếu để người dân có thể nói lên nguyện vọng của mình.

4 vùng lãnh thổ Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. Ảnh: Al Jazeera

4 vùng lãnh thổ Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. Ảnh: Al Jazeera

Tuy nhiên, kế hoạch trưng cầu dân ý tại 4 vùng trên đã vấp phải sự phản đối của Ukraine và các nước phương Tây. Kiev chỉ trích đây là những cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp và dàn dựng, đồng thời cảnh báo có thể “dùng vũ lực” để giải quyết vấn đề và sẽ tiếp tục giải phóng lãnh thổ của mình. Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ không công nhận kết quả trưng cầu, đồng thời cảnh báo áp thêm lệnh trừng phạt Nga.

Giới quan sát nhận định, nếu sáp nhập thành công các vùng lãnh thổ ly khai ở Ukraine, Moscow có thể tuyên bố các cuộc tấn công của Ukraine vào những khu vực này là tấn công vào lãnh thổ và cơ sở hạ tầng Nga. Khi đó, Moscow có thể sử dụng mọi biện pháp tự vệ để đảm bảo an toàn cho Donbass.

Tuy nhiên, giới chức Nga cũng nhiều lần nhấn mạnh chiến tranh hạt nhân “không bao giờ được phép xảy ra” và tuyên bố nước này luôn tuân thủ tinh thần và nội dung của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.