Thái Lan hướng đến trở thành nhà đầu tư năng lượng hàng đầu tại Việt Nam

Thái Lan hướng đến trở thành nhà đầu tư năng lượng hàng đầu tại Việt Nam

NĂNG LƯỢNG THÁI LAN
07:30 - 28/01/2023
Nhân dịp đầu năm mới, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura đã có cuộc đối thoại với Mekong ASEAN về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong năm vừa qua, cũng như định hướng phát triển trong năm 2023.

Mekong ASEAN: Ngài Đại sứ có thể cho biết những thành tựu nổi bật trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan trong năm 2022 vừa qua?

Đại sứ Nikorndej Balankura: Thái Lan và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tròn 46 năm. Tuy nhiên, hai nước đã có lịch sử chung và có quan hệ hợp tác từ hơn 100 năm trước. Trong vòng 46 năm qua, Thái Lan và Việt Nam đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó và bao trùm lên mọi bình diện. Việt Nam và Thái Lan trở thành Đối tác Chiến lược của nhau vào năm 2013 và hiện là Đối tác Chiến lược tăng cường. Trong năm 2023 tới, hai nước sẽ tiến hành kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.

Về mặt chính trị, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Vào ngày 16 - 19/11/2022 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Thái Lan.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết 5 văn kiện hợp tác, trong đó Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027 sẽ định hướng cho việc nâng cấp quan hệ giữa Thái Lan - Việt Nam trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực kinh tế, hiện tại Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9 tại Việt Nam. Với mục tiêu đầu tư chất lượng, cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương, Thái Lan đã tăng cường đầu tư và nhận được phản hồi tích cực tại Việt Nam. Trong tương lai, tôi hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ mở rộng hơn nữa đầu tư tại Thái Lan.

Trong lĩnh vực văn hóa và xã hội, nhân dân hai nước có sự gắn bó thân thiết. Cả khối Nhà nước và tư nhân đều thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Thái và tiếng Việt tại hai nước. Hiện tại, Bộ Ngoại giao Thái Lan đang hỗ trợ việc dạy tiếng Thái tại 5 trường Đại học của Việt Nam, trong đó 3 trường tại Hà Nội, một trường tại Đà Nẵng và một trường tại TP HCM.

Mekong ASEAN: Thái Lan hiện là đối tác thương mại số một của Việt Nam trong ASEAN, Ngài đánh giá thế nào về sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư Thái Lan?

Đại sứ Nikorndej Balankura: Các nhà đầu tư Thái Lan gồm cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp SMEs rất quan tâm đầu tư tại Việt Nam bởi đây là thị trường lớn và giàu tiềm năng. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó 60% đang ở độ tuổi lao động, đó là một trong những điểm sáng của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam còn có nền chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong khi nền kinh tế các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt và Chính phủ có mục tiêu phát triển rất rõ ràng như hướng tới trở thành nước phát triển vào năm 2045 và cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Theo tôi, nếu Chính phủ Việt Nam có thể tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư Thái Lan, đặc biệt là với các chính sách, quy định rõ ràng, tôi tin rằng Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư Thái Lan.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh đó, theo Ngài Đại sứ trong thời gian tới những lĩnh vực nào sẽ thu hút nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục vào Việt Nam?

Đại sứ Nikorndej Balankura: Các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam đều là những nhà đầu tư chất lượng, mang lại lợi ích và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Một số nhà đầu tư Thái Lan đã có mặt tại thị trường Việt Nam được 30 năm và đầu tư trên mọi lĩnh vực.

Trong năm 2021, Đại sứ quán Thái Lan đã thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (Thai Chamber of Commerce and Industry in Viet Nam: ThaiCham) với các thành viên như CP Group, Amata Group, Central Group, SCG… nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư và đồng bộ hóa các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Khối doanh nghiệp Thái Lan có tiềm năng lớn trong đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Hiện tại tất cả các doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng tái tạo của Thái Lan đều đã có mặt tại Việt Nam.

Tôi cũng mong rằng các cơ quan hữu quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường năng lực cạnh tranh của nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Thái Lan.

Mekong ASEAN: Ngoài những lĩnh vực trên, nông nghiệp cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước. Theo Ngài, Thái Lan đang có những chính sách gì để tạo thuận lợi cho hàng nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Thái Lan?

Đại sứ Nikorndej Balankura: Theo thống kê trong 8 tháng năm 2022, Thái Lan nhập khẩu trái cây và các loại đỗ từ Việt Nam đạt kim ngạch 200 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu trái cây Việt Nam của Thái Lan đạt 759 triệu USD, nhiều nhất là táo, lê và nho. Ngoài ra cà phê, trái vải và thanh long cũng ngày càng được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.

Thái Lan và Việt Nam có cơ chế họp Ủy ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Thái Lan để thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực thương mại và các mặt hàng nông sản. Tại cuộc họp vào tháng 4/2022, Thái Lan bày tỏ quan tâm đến các mặt hàng chôm chôm, xoài và gia cầm của Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, Central Group đang là đối tác quan trọng của Bộ Công Thương Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, đưa nông sản Việt Nam sang Thái Lan và ra thế giới, thông qua việc bày bán các mặt hàng nông sản và sản phẩm OCOP tại 39 trung tâm thương mại Go! trên khắp cả nước.

Ngoài ra, Mega Market (MM), một hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nữa của Thái Lan tại Việt Nam cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM thực hiện chương trình OCOP Fair nhằm góp phần quảng bá sản phẩm địa phương tại thị trường nội địa và thị trường Thái Lan.

Mekong ASEAN: Theo Đại sứ, trong năm 2023 Việt Nam và Thái Lan cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục?

Đại sứ Nikorndej Balankura: Theo tôi, để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường. Bởi khi mối quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường được phát triển mạnh mẽ thì tự khắc các lĩnh vực hợp tác như kinh tế, văn hóa, giáo dục cũng sẽ được củng cố và phát triển hơn.

Khi nhìn riêng rẽ từng lĩnh vực, về chính trị hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Chúng ta còn có các cơ chế hợp tác song phương như họp Nội các chung do Thủ tướng Chính phủ hai nước chủ trì, họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương (JCBC) do hai Bộ trưởng Ngoại giao chủ trì, Chương trình Emerging Leader với việc đưa các nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam sang thăm Thái Lan.

Về hợp tác kinh tế, ThaiCham là một trong những cơ chế rất quan trọng và có quan hệ hợp tác chặt chẽ với VCCI và Bộ Công Thương của Việt Nam. Vì vậy chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác và nâng cao nhận thức trong hợp tác kinh tế qua kênh hợp tác của ThaiCham, phổ biến thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp hai phía mong muốn vào đầu tư tại thị trường của nhau.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, Thái Lan sẽ đưa dàn nhạc thính phòng của trường Đại học Mahidol tới biểu diễn tại Hà Nội và TP HCM, thúc đẩy hợp tác về công nghiệp điện ảnh và âm nhạc, mở rộng hợp tác với Học viện Ngoại giao Việt Nam thông qua việc trao đổi giảng viên, xây dựng chương trình giảng dạy “Thái Lan học” sau khi đã thành lập Thai Room trong năm 2022.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn Ngài Đại sứ về cuộc trao đổi này!

Đọc tiếp