Cầu Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Khắc Hào

Quy hoạch Cần Thơ: Các phương án hạ tầng và 5 trục động lực phát triển

QUY HOẠCH CẦN THƠ
11:12 - 19/12/2023
Quy hoạch Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 14 khu công nghiệp tại các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 7.473 ha, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp hỗ trợ.

Sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, tổng sản phẩm trên địa bàn trong giai đoạn 2004 - 2010 (GDP - giá so sánh 1994) tăng bình quân 15,18%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP giai đoạn 2011 - ước năm 2023 tăng bình quân 5,64%.

Cần Thơ hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) ước năm 2023 đạt 94,74 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.

Trong giai đoạn 2004 - 2023, Cần Thơ cấp mới đăng ký doanh nghiệp cho 22.445 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 153.012 tỷ đồng. Thực hiện cấp mới 125 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.706 triệu USD.

MỤC TIÊU THÀNH PHỐ SINH THÁI, PHÁT TRIỂN KHÁ Ở CHÂU Á

Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt sẽ là "kim chỉ nam" để Thành phố bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo.

Quy hoạch xác định đến năm 2030, Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.

Vẻ đẹp mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL. Ảnh minh họa: Nguyễn Khắc Hào
Vẻ đẹp mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL. Ảnh minh họa: Nguyễn Khắc Hào

Về công nghiệp, Cần Thơ xác định phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ... theo hướng hiện đại, bền vững.

Thành phố sẽ đẩy nhanh việc hoàn thành các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thới Lai - Cờ Đỏ; đô thị - công nghiệp - cảng - logistics Thốt Nốt; trung tâm năng lượng, công nghiệp - công nghệ cao Ô Môn; thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An. Định hướng phát triển mới hệ thống đường ống dẫn khí phục vụ cho các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Cần Thơ sẽ từng bước di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ven sông Hậu tạo quỹ đất để phát triển đô thị và các dịch vụ chất lượng cao; di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp.

Về nông nghiệp và thủy sản, Cần Thơ định hướng phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, thu hút các doanh nghiệp chiến lược đầu tư kinh doanh vào Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Về thương mại - dịch vụ, Cần Thơ phấn đấu trở thành trung tâm phân phối của vùng ĐBSCL; phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thương mại điện tử, hình thành các trung tâm thương mại cấp vùng. Các dịch vụ được ưu tiên phát triển là logistics, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, vui chơi giải trí...

Sân bay Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Khắc Hào

Sân bay Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Khắc Hào

XÂY DỰNG TRUNG TÂM LOGISTICS CHUYÊN DỤNG HÀNG KHÔNG

Về phương án phát triển các khu chức năng, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 14 khu công nghiệp thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 7.473 ha. Tiếp tục nghiên cứu, mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn quận Bình Thủy, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh, khoảng 300 ha.

Mở rộng và phát triển mới các khu du lịch, dự kiến tại các quận, huyện của thành phố, chú trọng đầu tư khai thác hiệu quả dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí để tạo các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, với tổng diện tích khoảng 720 ha.

Bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi để nâng cao hiệu quả phát triển tổng hợp, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL với diện tích khoảng 250 ha tại quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ.

Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng, Cần Thơ sẽ xây dựng mới tuyến đường liên tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) và cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu. Nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 91 đoạn Km0 - Km7 trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C (đoạn trên địa bàn thành phố Cần Thơ).

Cầu Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Khắc Hào

Cầu Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Khắc Hào

Xây dựng các cảng thủy nội địa hàng hóa lớn, trọng điểm trên sông Hậu, kênh Xà No, kênh Cái Sắn, sông Ô Môn, kênh Thị Đội - Ô Môn; các cảng thủy nội địa hành khách lớn, trọng điểm trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác. Hình thành các tuyến buýt đường thủy gắn với các cảng, bến trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác.

Định hướng xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và hệ thống nhà ga có hướng tuyến cơ bản bám theo các trục đường Vành đai phía Tây thành phố, quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ Nam Sông Hậu, …; phát triển các tuyến xe điện mặt đất trên các tuyến đường đô thị khi đủ điều kiện cho phép.

Xây dựng nút giao thông công cộng (TOD) và logistics đường sắt gắn với nhà ga Cần Thơ của tuyến đường sắt TP HCM - TP Cần Thơ.

Xây dựng trung tâm logistics chuyên dụng hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.

Phát triển các sân bay và vùng nước dành cho thủy phi cơ trên sông Hậu tại các khu vực có tiềm năng về du lịch trên địa bàn các quận: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt.

Xây dựng các trung tâm logistics gắn với cảng biển Cần Thơ; xây dựng các cảng cạn tại các khu công nghiệp Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh, khu công nghiệp Cờ Đỏ - Thới Lai và các khu công nghiệp khác trên địa bàn thành phố, kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ và cảng biển Cần Thơ.

HÀNH LANG VỮNG CHẮC CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THÀNH PHỐ

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ sáng 10/12/2023, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, quy hoạch TP Cần Thơ với tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm.

Ông Trần Việt Trường khẳng định, Quy hoạch sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai; là nền tảng để tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế để Cần Thơ trở thành “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam”.

Để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra theo Quy hoạch, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng chính quyền và nhân dân thành phố. Lãnh đạo Cần Thơ cũng cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất “để biến ý tưởng khả thi của các nhà đầu tư và các mục tiêu trong Quy hoạch sớm trở thành hiện thực”.

Đọc tiếp