Tài xế Hàn Quốc tiếp tục đình công lần thứ 2 trong năm

Đình công HÀN QUỐC
16:18 - 25/11/2022
Các tài xế Hàn Quốc tổ chức đình công hôm 24/11 tại Pohang, Gyongsangbuk-do, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Các tài xế Hàn Quốc tổ chức đình công hôm 24/11 tại Pohang, Gyongsangbuk-do, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
0:00 / 0:00
0:00
Do các tài xế Hàn Quốc tiếp tục đình công, nguồn cung cho ngành xi măng và thép tại quốc gia này bắt đầu bị gián đoạn từ ngày 25/11 trong khi các ngành khác như ô tô và hóa dầu cũng đứng trước nguy cơ ảnh hưởng liên đới nếu biểu tình kéo dài.

Bắt đầu từ 24/11, nhiều tài xế tại Hàn Quốc đã bắt đầu đình công - cuộc đình công thứ 2 xảy ra trên phạm vi cả nước trong năm 2022.

Trong cuộc đình công kéo dài 8 ngày hồi tháng 6 trước đó nhằm phản đối mức lương thấp và chi phí tăng cao, ngành công nghiệp Hàn Quốc đã phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là sự chậm trễ lớn trong vận chuyển hàng hóa. Việc gián đoạn sản xuất trong đợt đình công trước đây đã khiến nước này thiệt hại khoảng 1,21 tỷ USD.

Vào tháng 6, các tài xế đã đồng ý thỏa thuận sau khi Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc và Công đoàn Đoàn kết Công nhân Vận tải hàng hóa Hàn Quốc nhất trí mở rộng hệ thống giá cước để đảm bảo mức lương tối thiểu cho việc vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải nước này sẽ cung cấp các khoản trợ cấp để giúp các tài xế giảm bớt áp lực đối với chi phí nhiên liệu tăng cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các thỏa thuận tạm thời này sẽ hết hạn vào cuối năm nay, nhiều tài xế đã tổ chức đình công một lần nữa để yêu cầu chính phủ gia hạn các quy tắc tạm thời trên. Theo Korea Herald trích dẫn dữ liệu mới nhất từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, có tới 7.700 tài xế xe tải thuộc công đoàn đã tham gia cuộc đình công, chiếm khoảng 35% trong tổng số 22.000 thành viên.

Như một hệ quả, cuộc đình công đã làm trì hoãn nhiều hoạt động vận chuyển và hoạt động công nghiệp. Hiệp hội thương mại Hàn Quốc cho biết đã nhận được 32 khiếu nại từ 19 chủ hàng kể từ khi cuộc đình công bắt đầu, trong đó các khoản phạt do giao hàng chậm trễ và mất khách hàng nước ngoài chiếm nhiều nhất.

Theo Hiệp hội ngành công nghiệp xi măng hôm 25/11, các nhà máy xi măng tại Hàn Quốc cũng không thể vận chuyển phần lớn nguồn cung 200.000 tấn do các lái xe chở xi măng tham gia đình công. Công việc tại các công trường xây dựng trên cả nước vì vậy cũng bị ảnh hưởng theo. Các nhà sản xuất xi măng trộn sẵn cho biết họ sẽ buộc phải tạm dừng hoạt động sớm nhất là vào đầu tuần tới nếu xi măng không được giao kịp thời.

Hình ảnh xe tải dàn trên đường để biểu tình trong cuộc đình công hồi tháng 6. Ảnh: Reuters

Hình ảnh xe tải dàn trên đường để biểu tình trong cuộc đình công hồi tháng 6. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, nhà sản xuất thép Hyundai Steel cho biết tập đoàn đã không thể vận chuyển lô hàng thép 8.000 tấn từ các nhà máy của mình, đặc biệt là nhà máy Pohang ở phía đông nam của đất nước. Gã khổng lồ thép POSCO cũng ghi nhận tình trạng tương tự và do đó đang đang xem xét sử dụng các tuyến đường biển hoặc đường sắt để vận chuyển thép.

Theo các nguồn tin trong ngành của Korea Herald, hiện ngành ô tô và hóa dầu vẫn chưa chịu bất kỳ sự gián đoạn lớn nào. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đang chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau trong trường hợp đình công kéo dài. Nhà sản xuất ô tô Hyundai và nhánh nhỏ hơn là Kia đã bắt đầu cử nhân viên của mình trực tiếp vận chuyển xe đến các trung tâm giao hàng trong khu vực.

Mặt khác, các công ty hóa dầu cho biết đã bắt đầu đàm phán với khách hàng về việc giao hàng sớm để quản lý hàng tồn kho trong khi nỗ lực để đảm bảo đủ kho chứa cho những lô hàng chưa được giao.

Để đánh giá và giải quyết tình hình, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp và tổ chức cuộc họp đầu tiên hôm 24/11 để đánh giá tác động đối với các ngành công nghiệp chính bao gồm thép, ô tô, hóa dầu và năng lượng. Chính phủ tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp đảm bảo số lượng các phương tiện vận chuyển thay thế và giúp mở rộng không gian lưu trữ tại các nhà máy, đồng thời tìm kiếm các biện pháp bồi thường.

Phản ứng lại cuộc đình công, 30 hiệp hội ngành đại diện cho xi măng, ô tô, thép và những ngành khác ngày 25/11 đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi những tài xế xe tải trở lại làm việc.

Ở một diễn biến khác, hiện chính phủ và hiệp hội tài xế vẫn chưa có bất kỳ cuộc đàm phán chính thức nào.

Tin liên quan

Đọc tiếp