"Chiến trường" thép đang cực kỳ khốc liệt, với sự cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi tiềm lực, nhân sự lớn. Vì vậy trong ngắn hạn 5-10 năm tới, Hoà Phát sẽ tập trung vào lĩnh vực chủ chốt, với “cú đấm thép” đang chuẩn bị là Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2. Đó là khẳng định của ông Trần Đình Long về định hướng sắp tới của Hòa Phát.
Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán HPG) là một trong những doanh nghiệp được kỳ vọng bứt phá nhất trong năm 2024, sau giai đoạn khó khăn nửa cuối năm 2022 đầu năm 2023. Thực tế, kết quả kinh doanh của HPG trong 3 quý đầu năm đã không làm cổ đông thất vọng. Sau 9 tháng, doanh nghiệp mang về 105.000 tỷ đồng doanh thu, 9.210 tỷ đồng lãi sau thuế; lần lượt tăng 23% và 140% so với cùng kỳ năm ngoái.
Qua đó, HPG thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu (140.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023) và 92% kế hoạch lợi nhuận (10.000 tỷ đồng, tăng 47%) đặt ra cho cả năm 2024.
Mặc dù đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh so với năm 2023 nhưng so với thời kỳ “hoàng kim” năm 2021, mức lợi nhuận 10.000 tỷ đồng lại chưa bằng 1/3. Trong bối cảnh ngành thép vẫn đang đối mặt với các thách thức về giá bán thấp, dư nguồn cung, các quốc gia áp dụng các biện pháp bảo vệ thép nội địa..., dư địa tăng trưởng của Hòa Phát đang được đặt cược vào “cú đấm thép” Dung Quất 2.
Theo cập nhật của Hoà Phát hồi giữa tháng 8/2024, dự án đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Dự kiến, phân kỳ 1 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng vào giữa tháng 9/2024, sau đó sẽ tiến hành chạy thử nguội, căn chỉnh thiết bị. Theo tiến độ này, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng đầu tiên vào cuối năm 2024.
Dung Quất 2 có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD), công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã rót thêm gần 20.000 tỷ đồng vào dự án này, nâng tổng mức chi vào đây lên hơn 42.000 tỷ đồng. Dự kiến khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, năng lực sản xuất thép thô của tập đoàn sẽ đạt trên 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC; qua đó đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng HPG phát hành cuối tháng 8/2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, Dung Quất 2 có thể bắt đầu đưa ra sản phẩm thương mại để ghi nhận doanh thu trong quý 1/2025. Nhà máy sẽ vận hành với hiệu suất tương đối cao trong năm 2025 (80% cho giai đoạn 1, tương đương 2,2 triệu tấn), qua đó giúp sản lượng HRC trong năm 2025 của HPG dự kiến đạt 5 triệu tấn, tăng 67% so với cùng kỳ và đáp ứng 40% nhu cầu HRC của Việt Nam.
Thương hiệu Hòa Phát gắn liền với tên tuổi ông Trần Đình Long. Vị doanh nhân sinh năm 1961 tại Hải Dương, có bằng cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1992, ông Long cùng bạn bè thành lập Công ty Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, chuyên phân phối máy móc thiết bị, kinh doanh đồ nội thất. Năm 1996, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát được thành lập, và 4 năm sau đó đến lượt CTCP Thép Hòa Phát ra đời. “Sinh sau đẻ muộn” nhưng thép lại nhanh chóng trở thành mảng kinh doanh chính của Hòa Phát.
Năm 2007 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng với Hòa Phát. Doanh nghiệp tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, với công ty mẹ là CTCP Tập đoàn Hòa Phát và các công ty thành viên; đồng thời niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Cũng trong năm này, Hòa Phát triển khai xây dựng Khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương, trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho kết quả kinh doanh của công ty những năm sau đó.
Hòa Phát chạm mốc lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2009 và năm 2013 đạt mức hơn 2.000 tỷ đồng. Đến năm 2016, doanh thu của doanh nghiệp đã vươn lên mức hơn 33.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 6.600 tỷ đồng, lần lượt gấp 6 lần và 10 lần so với năm 2007.
Khi đã là doanh nghiệp đứng đầu về mảng thép, Hòa Phát vẫn tiếp tục kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng của thị trường khi đầu tư dự án Dung Quất, với giai đoạn 1 triển khai từ năm 2017, tổng mức đầu tư 60.000 tỷ đồng. Dự án giúp tập đoàn khép kín chuỗi giá trị các sản phẩm thép, từ quặng sắt đến phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao, thép cuộn cán nóng, ống thép, tôn mạ, thép dự ứng lực.
Chiến lược mở rộng còn giúp HPG có bước nhảy vọt về doanh thu và lợi nhuận, với đỉnh cao là năm 2021 – doanh thu đạt hơn 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 34.500 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Hòa Phát đạt mức hơn 206.000 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần sau 7 năm đầu tư vào Dung Quất.
Dung Quất 2 hứa hẹn sẽ giúp Hoà Phát có bước nhảy vọt hơn nữa. Tuy nhiên đi cùng với đó, doanh nghiệp thép cũng phải đối mặt với áp lực nợ lớn. Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý 2/2024 ở mức gần 98.000 tỷ đồng, tăng gần 13.000 tỷ đồng sau 6 tháng và gấp gần 5 lần thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm gần 73.000 tỷ đồng, tăng hơn 7.600 tỷ đồng so với đầu năm và gấp 5,6 lần cuối năm 2017. Hòa Phát phải trả gần 1.200 tỷ đồng lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2024, tức mỗi ngày gần 7 tỷ đồng - chỉ tính riêng lãi vay.
Bài toán tiêu thụ cũng là thách thức lớn khi doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Theo VDSC, thị trường xuất khẩu trở nên khó khăn hơn trong giai đoạn 2024-2025, khi các nước (EU, Ấn Độ…) duy trì xu hướng điều tra chống bán phá giá với các sản phẩm thép nhập khẩu nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa. HPG khả năng sẽ chủ động chuyển đơn hàng sang phục vụ nhu cầu của công ty tôn mạ nội địa. Điểm sáng khác là sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ nền sản xuất thép trong nước. Tháng 7/2024, Bộ Công Thương đã ra quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức hồi tháng 4/2024, ông Trần Đình Long cho biết, 5-10 năm tới, Hoà Phát sẽ tập trung vào lĩnh vực chủ chốt với “cú đấm thép” Dung Quất 2. Định hướng của tập đoàn với dự án này cũng cao cấp hơn, hướng đến các sản phẩm giá trị. Chủ tịch HPG tiết lộ, công ty đang nghiên cứu sản xuất hai sản phẩm cực khó và chưa phổ biến ở Việt Nam. Đó là tôn silic - sản phẩm sử dụng trong máy biến áp điện, động cơ và máy phát điện, dùng cho xe điện; và thép đường ray chất lượng cao, đáp ứng cho tàu chạy vận tốc 800-1.000 km/h.