Sacombank có thể tái cơ cấu thành công vào giữa năm 2023

Sacombank. STB
18:21 - 08/10/2022
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank. Ảnh: VGP
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank có thời gian thực hiện đến hết năm 2025. Tuy nhiên với tín hiệu tích cực trong thời gian qua, ngân hàng có thể tuyên bố tái cơ cấu thành công sớm hơn thời hạn.

Chia sẻ tại Tọa đàm: "Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 8/10; bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, nợ xấu của Sacombank khi bắt đầu đề án tái cơ cấu là 96.000 tỷ và sau 5 năm, ngân hàng đã xử lý được trên 76.000 tỷ.

Đó là sự nỗ lực rất lớn của ban điều hành cũng như sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chính phủ. Với đà này thì đến giữa năm 2023, Sacombank có thể sẽ tuyên bố tái cơ cấu thành công, bà Diễm cho biết.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm từ quá trình tái cơ cấu ngân hàng của Sacombank, bà Diễm cho biết, đầu tiên cần xác định thực trạng toàn diện của ngân hàng yếu kém, từ cơ cấu chủ sở hữu, quản trị, điều hành đến nợ xấu và những tài sản tồn đọng trong kinh doanh, đặc biệt những tài sản có khả năng sinh lời.

Đồng thời phải có công ty tư vấn kiểm toán, tổ chức độc lập đánh giá hiện trạng, sau đó báo cáo rõ ràng thực trạng với cơ quan chủ quản để đảm bảo tính chính xác, minh bạch. Từ đó mới xác định phương hướng làm sao để tái cấu trúc phù hợp, không lấp lửng cũng không giấu diếm.

Thứ hai, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng cần phải khẩn trương, kịp thời, vì càng kéo dài thì hệ luỵ cho nền kinh tế càng lớn. Điều này cũng giúp tránh tình trạng chuyển biến xấu hơn và gây khó khăn hơn cho cả ngành chứ không chỉ riêng ngân hàng yếu kém đó.

Thứ ba là nên ưu tiên nguồn lực kinh tế tư nhân thay vì tập trung vào ngân sách Nhà nước, khuyến khích các ngân hàng tự tái cơ cấu, sát nhập ngân hàng tốt với ngân hàng xấu; NHNN và Chính phủ đứng ra hỗ trợ cơ chế đi kèm, tạo điều kiện để ngân hàng yếu kém từng bước hoàn thiện và gia nhập, dựa trên sự dẫn dắt của một ngân hàng mạnh.

Đồng thời có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trung ương đến các bộ ngành, NHNN, tạo cơ chế thông thoáng.

Theo bà Diễm, nếu Sacombank không được phê duyệt đề án từ Chính phủ, NHNN thì chắc chắn không có hành lang pháp lý để tái cơ cấu thành công.

Cuối cùng, bà Diễm cho rằng điều kiện rất quan trọng là tổ chức, cá nhân tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì phải có nguồn lực tài chính, hợp pháp. Đối với hội đồng quản trị, ban điều hành phải có trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, có năng lực, có tâm và phải có tầm, đặc biệt phải quản trị ngân hàng theo hướng công khai, minh bạch và thượng tôn mọi hoạt động của pháp luật.

Từ đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến nhân sự, hiệu quả hoạt động và nợ xấu khi bước vào quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập năm 2017, đến nay Sacombank đã trở thành một trong những nhà băng hoạt động hiệu quả nhất với mức tăng trưởng liên tục qua các năm.

Nửa đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank ghi nhận ở mức 2.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản tính đến cuối tháng 6/2022 đạt hơn 551.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 6,2%. Dư nợ tín dụng đạt gần 415.000 tỷ đồng, tăng gần 7%.

Điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của Sacombank là ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu. Theo đó, trên bảng cân đối kế toán, các khoản lãi, phí phải thu giảm mạnh từ 9.951 tỷ đồng xuống còn 3.908 tỷ đồng. Tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản sinh lời xuống mức thấp 0,79%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.