Quan chức EU: 'Chính quyền Palestine nên quản lý Dải Gaza hậu xung đột'

XUNG ĐỘT Israel - Hamas
08:56 - 21/11/2023
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell. Ảnh: AFP
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) nhận định rằng việc thành lập một Nhà nước Palestine sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh của Israel và Chính quyền Palestine (PA) nên là bên quản lý Dải Gaza sau khi cuộc chiến kết thúc. 

Theo AFP, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell ngày 20/11 đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng từ 27 quốc gia EU sau khi thực hiện chuyến công du Trung Đông để thảo luận về cuộc xung đột Israel - Hamas.

Tại cuộc họp, ông Borrell nói đã rút ra "một kết luận chính trị cơ bản" từ các cuộc thảo luận của mình trên toàn khu vực. "Tôi nghĩ rằng sự đảm bảo tốt nhất cho an ninh của Israel là thành lập một nhà nước Palestine", ông cho biết trong văn bản tóm tắt về cuộc họp ngoại trưởng EU.

Binh sĩ Israel ngồi trên xe bọc thép tại khu vực biên giới phía nam Israel với Dải Gaza, ngày 20/11. Ảnh: AFP ảnh 1

Binh sĩ Israel ngồi trên xe bọc thép tại khu vực biên giới phía nam Israel với Dải Gaza, ngày 20/11. Ảnh: AFP

Về dài hạn, nhà ngoại giao EU khẳng định rằng Israel không nên chiếm lấy Dải Gaza sau khi cuộc xung đột hiện tại giữa quân đội nước này và lực lượng Hamas kết thúc, mà quyền kiểm soát lãnh thổ nên được chuyển giao cho Chính quyền Palestine.

"Bất chấp những thách thức to lớn, chúng ta phải nâng cao những suy nghĩ của mình về sự ổn định của Gaza và nhà nước Palestine trong tương lai", ông nói.

Trong ngắn hạn, ông Borrell nói rằng tình hình nhân đạo tuyệt vọng ở Gaza đang trở nên ngày càng cấp bách. "Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi tạm dừng nhân đạo ngay lập tức là một bước tiến lớn, nhưng chúng ta phải đảm bảo thực hiện nhanh chóng", ông nhấn mạnh.

Cũng trong bản tóm tắt, người đứng đầu chính sách đối ngoại EU đã nêu ra một mối lo ngại lớn khác là khả năng xảy ra xung đột, làm bùng phát thêm tình hình bất ổn ở Bờ Tây và kéo theo các chủ thể khác ở Trung Đông.

"Trong bối cảnh bạo lực của những những người cực đoan và người định cư chống lại người Palestine ngày càng gia tăng, có nguy cơ thực sự là tình hình có thể leo thang. Các báo cáo về một con tàu bị lực lượng Houthis cướp là một tín hiệu đáng lo ngại khác về nguy cơ lan rộng ra khu vực", ông Borrells nói.

Nhà ngoại giao này đã đề cập đến sự việc lực lượng Houthi ở Yemen đã khống chế một tàu chở hàng có liên quan tới Israel trên Biển Đỏ và bắt 25 thuyền viên làm con tin. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột Hamas - Israel đã lan rộng sang mặt trận hàng hải.

Giới chức Israel chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của nhà ngoại giao hàng đầu EU.

Trước đó, trong một bài bình luận trên tờ Washington Post ngày 18/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Chính quyền Palestine (PA) cuối cùng nên là bên quản lý an ninh cả Dải Gaza và Bờ Tây sau khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas kết thúc.

Người Palestine xếp hàng chờ mua bánh mì từ một tiệm bánh trong bối cảnh thiếu lương thực ở Khan Younis, Gaza, ngày 17/11. Ảnh: Reuters ảnh 2

Người Palestine xếp hàng chờ mua bánh mì từ một tiệm bánh trong bối cảnh thiếu lương thực ở Khan Younis, Gaza, ngày 17/11. Ảnh: Reuters

Ông Biden nêu rõ: "Người dân Palestine xứng đáng có được một Nhà nước của riêng mình và một tương lai không có Hamas". Ông cho rằng giải pháp hai Nhà nước là "cách duy nhất để đảm bảo an ninh lâu dài cho cả người dân Israel và Palestine" và là điều cấp thiết trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

"Gaza không bao giờ được phép sử dụng làm nền tảng cho chủ nghĩa khủng bố. Không được phép cưỡng bức di dời người Palestine khỏi Gaza, không được tái chiếm, không bao vây hoặc phong tỏa và không được thu hẹp lãnh thổ. Và sau khi cuộc chiến này kết thúc, tiếng nói của người dân Palestine và nguyện vọng của họ phải là trung tâm của việc quản lý Gaza thời hậu khủng hoảng", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế "phải cam kết nguồn lực để hỗ trợ người dân Gaza ngay sau cuộc khủng hoảng này, bao gồm các biện pháp an ninh tạm thời và thiết lập cơ chế tái thiết để đáp ứng bền vững nhu cầu lâu dài của Gaza".

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay sau đó đã lên tiếng phản đối đề xuất của Tổng thống Mỹ về việc nên để Chính quyền Palestine quản lý Dải Gaza. "Tôi nghĩ rằng Chính quyền Palestine với hình thức hiện tại - không có khả năng chịu trách nhiệm về Gaza", ông nói.

Trước đó, ông Netanyahu đã từng tuyên bố rằng Israel phải duy trì "trách nhiệm an ninh tổng thể" đối với Gaza trong một khoảng thời gian "không xác định" và sẽ không giao trách nhiệm này cho “các lực lượng quốc tế”. Ông cũng đã từ chối việc Chính quyền Palestine sẽ trở lại Gaza.

Theo báo cáo của Cơ quan Y tế Gaza, tính đến ngày 20/11, có 13.000 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc chiến bắt đầu nổ ra hôm 7/10, trong đó có ít nhất 5.500 trẻ em và 3.500 phụ nữ.

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng 2,3 triệu người dân Gaza đang thiếu lương thực và nước uống trầm trọng, đồng thời cho biết lượng nhiên liệu được cung cấp chỉ bằng một nửa nhu cầu tối thiểu hàng ngày.

Israel đã phản đối lời kêu gọi ngừng bắn trừ khi một số lượng đáng kể trong số 240 con tin bị Hamas bắt giữ hôm 7/10, bao gồm tất cả phụ nữ và trẻ em, được thả tự do. Israel cũng lo ngại rằng việc tạm dừng giao tranh kéo dài sẽ cho phép Hamas và các nhóm vũ trang khác tập hợp lại và chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu tiếp theo để chống lại quân đội nước này.

Tin liên quan

Đọc tiếp