Rạng Đông và câu chuyện hồi sinh từ bờ vực phá sản

Rạng Đông và câu chuyện hồi sinh từ bờ vực phá sản

Rạng Đông CHUYỂN ĐỔI SỐ
05:15 - 09/05/2022

Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, cao Sao Vàng, diêm Thống Nhất, xe đạp Thống Nhất, xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan… đều là những sản phẩm thuần Việt đình đám một thời. Tuy nhiên giữ được thương hiệu đến nay và vẫn phổ rộng trên thị trường nội địa thì có lẽ chỉ còn Rạng Đông.

Dù chiếc bóng đèn, chiếc phích nước không còn "đình đám" như xưa nhưng tên tuổi Rạng Đông không thay đổi, hơn nữa còn ngày càng vươn xa ra quốc tế. Tất nhiên để có được kết quả đó, doanh nghiệp đã phải trải qua không ít sóng gió, gập ghềnh.

CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán RAL) có tiền thân là Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, được xây dựng năm 1958. Đây là một trong 13 nhà máy đầu tiên được thành lập theo quyết định của Chính phủ. Những năm 60-80 của thế kỷ trước, người tiêu dùng, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc không xa lạ gì với phích nước, bóng đèn tròn, bóng đèn huỳnh quang, đèn pha ô tô (phục vụ kháng chiến) mang thương hiệu Rạng Đông. Đây cũng chính là thời kỳ hoàng kim của thương hiệu này khi không có đối thủ cạnh tranh.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Rạng Đông năm 1964.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Rạng Đông năm 1964.

Tuy nhiên, từ sau năm 1986, khi Việt Nam mở cửa thị trường, làn sóng hàng ngoại ồ ạt tràn vào đã khiến Rạng Đông gặp khó. Không cạnh tranh được với bóng đèn, phích nước giá rẻ từ Trung Quốc, thương hiệu Rạng Đông mất dần thị trường. Trong khi đó, một mặt hàng chủ lực là đèn pha ô tô vốn sản xuất để phục vụ cho kháng chiến cũng không còn “đất dụng võ”. Công ty liên tục làm ăn thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc 6 tháng.

Năm 1990, tài khoản tại ngân hàng của công ty bị phong tỏa, tài chính liên tục gặp khó khăn, hàng nghìn công nhân không có việc làm, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. Lịch sử Rạng Đông cũng ghi lại rằng đây chính là giai đoạn công ty đứng bên bờ vực phá sản.

Chiếc phích nước Rạng Đông gắn bó với bao thế hệ gia đình Việt.

Chiếc phích nước Rạng Đông gắn bó với bao thế hệ gia đình Việt.

Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng giám đốc Rạng Đông, có hai bí quyết quan trọng để Rạng Đông vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đó là cải tiến dây chuyền sản xuất và đầu tư phát triển năng lực công nghệ.

Một mặt, công ty tổ chức lại sản xuất, tái sắp xếp lao động, thực hiện hạch toán nội bộ, tinh giản bộ máy và thay đổi cơ chế điều hành. Mặt khác, Rạng Đông dần thay thế các dây chuyền cũ thủ công bằng dây chuyền tự động hóa để nâng cao năng xuất, như dây chuyền huỳnh quang hiện đại, lò thủy tinh Hungary, máy thổi bóng P25, dây chuyền ruột phích mới và dây chuyền sản xuất đầu đèn huỳnh quang Hàn Quốc…

Chiến lược đổi mới đã mang lại hiệu quả khi từ chỗ kinh doanh thua lỗ, năm 2000, Rạng Đông đánh dấu mức doanh thu 203,3 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 12 tỷ đồng. Nhận thấy vai trò của công nghệ trong việc cải tiến sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường, năm 2011, công ty tiếp tục đầu tư mạnh hơn với việc thành lập Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông (LRDC RAL), tập hợp các chuyên gia khoa học, kỹ sư về nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng ở Việt Nam. LRDC RAL tập trung phát triển nghiên cứu các công nghệ quan trọng như nguồn sáng led, cao áp (HID) thế hệ mới, các bộ sản phẩm chuyên dụng mũi nhọn trên thị trường như compact, huỳnh quang.

Sản phẩm đa dạng, hiện đại, đáp ứng kịp xu thế tiêu dùng giúp kết quả kinh doanh của Rạng Đông ngày càng khởi sắc. Năm 2012, công ty lần đầu cán mốc lợi nhuận 100 tỷ đồng, năm 2017 vọt lên mức 271 tỷ đồng. Sự “hồi sinh” từ bờ vực phá sản khiến Rạng Đông trở thành một hiện tượng đặc biệt về doanh nghiệp nhà nước hậu cổ phần hoá, đã có nhiều hội thảo nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm.

Khó khăn lại tiếp tục thử thách Rạng Đông. Đó là khi vụ cháy nghiêm trọng tại nhà máy Hạ Đình (Hà Nội) xảy ra hồi tháng 8/2019. Thiệt hại từ vụ cháy này khiến Rạng Đông lỗ ròng gần 36 tỷ đồng trong quý IV năm 2019. Trong khi đó, lần gần nhất thương hiệu này thua lỗ trong một quý đã diễn ra từ năm 2008. Theo ước tính, số thiệt hại tài sản do vụ cháy vào khoảng 150 tỷ đồng, dưới 5% tổng tài sản. Lỗ ròng trong quý IV cũng khiến kết quả kinh doanh cả năm 2019 của công ty không đạt kế hoạch đặt ra trước đó.

Dư chấn của vụ cháy qua đi chưa lâu thì đại dịch Covid-19 lại ập đến. Khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ do đứt gãy chuỗi cung ứng là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp chủ chốt về tiêu thụ sản phẩm như Rạng Đông. Để giải quyết khó khăn này, ban lãnh đạo công ty đã quyết định đẩy mạnh hơn chiến lược chuyển đổi số đã được chuẩn bị từ năm 2019.

Bên cạnh Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chiếu sáng được thành lập từ 2011, năm 2020, Rạng Đông thành lập thêm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ kỹ thuật số, Trung tâm nghiên cứu phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại (C4LED) giúp đóng góp tích cực và tái cấu trúc chiến lược sản phẩm, phát triển hệ sinh thái sản phẩm 4.0.

Bên cạnh đó là 8 đội thực thi đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm mới, tổ chuyên gia tư vấn, ban chuyển đổi số, đối tác công nghệ cùng hợp tác phát triển các hệ sinh thái smart lighting (FPT, VNPT, Viettel), hệ thống quản trị tri thức, hệ thống lắng nghe thị trường… Đáng chú ý, những năm qua, Rạng Đông đã dành tới 20% lợi nhuận sau thuế cho hoạt động nghiên cứu & phát triển khoa học kỹ thuật.

Chuyển đổi số giúp Rạng Đông nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chuyển đổi số giúp Rạng Đông nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, chỉ trong 2 năm 2020-2021, Rạng Đông giới thiệu ra thị trường 86 sản phẩm chiếu sáng mới từ hệ sinh thái 4.0, phục vụ mục đích dân dụng, sản xuất, kinh doanh, công nghiệp và phát triển mô hình đường phố thông minh. Hệ sinh thái sản phẩm 4.0 này đã được vinh danh tại nhiều lễ trao giải uy tín như “Thành phố thông minh Việt Nam 2020”, “Thành phố thông minh Việt Nam 2021”, “Sao Khuê 2021” (cấp độ xuất sắc).

Kết quả kinh doanh cũng cải thiện rõ rệt. Năm 2020, năm đầu tiên tiến hành chuyển đổi số, Rạng Đông tăng trưởng doanh thu 15,6% so 2019, lợi nhuận sau thuế tăng 168%. Năm 2021 mức tăng trưởng doanh thu là 16% còn lợi nhuận tăng 18%. Quý 1/2022, doanh thu và lợi nhuận của Rạng Đông cũng duy trì đà tăng trưởng 2 con số, lần lượt vượt 16,3% và 16,6% so với cùng kỳ 2021.

Lãnh đạo công ty từng thẳng thắn thừa nhận, nếu cứ giữ mô hình cũ thì mức tăng trưởng của Rạng Đông chỉ khoảng 5 - 10% mỗi năm, trong khi khoảng cách tụt hậu của chúng ta so với 3 nước hàng đầu ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan) còn rất xa, chưa nói so với các nước phát triển. Chỉ với chuyển đổi số - mô hình tăng trưởng cấp số nhân, mới hy vọng chúng ta đuổi kịp.

Giai đoạn 2022-2023, Rạng Đông tiếp tục cụ thể hóa chiến lược chuyển đổi số theo 4 định hướng: Thực hiện mô hình tăng trưởng bằng giá trị theo chuỗi giá trị I - 4.0; xây dựng Rạng Đông thành công ty công nghệ cao; tham gia các chuỗi giá trị, hệ sinh thái của những tập đoàn khu vực và thế giới; mở rộng thị trường hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ - 4.0 bằng mô hình kinh doanh lai (hybrid).

Công ty kỳ vọng xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy LED hiện đại “Make in Vietnam” vào năm 2023. Đặt mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số khối sản xuất thực với 70-80% dữ liệu được kết nối, tự động xử lý, phân tích trong hệ thống thống nhất vào năm 2025, tiến đến hoàn thành nhà máy thông minh vào năm 2030.

Song hành với đó là mục tiêu doanh thu năm 2025 tăng 4 lần so với 2019 (17.000 tỷ đồng, tỷ trọng doanh thu xuất khẩu đạt 30 - 50%), tốc độ tăng trưởng hàng năm phải đạt 25 - 27%. Trong 2 năm đầu thực hiện chuyển đổi số, do ảnh hưởng của Covid-19 nên mức tăng trưởng không như kỳ vọng. Song năm 2022, 2023, mục tiêu vẫn giữ như lộ trình chiến lược đã vạch ra là 7.900 tỷ và 10.200 tỷ.

Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá kết quả chuyển đổi số tại Rạng Đông, khi 70% các doanh nghiệp trên thế giới đã thất bại (theo Tony Saldanha) và 90% doanh nghiệp Việt Nam chưa thành công (theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI). Doanh nghiệp vẫn cần nỗ lực hơn nữa, nhất là trong giai đoạn bản lề 2022 – 2023.

Tại hội nghị báo cáo kết quả chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 của Rạng Đông ngày 21/4 vừa qua, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những đánh giá tích cực về việc đầu tư cho khoa học công nghệ của công ty có tuổi đời 60 năm này:

TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam: Rạng Đông là một doanh nghiệp đã sớm nhìn ra vai trò của khoa học công nghệ, sớm thành lập các trung tâm nghiên cứu, sớm tập hợp, quy tụ được các nhà khoa học đầu ngành để nghiên cứu phát triển sản phẩm. Đây là tư duy rất đúng đắn bởi nếu chúng ta không đi trước một bước trong việc phát triển khoa học công nghệ thì sẽ sớm tụt hậu. Thực tế, chuyển đổi số là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất như Rạng Đông khó khăn càng gấp bội. Nhưng bước đầu công ty đã có những thành tựu, cho thấy hướng đi vừa qua là đúng đắn.

TS Phạm Chi Lan: Tôi đến với Rạng Đông từ hơn 10 năm trước. Điều đầu tiên tôi ấn tượng là phòng gặp mặt chuyên gia để nâng cấp, thay đổi sản phẩm. Rạng Đông đã mời được nhóm chuyên gia bên ngoài vào, biến trí tuệ của họ thành sản phẩm, nhờ đó mà có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng và công nghệ sẽ giúp thay đổi từ lượng đến chất. Vì vậy, tôi rất mong muốn các doanh nghiệp như Rạng Đông, chuyển đổi dần từng bước, và quan trọng là thay đổi tư duy, lấy thị trường làm yếu tố chi phối. Như trong nông nghiệp, chúng ta đang dần hướng đến kinh tế nông nghiệp chứ không đơn thuần là sản xuất nông nghiệp nữa.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Nếu trước đây, Rạng Đông là hình ảnh của chiếc bóng đèn, của chiếc phích thì những năm gần đây là câu chuyện về sức sống, thay đổi về chất. Thích ứng linh hoạt, gắn liền với đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp – chuyển đổi số đã giúp Rạng Đông có được thành tựu như hôm nay. Cái mà tôi muốn nhìn thấy ở Rạng Đông trong tương lai là mô hình quản trị phù hợp khi càng lớn lên - tập đoàn, giúp giải quyết được nhiều bài toán, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó là thâu tóm, sát nhập các công ty công nghệ cũng như thêm trụ cột, xây dựng kinh tế tuần hoàn xanh.

Đọc tiếp