Sau vài năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều người dân sẽ được thoải mái hơn khi đón giao thừa năm nay, tạm gác sang một bên vấn đề tài chính sang một bên, cũng như loại virus ngày càng bị lãng quên nhưng không biến mất.
Với mỗi nước, hoạt động chuẩn bị và đón chào năm mới sẽ có sự khác biệt, nhưng tựu chung lại, đây là dịp để tất cả mọi người nhìn lại một năm cũ đã qua, tạm gác lại âu lo và hướng tới một năm 2023 với những điều tốt đẹp hơn.
Như thường lệ, Nhà hát Opera Sydney và Cầu Cảng Sydney sẽ là một trong những nơi đầu tiên tổ chức bắn pháo hoa chào đón năm mới trên thế giới. Ảnh: EPA |
Sydney, Australia sẽ là một trong những thành phố lớn đầu tiên đổ chuông đón năm mới 2023, khẳng định lại vị thế là "thủ đô đón giao thừa của thế giới" sau 2 năm bị phong tỏa và áp dụng các biện pháp chống dịch.
Biên giới của Australia hiện đã mở cửa trở lại và dự kiến hơn 1 triệu người sẽ xếp hàng tại bến cảng lấp lánh của Sydney để chiêm ngưỡng 100.000 quả pháo hoa thắp sáng bầu trời. Ngay từ trưa ngày 31/12, hàng trăm người đã giành được những vị trí thuận lợi nhất để chào đón năm 2023 hoành tráng.
Chính quyền Sydney ước tính sẽ có gần nửa tỷ người theo dõi lễ hội pháo hoa trên các nền tảng trực tuyến hoặc trên truyền hình. "Nếu có thể khiến mọi người xích lại gần nhau và chào đón năm mới với niềm lạc quan và niềm vui mới, thì chúng tôi sẽ coi rằng công việc của mình đã hoàn thành xuất sắc", ông Fortunato Foti, Giám đốc sáng tạo Foti Fireworks nhà tổ chức bắn pháo hoa, cho biết.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96. |
Đối với nhiều người, tạm biệt 2022 vốn là một năm nhiều kỷ niệm buồn, mất mát, trước sự ra đi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, "Vua bóng đá" Pele, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đúng ngày cuối cùng của năm là sự ra đi của cựu Giáo hoàng Benedict XVI. Năm 2022 cũng được ghi nhớ bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine tại châu Âu, lục địa từng là nơi bắt đầu hai cuộc chiến tranh thế giới.
Sau hơn 300 ngày, cuộc chiến ước tính đã khiến khoảng 7.000 người thiệt mạng và hơn 10.000 người bị thương theo số liệu của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHCR). Khoảng 16 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Đối với những người ở lại, lệnh giới nghiêm từ 23h đêm đến 5h sáng hôm sau sẽ được áp dụng, trong khi tình trạng mất điện luân phiên bởi các cuộc tập kích tên lửa.
Ô tô bốc cháy và khói bốc lên sau tập kích tên lửa tại trung tâm thành phố Kherson, Ukraine, ngày 24/12. Ảnh: AP |
Một số người Ukraine cho biết sẽ đón năm mới bằng những lời cầu nguyện dưới ánh nến, trong khi những người khác dự định tiệc tùng thâu đêm. "Trong những năm qua, mọi người dự tiệc giao thừa vẫn ở lại với chúng tôi đến 3-4h sáng. Vì vậy, ở lại đây thêm một hoặc hai giờ cũng sẽ không thành vấn đề", chủ nhà hàng Tetyana Mytrofanov ở thủ đô Kiev cho biết.
Tại Nga, các sự kiện đón năm mới 2023 sẽ không được tổ chức. Thủ đô Moscow đã hủy bỏ màn trình diễn pháo hoa truyền thống sau khi Thị trưởng Sergei Sobyanin tham khảo ý kiến người dân.
Những người dân Nga như Irina Shapovalova, 51 tuổi, mong ước năm 2023 sẽ mang lại "bầu trời hòa bình". Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước Nga VGTRK cam kết sẽ mang đến "không khí năm mới, bất chấp những thay đổi trong nước và thế giới".
Trong khi đó, tại Mỹ, bất chấp thời tiết giá lạnh khắc nghiệt do ảnh hưởng của bão tuyết, người dân vẫn đang có các kế hoạch đón chào năm mới. Người dân thành phố New York vẫn đang đổ về Quảng trường Thời đại để xem các bước chuẩn bị cuối cùng cho sự kiện đếm ngược chào năm 2023.
Ông Jeff Straus, Chủ tịch Countdown Entertainment và bà Li Li, Phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội Hữu nghị Trung - Mỹ, bên cạnh quả cầu pha lê, ngày 27/12. Ảnh: Xinhua |
Chương trình thả quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời đại vào đúng 0h00 ngày 1/1/2023 (6h sáng 1/1/2023 giờ Việt Nam) cũng là hoạt động truyền thống không thể thiếu trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Năm nay, gần 200 trong số 2.688 mảnh ghép tam giác trên quả cầu được thay thế bởi những viên pha lê, theo chủ đề của năm 2023 là "Quà tặng tình yêu". "Chúng ta thực sự cần món quà là tình yêu sau khi trải qua 2 năm đại dịch Covid-19 khủng khiếp. Chúng ta đã vượt qua đại dịch với tình yêu lan tỏa, thế giới cần tình yêu và quả cầu pha lê biểu trưng cho điều đó", nghệ nhân Waterford Tom Brennan nói tại quảng trường.
Các nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân Covid-19 trên cáng bên ngoài khoa cấp cứu của bệnh viện ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Tại Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang bùng phát nghiêm trọng. Các bệnh viện ở quốc gia đông dân nhất thế giới bị quá tải sau khi Bắc Kinh quyết định dỡ những quy tắc nghiêm ngặt của "Zero Covid".
Các bữa tiệc đêm giao thừa vẫn được lên kế hoạch tại nhiều quán bar, nhà hát và trung tâm thương mại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức ở Thượng Hải đã tuyên bố sẽ không có hoạt động đón giao thừa chính thức nào trên Bến Thượng Hải - bến cảng nổi tiếng của thành phố.