Là một phần trong nỗ lực xây dựng một Bangkok xanh hơn, đáng sống hơn vào năm 2030, công viên rừng Benjakitti – với diện tích 72 ha - đang mang lại bóng mát, không gian trong lành và yên tĩnh cho cư dân thành phố.
Theo AP, mặc dù dự kiến khánh thành chính thức vào tháng 8 năm nay, nhưng công viên đã thu hút lượng lớn du khách và cư dân thành phố. Vào những ngày cuối tuần, công viên lớn nhất Bangkok này có thể ghi nhận 12.000 người ghé thăm để chạy bộ, đạp xe đạp, tham quan và chụp ảnh.
Công viên Benjakitti được cải tạo từ khu vực đặt các nhà máy thuốc lá Thái Lan. Ảnh: AP |
Trước đây, công viên Benjakitti vốn là khu vực đặt các nhà máy thuốc lá Thái Lan. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, khu vực này đã được cải tạo và quy hoạch thành trung tâm xanh của thủ đô.
Tiếng ồn ào của nhà máy đã không còn nữa, thay vào đó là tiếng chim hót và tiếng ếch nhái kêu râm ran. Ngay cả tiếng ồn ào của giao thông nội đô cũng khó có thể nhận ra.
"Tôi thích công viên này. Tôi yêu không khí trong lành ngoài trời. Bangkok vốn không có nhiều công viên lớn. Vì vậy chúng tôi rất vui khi có không gian tuyệt đẹp này ", ông Luckachai Krichnoi, giáo viên dạy nhạc 44 tuổi cho biết.
Công viên có thiết kế đan xen giữa rừng cây và các con đường đi bộ/đạp xe. Ảnh: AP |
Với thiết kế kết hợp giữa cái cũ và cái mới, các kiến trúc sư đã giữ lại hơn 1.700 cây trưởng thành ban đầu của Benjakitti, sau đó trồng đan xen gần 7.000 cây non nhằm tạo ra thảm thực vật xanh tốt trong công viên.
Công viên rừng Benjakitti cũng trở thành địa điểm tuyệt vời đối với những người yêu thiên nhiên, trong đó có ông Somsak Jaitrong - nhiếp ảnh gia và là người quan sát chim. Ông đến công viên gần như mỗi ngày và đã phát hiện ra hơn 40 loài chim cư trú tại đây.
Công viên rừng Benjakitti được ví như "ốc đảo xanh" giữa thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP |
Ngoài thảm thực vật phong phú, những lạch nước và mô đất trong công viên cũng đóng vai trò quan trọng khi tạo ra môi trường sinh thái ngập nước, thân thiện với động vật hoang dã và cũng hoạt động như một hệ thống xử lý, lọc nước thải từ các khu vực lân cận.
Hệ sinh thái ngập nước trong công viên tạo ra môi trường sinh sống thuận lợi cho sinh vật. Ảnh: AP |
Kiến trúc sư cảnh quan Chatchanin Sung cho biết công viên không chỉ là một nơi để chạy bộ mà còn thúc đẩy người dân cần có ý thức hơn về môi trường và lan tỏa lối sống hòa mình với thiên nhiên.
Người dân có thể đi bộ để tận hưởng không gian xanh tại công viên này. Ảnh: AP |
Không gian xanh tại đây cũng là địa điểm chụp ảnh mới lạ của nhiều người. Ảnh: AP |
Theo Cơ quan quản lý đô thị Bangkok, người dân thành phố này hiện chỉ được hưởng 7m2 không gian xanh/người. Mục tiêu của Bangkok là tăng diện tích đó lên 10m2/người vào năm 2030 thông qua chương trình xây dựng công viên rừng.
Tuy nhiên, bà Niramon Serisakul, Giám đốc Trung tâm Thiết kế và Phát triển Đô thị của Đại học Chulalongkorn cho biết: “Công viên Benjakitti nằm trong khu vực có diện tích cây xanh trên đầu người cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Vậy còn các quận khác thì sao? Liệu họ có nên xem xét việc nhân rộng mô hình công viên này hay không? Chúng ta vẫn còn thiếu không gian xanh”.
Một góc trong công viên rừng Benjakitti. Ảnh: AP |
Mô hình xanh của công viên Benjakitti được hy vọng có thể nhân rộng tại các đô thị khác của Thái Lan. Ảnh: AP |
Cách Benjakitti 6km, một công viên xanh khác cũng được xây dựng trải dài trên sông Chao Phraya của Bangkok. Công viên Bầu trời Chao Phraya dài 280 mét được cải tạo từ một cây cầu cũ cách đây 2 năm. Bà Niramon lập luận rằng, thủ đô Bangkok cần sử dụng cách sáng tạo không gian như thế này để giải quyết tình trạng thiếu các mảng xanh đô thị.