SSI: Sacombank sẽ sớm gia nhập câu lạc bộ ngân hàng thương mại top 1

NGÂN HÀNG Việt nAM
14:36 - 05/01/2023
SSI: Sacombank sẽ sớm gia nhập câu lạc bộ ngân hàng thương mại top 1
0:00 / 0:00
0:00
Tại báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, HoSE: STB), Chứng khoán SSI Research cho rằng, Sacombank là một trường hợp đặc biệt trong ngành ngân hàng những năm sắp tới.

Theo SSI, Sacombank là một trong những ngân hàng cuối cùng đang phải xử lý nợ xấu còn lại của chu kỳ tín dụng trước. Trong những năm qua, Sacombank đã nâng cao chất lượng tài sản một cách ấn tượng và không cho vay trái phiếu doanh nghiệp cũng như chỉ duy trì dư nợ cho vay bất động sản ở mức thấp.

Vì vậy, nếu ngân hàng này có thể duy trì hiệu quả hoạt động tốt kể từ quý IV năm 2022 trở đi, rất có thể Sacombank sẽ sớm gia nhập câu lạc bộ các ngân hàng thương mại top 1, với biên lãi thuần (NIM) ấn tượng và bảng cân đối kế toán vững chắc.

Tận dụng tối đa hạn mức tín dụng được cấp thêm

Chuyên gia SSI nhận định, hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam trong năm 2022 chịu nhiều tác động trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng được quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến hết quý III/2022, Sacombank đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 8,44%, thấp hơn hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Mặc dù vậy, theo SSI dự báo, Sacombank sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay vào cuối năm 2022 để tận dụng tối đa hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp thêm. Phần lớn dư nợ của ngân hàng này tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này cũng phù hợp với mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế của NHNN.

Trong khi đó, số dư huy động khách hàng tính thời thời điểm cuối quý III/2022 tại ngân hàng này tăng 7% so với năm 2021, thấp hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, do Sacombank đã tích cực thu hút thêm tiền gửi của khách hàng kể từ đầu năm, vì vậy STB sẽ có nhiều dư địa để mở rộng hơn do tỷ lệ dư tín dụng (LDR) của ngân hàng này được giữ ở mức rất tốt so với các ngân hàng thương mại khác.

"Điều này cũng giúp Sacombank chủ động hơn khi đối phó với cuộc chạy đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng tại Việt Nam. Đồng thời cũng tạo tiền đề để Sacombank có được vị thế thuận lợi cho đà tăng trưởng lành mạnh vào năm 2023", báo cáo viết.

Nhờ số dư tiền gửi cao và áp lực phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank tiếp tục được giảm xuống chỉ còn 0,9% vào quý III/2022, thấp hơn so với mức trung bình của ngành.

Trong khi đó, trong 3 quý đầu năm 2022, Sacombank đã tích cực tăng dự phòng xử lý trái phiếu VAMC và nợ xấu (tăng 121% so với cùng kỳ). Rõ ràng, đây là tín hiệu cho thấy Sacombank đã rất tích cực trong việc hoàn thiện đề án tái cơ cấu.

Tính đến nay, Sacombank đã trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC lên tới 11.000 tỷ đồng, và hiện chỉ còn 11.700 tỷ đồng phải xử lý và trích lập để xóa nợ xấu dài hạn.

Từ đầu năm 2022, chỉ sau 3 quý, Sacombank đã trích lập tổng cộng 6.500 tỷ đồng dự phòng cho trái phiếu VAMC, cao hơn mức trích lập cả năm 2021. Trong 3 năm gần đây, ngân hàng đã trích lập 6.000-7.000 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC mỗi năm và bắt đầu tăng tốc từ năm 2022.

Với tốc độ này, có thể dự báo con số trích lập dự phòng cho VAMC năm 2022 sẽ lên tới 8.000 tỷ đồng, và số còn lại sẽ được xử lý trong năm 2023-2024, SSI Reseach dự báo.

Tập trung xử lý dứt điểm nợ VAMC trong năm 2023

Đối với năm 2022, với việc mở rộng NIM bắt đầu từ quý III/2022, cùng với việc hạn mức tăng trưởng tín dụng tiếp tục được NHNN nới rộng trong quý IV, chuyên gia SSI cho rằng, lợi nhuận trong quý IV/2022 tại nhà băng này sẽ cho thấy triển vọng tích cực.

SSI ước tính, Sacombank sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 6.300 tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ) cho năm 2022, nhờ tăng trưởng tín dụng khá cao là 13% so với đầu năm. Và NIM sẽ đạt 3,53% (tăng 0,83% so với cùng kỳ) cùng tốc độ tăng trưởng vượt bậc của thu nhập phí thuần do ghi nhận 1.500 tỷ đồng phí bancassurance trả trước.

Còn dự báo cho năm 2023, SSI Reseach cho rằng, tăng trưởng tín dụng và huy động tại ngân hàng này sẽ cùng đạt 12%. Trong khi tỷ lệ nợ xấu sẽ duy trì ở mức hợp lý trong 1,5% - 1,6% do những quan điểm thận trọng về triển vọng vĩ mô trong năm 2023.

Về NIM ngân hàng thời gian tới được dự báo ở mức 4,2% - 4,3%, do Sacombank không còn phải trích lập dự phòng lãi dự thu. Theo quan sát của SSI, lãi suất huy động đã trở lại mức trước Covid-19, điều này sẽ gây ra gánh nặng cho một số ngân hàng với chi phí huy động cao hơn vào năm 2023.

"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các khoản cho vay bán lẻ (đặc biệt là cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ) sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho Sacombank trong năm 2023. Cùng với bảng cân đối kế toán hài hòa và hệ số LDR duy trì ở mức hợp lý, áp lực về chênh lệch lãi suất sẽ không lớn như tại các ngân hàng tập trung vào phân khúc bán buôn", chuyên gia SSI nhấn mạnh

Ngoài ra, trong thời gian tới, Sacombank sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm dư nợ trái phiếu VAMC còn lại. Có 2 tài sản bảo đảm có tính chất quyết định trong việc xử lý tài sản có vấn đề của STB (là cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC và Khu công nghiệp Phong Phú).

Giá trị của các tài sản này dao động trong khoảng 26.000 – 27.000 tỷ đồng, đủ để xử lý khoản tài sản có vấn đề còn lại. Trong khi đó, Sacombank đang tiếp tục rao bán khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú.

Tổng giá trị khoản nợ gộp đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán là 16.196 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 5.100 tỷ đồng và lãi dự thu là 11.000 tỷ đồng. Sau nhiều vòng đấu giá, giá khởi điểm tính đến tháng 12/2022 giảm xuống còn gần 7,9 nghìn tỷ đồng, rất gần với số nợ gốc.

Về Khu công nghiệp Phong Phú - huyện Bình Chánh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002, có thời hạn khai thác 50 năm.

Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch tổng thể, diện tích khu đất đạt 134 ha, trong đó 50% dành cho phát triển Khu công nghiệp. Theo SSI Research, việc bán KCN Phong Phú đang gặp một số khó khăn như tính pháp lý chưa hoàn thiện (chưa có quy hoạch).

Cùng với đó là thời gian hoạt động của KCN chỉ còn 29 năm, ngắn hơn thời hạn của các dự án công nghiệp mới, điều này làm hạn chế thời gian thuê còn lại của nhà đầu tư thứ cấp.

Ngoài ra, chi phí đầu tư cho dự án cao (nếu tính trên khoản nợ 5.134 tỷ đồng thì có thể lên tới 46,6 triệu đồng/m2 hay 1.950 USD/m2).

Vì vậy, việc bán khu công nghiệp này có thể cần thêm thời gian để tìm được nhà đầu tư phù hợp hoặc điều chỉnh xuống mức giá hấp dẫn hơn, nhất là khi nguồn vốn cho thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.

Do đó, SSI chưa đưa khoản thu nhập khác có thể ghi nhận từ việc bán các tài sản này vào dự báo của Sacombank trong năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.