Các quy định siết chặt vi phạm nồng độ cồn và sự cạnh tranh từ các đối thủ ngoại đã chặn đứng thế tăng trưởng của Sabeco. Bối cảnh ấy thôi thúc chủ hãng bia gần 150 năm tuổi phải tìm hướng đi mới, hiệu quả và thức thời hơn.
|
Đầu tháng 9 vừa qua, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) chào mua công khai cổ phiếu Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco, mã SBB - sàn UPCoM). Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến chào mua là 37,8 triệu đơn vị, tương ứng 43,2% vốn điều lệ SBB. Nếu thành công, Sabeco sẽ nâng sở hữu tại Sabibeco lên 59,6%, qua đó trở thành công ty mẹ của Bia Sài Gòn Bình Tây. Với giá chào mua 22.000 đồng/cp, doanh nghiệp dự kiến sẽ phải chi hơn 830 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.
Động thái M&A diễn ra trong bối cảnh Sabeco đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong kinh doanh, đặc biệt là sức cầu giảm và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong báo cáo phát hành hồi tháng 8/2024, Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết, giai đoạn 2008 - 2019, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, bình quân 9,4%/năm - cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 0,8%/năm của thế giới. Sau đó, sản lượng tiêu thụ sụt giảm 2 năm liên tiếp (2020 và 2021) bởi ảnh hưởng kép là bùng nổ dịch Covid 19 và Nghị định 100 quy định mức xử phạt nồng độ cồn có hiệu lực từ 1/1/2020.
Sau khi phục hồi tích cực và đạt mức 4,8 tỷ lít vào năm 2022 (cao hơn 5,3% so với năm 2019), tiêu thụ bia năm 2023 lại ghi nhận mức giảm 12,5% so với cùng kỳ, do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu và siết chặt kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100.
Thị phần bia của Sabeco có xu hướng sụt giảm trong giai đoạn 2018 - 2023. |
Theo FPTS, trong giai đoạn 2018 - 2023, thị phần bia của SAB ghi nhận sự sụt giảm mạnh, từ mức 42% năm 2018 xuống mức 33,9% năm 2023 do vấp phải cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp bia nước ngoài. Các hãng bia ngoại như Heineken, Carlsberg... không ngừng nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu và đa dạng danh mục sản phẩm để tiếp cận nhiều tệp khách hàng. Tính đến năm 2023, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm bia cao cấp của Heineken đã tăng từ mức 29,8% năm 2018 lên mức 33,7% trên tổng sản lượng bia tiêu thụ của Việt Nam.
Trong khi đó, danh mục sản phẩm của Sabeco ít đa dạng hơn khi phân khúc bia trung cấp với các dòng sản phẩm lâu đời là 333, Saigon Lager và Saigon Export chiếm bình quân 98% giai đoạn 2018 - 2023. Điều này làm hạn chế việc tiếp cận đa dạng tệp khách hàng khi thị hiếu của người tiêu dùng dần thay đổi theo hướng cao cấp hơn. Mặt khác, việc SAB duy trì tăng giá bán đầu ra để bù đắp cho chi phí sản xuất tăng cao cũng khiến doanh nghiệp đánh mất thị phần.
Thực tế, kết quả kinh doanh của Sabeco giai đoạn 2020 - 2023 cũng trồi sụt theo diễn biến của ngành bia. Tiềm năng tăng trưởng thấp còn được thể hiện trên thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư không còn hứng thú với cổ phiếu SAB, khiến mã liên tục lao dốc từ đầu năm 2023 đến nay. Từng là một trong những cổ phiếu có thị giá ba chữ số trên sàn nhưng thời gian qua, SAB chỉ loay hoay quanh vùng 50.000 - 60.000 đồng/cp.
Sabeco hình thành từ một xưởng bia nhỏ do ông Victor Larue (người Pháp) lập ra tại Sài Gòn năm 1875. Sau gần 150 năm tồn tại và phát triển, từng là "con gà đẻ trứng vàng" của Bộ Công Thương, hãng bia hiện do Công ty TNHH Việt Nam Beverage (thành viên của Tập đoàn ThaiBev - thuộc hệ sinh thái TCC Holdings của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi Thái Lan) điều hành. Doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như bia Sài Gòn, bia 333, bia Lạc Việt, sá xị Chương Dương, rượu Nàng Hương...
ThaiBev đấu giá thành công 53,59% cổ phần của Sabeco vào năm 2017, từ Bộ Công Thương (hiện Bộ vẫn nắm giữ 36% cổ phần Sabeco). Để hoàn tất thương vụ này, nhà đầu tư Thái Lan đã phải chi gần 110.000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD, với giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Đây là thương vụ M&A lớn nhất tính đến thời điểm đó của ngành bia châu Á, cũng là thương vụ dẫn đầu về giá trị trong làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam.
Sau khi nắm quyền kiểm soát, ThaiBev “thay máu” dàn lãnh đạo và thực hiện các chiến lược cải cách, giúp kết quả kinh doanh của Sabeco được cải thiện trông thấy. Nhà sản xuất bia đạt mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong năm 2019, khiến Thaibev kỳ vọng niêm yết Sabeco lên sàn chứng khoán Singapore. Nhưng “thế sự xoay vần”, hai bước cản xuất hiện khiến kỳ vọng của người Thái chưa thành, đó chính là Nghị định 100 và Covid-19.
Để thoát khỏi “vòng vây”, Sabeco không còn cách nào khác là phải tìm những hướng đi mới. “Thông thường việc kinh doanh sẽ có những lúc khó khăn. Sẽ có những cơn mưa rào, giông bão chờ đợi phía trước. Chúng ta không thể đợi mưa ngừng, gió lặng mà phải có hành động ứng phó. Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa”, ông Tan Teck Chuan Lester - Tổng giám đốc Sabeco chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra hồi tháng 4 vừa qua.
Mục tiêu trong năm 2024 của Sabeco là tăng thị phần và giữ vững vị thế thương hiệu bia số 1 ở thị trường Việt Nam. Mặc dù có những khó khăn nhưng ban lãnh đạo công ty nhận định ngành bia vẫn rất tiềm năng với cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn cũng như thị trường xuất khẩu.
Sau 4 quý của năm 2023 liên tục tăng trưởng âm, công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trở lại trong quý 1 và quý 2/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty mang về doanh thu 15.270 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.343 tỷ đồng; lần lượt tăng 5% và 6% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty đã thực hiện được 44% kế hoạch doanh thu (34.400 tỷ đồng) và 51% kế hoạch lợi nhuận (4.580 tỷ đồng) đặt ra cho cả năm 2024.
Để cạnh tranh với các đối thủ, Sabeco cũng đã tích cực hơn trong việc đầu tư sản phẩm mới hay gần đây nhất là động thái M&A Bia Sài Gòn Bình Tây - doanh nghiệp nổi tiếng với thương hiệu bia Sagota không cồn từ trước khi có Nghị định 100.