
![]() |
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 tại ngân hàng VIB. Ảnh: TT |
Ngày 27/3, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh và phương án tăng vốn điều lệ.
Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ đánh giá năm 2024 là giai đoạn đầy thách thức với ngành ngân hàng, đặc biệt là biến động tỷ giá và môi trường kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, VIB vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định với tổng tài sản đạt 493.158 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Tổng dư nợ tín dụng cũng tăng 22% lên hơn 324.600 tỷ đồng, trong khi huy động vốn đạt hơn 299.570 tỷ đồng, tăng 15%.
Dù đạt được những kết quả khả quan, lợi nhuận trước thuế của VIB năm 2024 chỉ đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước, hoàn thành 75% kế hoạch đề ra. Khối ngân hàng bán lẻ - mảng kinh doanh chủ lực của nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.860 tỷ đồng, giảm nhẹ do ngân hàng chủ động giảm lãi suất 2-3% nhằm hỗ trợ khách hàng.
Bước sang năm 2025, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.020 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2024. Tổng tài sản dự kiến tăng 22% lên 600.350 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 395.800 tỷ đồng, huy động vốn tăng 26% lên 377.300 tỷ đồng. Ngân hàng cam kết kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Trong chiến lược phát triển, VIB sẽ tiếp tục tập trung vào tín dụng bán lẻ, với dư nợ mảng này dự kiến tăng mạnh. Hiện dư nợ tín dụng bán lẻ chiếm gần 80% tổng dư nợ của VIB, trong đó cho vay mua nhà chiếm 50%, chủ yếu tập trung vào nhà ở thực. Ngân hàng cũng duy trì gói vay 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,3% - 8,3% tùy kỳ hạn.
HĐQT VIB cũng đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành hơn 417 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7,8 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Dự kiến, sau khi phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm khoảng 4.250 tỷ đồng, đạt 34.040 tỷ đồng.
Ngoài ra, VIB dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương hơn 2.085 tỷ đồng. Phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng.
Theo Phó Tổng giám đốc Hồ Vân Long, việc tăng vốn là cần thiết để đảm bảo an toàn vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư công nghệ và gia tăng thị phần. Vốn điều lệ mới sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, tăng cường đầu tư vào tài sản thanh khoản và mở rộng mạng lưới.
Lợi nhuận quý 1/2025 ước đạt 2.200 tỷ đồng
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tình hình kinh doanh quý 1/2025, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết dù chưa có số liệu chính thức, ngân hàng dự báo lợi nhuận 3 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 20-22% kế hoạch năm, tương đương hơn 2.200 tỷ đồng.
Lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng các quý sau sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, với mức tăng khoảng 30-40% so với quý đầu tiên. Tín dụng của ngân hàng cũng ghi nhận sự mở rộng tích cực so với toàn ngành, khi tính đến ngày 20/3, dư nợ toàn hệ thống tăng gần 2%, trong khi VIB đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 3%.
Dù vậy, ông Đặng Khắc Vỹ nhấn mạnh, VIB vẫn đối mặt với những thách thức nhất định khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chưa được luật hóa, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các ngân hàng bán lẻ. Trong bối cảnh nhiều tổ chức tín dụng hưởng lợi từ việc tái cơ cấu nợ doanh nghiệp, VIB lại không tham gia vào hoạt động này.
Ngân hàng tập trung tới 80% danh mục tín dụng vào khách hàng cá nhân có tài sản bảo đảm, đồng thời thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ. Điều này khiến VIB chịu thiệt thòi so với các nhà băng có danh mục nợ tái cơ cấu lớn.
"Việc thiếu vắng khung pháp lý rõ ràng khiến công tác thu hồi nợ cá nhân gặp không ít trở ngại. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tháo gỡ khó khăn và kỳ vọng Nghị quyết 42 sẽ được thông qua vào tháng 5 tới. Nếu điều này trở thành hiện thực, ngân hàng có thể nhanh chóng thu hồi các khoản nợ cá nhân, qua đó cải thiện đáng kể lợi nhuận," ông Đặng Khắc Vỹ chia sẻ.
![]() |
Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ trong phần thảo luận cùng cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2025. Ảnh: VIB |
Về nợ xấu, đại diện VIB cho biết đây là một trong những vấn đề nóng của ngành ngân hàng, khi nhiều tổ chức tín dụng hôm nay vẫn hoạt động ổn định nhưng ngày mai có thể cần đến sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước. Với VIB, quản trị rủi ro tín dụng luôn được đặt ngang hàng với hai yếu tố quan trọng khác là tăng trưởng và hiệu suất. Tuy nhiên, việc không tham gia tái cơ cấu nợ khiến ngân hàng này đối diện nhiều thách thức hơn, bởi các khoản nợ xấu tại đây phản ánh chính xác chất lượng tín dụng thực tế.
Theo quy định, VIB thực hiện trích lập dự phòng 100% đối với nợ xấu có tài sản động sản, trong khi với bất động sản, việc trích lập được thực hiện sau hai năm. Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức hơn 2%, phản ánh sự kiểm soát rủi ro chặt chẽ.
Lập kế hoạch thu hút vốn ngoại
Liên quan đến việc thay đổi cổ đông ngoại rút vốn, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho biết cổ đông chiến lược của VIB là Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã đồng hành cùng ngân hàng hơn 10 năm qua, ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. CBA đã đầu tư khoảng 175 triệu USD vào VIB trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, cách đây 5 năm, trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, CBA đã thay đổi chiến lược toàn cầu, rút khỏi hầu hết các khoản đầu tư bên ngoài Australia. Dù vậy, VIB vẫn là một trong những khoản đầu tư cuối cùng được giữ lại. Kể từ thời điểm thay đổi chiến lược, CBA không tiếp tục đầu tư thêm vào VIB nhưng vẫn hoàn toàn tin tưởng vào sự điều hành của ngân hàng.
Trong suốt quá trình hợp tác, CBA đã nhận về khoảng 500 triệu USD cổ tức lũy kế từ VIB. Theo thỏa thuận, CBA hiện đang thực hiện kế hoạch bán 5% cổ phần ra thị trường và 15% cho các cổ đông nội bộ.
Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, VIB chưa có nhu cầu cấp bách về nguồn vốn mới. Tuy nhiên, HĐQT nhận định rằng việc tăng vốn chủ sở hữu là cần thiết để ngân hàng có thể tiếp tục phát triển bền vững từ năm 2025 trở đi.
Do đó, VIB đang tích cực trao đổi với các ngân hàng, quỹ đầu tư và đơn vị tư vấn để tìm kiếm đối tác chiến lược phù hợp. Tiêu chí lựa chọn không chỉ dừng lại ở mức giá tốt nhất mà còn ở khả năng hỗ trợ VIB trong huy động vốn, phát triển công nghệ và các lĩnh vực chiến lược khác. Khi có thông tin cụ thể hơn, HĐQT sẽ trình lên cổ đông để xin ý kiến trước khi triển khai.