Tại báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) ngày 29/11, Chứng khoán SSI Research nhận định, việc biên lãi ròng (NIM) tại ngân hàng này có thể giảm trong quý IV/2022 do chênh lệch giữa lợi suất tài sản sinh lãi và chi phí vốn thu hẹp. Bên cạnh đó là việc cắt giảm lãi suất cho vay lên tới 1% đối với một số khách hàng sẽ kéo theo lợi nhuận trước thuế VCB trong quý sẽ giảm tốc xuống 9-10% so với quý III/2022 và 2-3% so với cùng kỳ 2021.
NIM duy trì tốt nhưng khó có thể tiếp tục tăng
Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng dư nợ tín dụng tại Vietcombank là 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 17,3% so với đầu năm. Đây là mức cao nhất trong nhiều năm qua tại ngân hàng này và là mức tăng trưởng theo quý cao thứ 4 trong số các ngân hàng SSI đã phân tích.
Mức tăng trưởng này đến từ hoạt động cho vay kinh doanh hộ gia đình (tăng 2,5% so với đầu năm), cho vay mua nhà (tăng 16% so với cùng kỳ) và cho vay khách hàng doanh nghiệp (tăng 16% so với cùng kỳ). Cùng với việc chấm dứt chương trình ưu đãi dành cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, điều này đã hỗ trợ tăng lợi suất cho vay trung bình của VCB trong giai đoạn này (tăng 0,37% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, việc tăng lãi suất liên ngân hàng cũng có lợi cho lợi suất tài sản của Vietcombank với tư cách là ngân hàng cho vay ròng trên thị trường 2.
Về huy động vốn, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại Vietcombank đã đạt đỉnh vào quý I/2022 và lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng mặc dù với tốc độ chậm hơn (0,34% theo năm và 0,31% theo quý).
Hiện tại, 3 ngân hàng thương mại quốc doanh và ACB đang áp mức lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt khoảng 6,8% và 7,7%, so với các ngân hàng TMCP khác là hơn 9%.
Mặc dù thanh khoản của ngân hàng này vẫn tương đối tốt và một số khách hàng gửi tiền đã chuyển khoản tiền đang gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ sang các ngân hàng quốc doanh để đảm bảo an toàn sau sự kiện Vạn Thịnh Phát, chuyên gia SSI cho rằng lãi suất huy động của Vietcombank vẫn có khả năng tiếp tục tăng dưới áp lực cạnh tranh.
Đặc biệt là khi ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tiền gửi là 8% cho năm 2022 so với mức tăng trưởng hiện tại mới chỉ 5% so với đầu năm.
Vào cuối tháng 9, tỷ lệ dư nợ cho vay và tiền gửi đến kỳ định giá lại trong vòng 3 tháng lần lượt là 49% và 68%, cho thấy mức chênh lệch lãi suất sẽ thu hẹp trong quý 4 năm 2022. Gần đây, ngân hàng này cũng đã thông báo sẽ cắt giảm lãi suất cho vay lên tới 1% đối với nhiều khoản vay khác nhau, ngoại trừ bất động sản, chứng khoán, cầm cố giấy tờ có giá,… trong tháng 11 và tháng 12 năm 2022. SSI Research ước tính điều này có thể làm giảm khoảng 400-500 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Nhìn sang năm 2023, chuyên gia phân tích cho rằng VCB sẽ linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với chi phí vốn tăng lên mà không ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, do lãi suất cho vay của VCB hiện thấp hơn nhiều so với các ngân hàng cùng ngành.
"Do đó, chênh lệch lãi suất sẽ vẫn chịu áp lực trong suốt quý 4 năm 2022 và dần ổn định vào năm 2023. Ngân hàng không có nhiều dư địa để cải thiện hệ số LDR do hệ số LDR (theo Thông tư 22) đã ở mức 83%. Vì vậy khả năng NIM sẽ giảm 0,52% so với quý trước trong quý IV/2022 và 0,05 so với cùng kỳ vào năm 2023", báo cáo viết.
Dự phóng kết quả kinh doanh 2022 - 2023
Trước các biến động về NIM cũng như việc cắt giảm lãi suất cho vay lên tới 1% trong 2 tháng cuối năm tại Vietcombank, chuyên gia SSI đã điều chỉnh giảm 2% ước tính lợi nhuận của Vietcombank với dự báo lợi nhuận 2022 ước đạt 33.200 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Đối với năm 2023, SSI dự phóng, lợi nhuận tại VCB sẽ đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ với tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt là 15,8% và 14%.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng cho vay bán lẻ giảm tốc sẽ được bù đắp một phần bằng việc hoàn nhập các khoản lãi dự thu liên quan đến các khoản vay tái cấu trúc do Covid đang được theo dõi ngoại bảng.
Về doanh thu từ phí, khoản doanh thu này tính tới quý III/2022 đã đạt mức tăng trưởng vững chắc với 23% khi không bị ảnh hưởng bởi các chương trình miễn phí phí giao dịch. Thị phần tài trợ thương mại trong quý cũng đạt 18% cải thiện so với trước đó là 15%. Vì vậy, chuyên gia kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, do lợi thế cạnh tranh về ngoại tệ của VCB.
Về tình hình nợ xấu, SSI dự báo, tỷ lệ nợ xấu mới hình thành là 1,2% trong năm 2022 - thấp hơn một chút so với tỷ lệ 1,4% trong năm 2021 và tỷ lệ nợ xấu sau khi xóa nợ được giả định là 1,3% cho năm 2023.
Ngoài ra, tỷ lệ dự phòng giảm xuống 187% (từ mức 402% hiện tại). Theo chuyên gia, tỷ lệ nợ trên thu nhập (DTI) và tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo (LTV) trung bình đối với các khoản cho vay mua nhà lần lượt là 30-40% và 50-55% cho năm 2022 và 2023.
Tỷ lệ dư nợ cho vay mua nhà với DTI ở mức 70% chỉ ở mức rất thấp. Cùng với dư nợ cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp như đã trình bày ở trên, SSI tin rằng điều này sẽ giúp Vietcombank vượt qua thách thức trong năm 2023.