Saudi Arabia phê chuẩn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Ngoại Giao Saudi Arabia
18:36 - 29/03/2023
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Samarkand, Uzbekistan ngày 16/9/2022. Ảnh: Sputnik
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Samarkand, Uzbekistan ngày 16/9/2022. Ảnh: Sputnik
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 29/3, nội các Saudi Arabia đã thông qua quyết định gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong bối cảnh Riyadh đang tăng cường xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài với Trung Quốc.

Theo Reuters trích dẫn hãng thông tấn nhà nước SPA ngày 29/3, Saudi Arabia đã thông qua một biên bản ghi nhớ liên quan đến việc trao cho quốc gia này tư cách đối tác đối thoại trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Là một liên minh chính trị và an ninh của các quốc gia trên khắp lục địa Á – Âu, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được thành lập vào năm 2001 bởi Nga, Trung Quốc và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á. Dọc theo quá trình phát triển, SCO được mở rộng với sự tham gia của nhiều quốc gia khác như Ấn Độ và Pakistan. Mục tiêu của tổ chức này là nhằm đóng một vai trò lớn hơn, đặc biệt là đối trọng với ảnh hưởng của các quốc gia phương Tây trong khu vực.

Theo Global Times, SCO hiện bao gồm 8 quốc gia thành viên (Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan), 4 quốc gia quan sát viên quan tâm đến việc gia nhập tư cách thành viên đầy đủ (Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ) và 6 “đối tác đối thoại” (Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ).

Tính tới hiện tại, một loạt các quốc gia trong khu vực Trung Đông là đồng minh của Mỹ như Ai Cập, Qatar và Saudi Arabia đã được cấp quy chế đối tác đối thoại trong SCO. Trong khi đó, các nước Bahrain, Kuwait, Maldives, Myanmar và UAE cũng bắt đầu thủ tục để được cấp quy chế trên.

Nguồn tin từ Reuters cho biết việc gia nhập SCO được lãnh đạo Trung Quốc và Saudi Arabia thảo luận trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Riyadh hồi tháng 12/2022. Ngoài ra, nguồn tin này cũng cho biết tư cách đối tác đối thoại sẽ là bước đầu tiên trong tổ chức trước khi quốc gia này được cấp tư cách thành viên đầy đủ trong trung hạn.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng được củng cố giữa Riyadh và Bắc Kinh trong khoảng thời gian gần đây. Hôm 28/3, gã khổng lồ dầu mỏ Saudi Aramco đã huy động khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào Trung Quốc sau khi hoàn tất một liên doanh đã được lên kế hoạch ở phía đông bắc Trung Quốc và mua cổ phần trong một tập đoàn hóa dầu do tư nhân kiểm soát.

Trong cùng ngày, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có cuộc điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud. Cuộc nói chuyện này bao gồm nhiều chủ đề, đặc biệt là mối quan hệ chiến lược giữa 2 quốc gia và về việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở Trung Đông, ví dụ như việc hỗ trợ Riyadh và Damascus phát triển “tình láng giềng tốt đẹp”.

Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Saudi Arabia và Trung Quốc đang làm dấy lên một số lo ngại về vấn đề an ninh tại Mỹ. Trong một tuyên bố, Washington cho biết những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng trên toàn thế giới sẽ không thay đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Đông. Đồng thời, chính phủ Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục là một đối tác tích cực trong khu vực.

Ở một diễn biến khác, theo hãng thông tấn TASS đưa tin hồi tháng 12/2022, các quốc gia thuộc SCO đang có kế hoạch tổ chức "cuộc tập trận chống khủng bố" chung ở vùng Chelyabinsk của Nga. Thời gian dự kiến cho sự kiện này sẽ vào tháng 8/2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.