Khu phố thương mại trung tâm của Bãi Cháy tan hoang sau bão số 3, ngày 8/9. Ảnh: CTTĐT Quảng Ninh |
Số liệu được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương về khắc phục hậu quả bão số 3 diễn ra sáng 15/9.
Theo thống kê, tỉnh có 25 người thiệt mạng, 1.609 người bị thương. Các cơ sở hạ tầng về điện, viễn thông, đô thị, kết cấu khu công nghiệp cũng thiệt hại nghiêm trọng. Hơn 100.000 nhà dân bị tốc mái, hơn 200 nhà bị đổ sập, nhiều nhà dân bị ngập.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng thiệt hại nặng nề với hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại, có 7.500 ha lúa bị đổ ngập, hơn 400.000 gia cầm bị chết và cuốn trôi, 90.000 ha rừng bị thiệt hại.
Về khắc phục, Quảng Ninh đã tập trung vào tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; huy động sự vào cuộc của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức để hỗ trợ người dân thu dọn, vệ sinh môi trường. Đến nay đã cứu hộ thành công 111 người bị trôi dạt ở vùng biển; trục vớt 165 phương tiện tàu thuyền bị đắm chìm, trong đó có nhiều tàu nuôi cá, tàu vận tải…
Sau bão, 99% mạng phụ tải điện bị mất điện, hạ tầng mạng viễn thông hư hại nặng nề. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), các công ty viễn thông, đến nay 70% phụ tải có điện, gần 100% hạ tầng viễn thông được khôi phục lại.
Song song việc khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh cũng đã khôi phục lại kinh tế - xã hội. Toàn bộ ngành than, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã trở lại hoạt động bình thường. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã thông quan trở lại từ ngày 9/9/2024.
Một số cơ sở lưu trú, cơ sở du lịch đã hoạt động trở lại và mở cửa đón khách du lịch. Trong 2 ngày (12 và 13/9), tỉnh đã đón gần 10.000 khách du lịch, trong đó có khoảng 7.000 khách du lịch quốc tế.
Tỉnh cũng đang xây dựng kịch bản phát triển kinh tế. Dự báo năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3, GDP của Quảng Ninh sẽ giảm khoảng 0,5-0,6% nhưng tỉnh cam kết sẽ điều hành, điều chỉnh kinh tế để làm sao năm 2024 tốc độ tăng trưởng vẫn đạt hai con số.
Để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão, Quảng Ninh kiến nghị nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng thủy sản; bổ sung thêm ngành du lịch, dịch vụ, thương mại dịch vụ, công nghiệp về khoanh nợ, giãn nợ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần có chính sách giảm lãi suất, được vay vốn với các hộ nuôi trồng thủy sản và trồng rừng để khôi phục sản xuất; đề nghị tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp nông trường, trồng rừng để dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng…
Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị sáng 15/9. Ảnh: CTTĐT Quảng Ninh |
Tại hội nghị, các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 3 cũng đã có báo cáo về thiệt hại và khắc phục hậu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn nhất về người và tài sản từ trước đến nay của tỉnh Lào Cai. Tính đến 6h ngày 15/9, Lào Cai có 252 người thiệt mạng, mất tích và bị thương, nhiều ngôi nhà bị sạt lở, ngập nước, hư hỏng; hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm kiếm được 119 thi thể, tổ chức bàn giao nạn nhân về gia đình, tập trung tìm kiếm 48 người còn mất tích và cứu chữa cho 100 người đang bị thương tại các bệnh viện huyện, tỉnh. Các hộ dân nhà bị ngập lụt nhẹ đã cơ bản ổn định chỗ ở. Các hộ bị sập nhà, nhà ngập nặng được bố trí chỗ ở tạm và được cung cấp đầy đủ nước uống, nhu yếu phẩm.
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng, Lào Cai đã cùng Quỹ Tấm lòng Việt quyết tâm tái thiết thôn Làng Nủ và thôn Nậm Công. Tập trung mọi lực lượng rà soát lại những nơi bị sạt lở; huy động lực lượng hỗ trợ nơi khó khăn, nhất là Bảo Yên và Bắc Hà; hoàn thành thông tin liên lạc và điện, quyết tâm trong tháng 9 này toàn bộ xã, thôn, bản Lào Cai sẽ thông được thông tin liên lạc và điện sinh hoạt.
Hiện tỉnh còn 77/598 điểm trường, chiếm hơn 12% chưa thể tổ chức dạy học. Tỉnh kiến nghị Thủ tướng quyết định những việc làm ngay, đặc biệt trong 3 lĩnh vực là trường học, khu tái định cư và giao thông kết nối…
Thiệt hại do bão số 3 ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng Với thiệt hại của bão số 3 khoảng 40.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước trong năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tính 6,8-7%. |
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, đến ngày 15/9, trong số 58 người thiệt mạng và mất tích tại Cao Bằng, lực lượng chức năng tỉnh đã tìm được 55 thi thể, 16 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng.
Hiện Cao Bằng đang nỗ lực tìm kiếm 3 nạn nhân còn lại với phạm vi rộng hơn; cùng với đó là tập trung vào ổn định chỗ ở cho các hộ dân bị mất nhà, tìm địa điểm tái định cư. Lực lượng quân đội, công an đã dựng nhà tạm cho các hộ dân. Dự kiến, tới trước ngày 31/12, tỉnh sẽ bảo đảm ổn định cuộc sống người dân.
Cao Bằng kiến nghị Bộ GTVT sớm có giải pháp khắc phục hai tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 3 và 34; Bộ TN&MT, Bộ KH&CN nghiên cứu làm sao lắp đặt được biển quan trắc phòng tránh sớm ở các huyện.
Chủ tịch UBDN tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, hiện các lực lượng cứu hộ của tỉnh đã tiếp cận được tất cả các trường hợp, đồng thời tiếp tế nhu yếu phẩm, nước sạch đầy đủ. Tỉnh cũng đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời đối với nhiều gia đình bị sập đổ nhà hoàn toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng khẩn trương bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc; tập trung vệ sinh thu gom rác thải sau mưa lũ; triển khai các khu tái định cư, phấn đấu hoàn thành nhà cho người dân trong năm 2024; muộn nhất 18/9 các điểm trường sẽ quay trở lại hoạt động bình thường.
Phân bổ 50 tỷ đồng ngân sách khắc phục hậu quả lũ lụt tại Yên Bái |
Hỗ trợ khẩn cấp 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai |
Thủ tướng: Khôi phục sản xuất kinh doanh, phấn đấu GDP cả năm khoảng 7% |