Thái Lan sẽ đầu tư liên tục vào các dự án năng lượng tại Việt Nam

Thái Lan sẽ đầu tư liên tục vào các dự án năng lượng tại Việt Nam

THÁI LAN Việt nAM
11:16 - 25/07/2022
Theo Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura, ngoài những lĩnh vực mà Thái Lan đang đầu tư tại Việt Nam, trong tương lai, Thái Lan mong muốn sẽ đầu tư liên tục vào các dự án năng lượng bởi Việt Nam có nhu cầu rất cao về lĩnh vực này

Trải qua gần 46 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (8/1976 – 8/2022) quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, trở thành “đối tác chiến lược”, hợp tác hữu nghị, toàn diện của nhau.

Trong giai đoạn hiện nay, trước sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực, để có thể đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan lên một bước phát triển mới đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hai nước để mối quan hệ đi vào chiều sâu, phát triển hiệu quả, bền vững.

Hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura đã có những chia sẻ với Mekong ASEAN về các lĩnh vực thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Mekong ASEAN: Sau hơn 45 năm Việt Nam - Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao, ngài có thể cho biết những thành tựu nổi bật trong mối quan hệ giao thương giữa hai nước?

Đại sứ Nikorndej Balankura: Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong quan hệ thương mại giữa Thái Lan và Việt Nam sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là việc thành lập mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam, hay còn gọi là ThaiCham (Thai Chamber of Commerce and Industry in Viet Nam), tiền thân là Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (TBA).

Đây là bước tiến quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa Thái Lan và Việt Nam. Hiện tại, ThaiCham đã có 114 thành viên, bao gồm các công ty và các cá nhân. Việc thành lập ThaiCham sẽ góp phần thúc đẩy thương mại đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động vì cộng đồng của khối tư nhân của Thái Lan tại Việt Nam ngày một cụ thể hơn, đặc biệt là các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG) mà Thái Lan đang thực hiện.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh đó, Thủ tướng hai nước đã đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025. Vậy theo ngài, Việt Nam và Thái Lan cần có những giải pháp gì để nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu này?

Đại sứ Nikorndej Balankura: Thái Lan hiện là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 6 trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ 8 tại Việt Nam. Năm 2021, thương mại song phương giữa Thái Lan và Việt Nam đã đạt 18,7 tỷ USD , tăng thêm 2,8 tỷ USD so với năm trước đó dù trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp.

Đại sứ Thái Lan Nikorndej Balankura trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đại sứ Thái Lan Nikorndej Balankura trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thái Lan và Việt Nam có thể trở thành cơ sở sản xuất chung trong khu vực, cùng nhau xây dựng liên hợp sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng tích hợp về sản phẩm và các ngành công nghiệp có thể hỗ trợ nhau như xe hơi, phụ tùng xe hơi, phụ tùng điện tử, hóa dầu…

Trong khi đó, Thái Lan và Việt Nam có chính sách, mục tiêu kinh tế xã hội tương tự nhau, và có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế về mặt sản phẩm/các ngành kinh tế liên quan để đạt được mục tiêu nói trên như: Đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0, phát triển kinh tế số, áp dụng mô hình BCG …

Thái Lan và Việt Nam nên thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ tiểu vùng như ACMECS do tiểu vùng sông Mekong có tầm quan trọng về mặt chiến lược với sự phát triển của khu vực.

Mekong ASEAN: Thái Lan đang đầu tư trên nhiều lĩnh vực ở Việt Nam như công nghiệp chế biến, sản xuất, bán lẻ. Trong thời gian tới, theo ngài đâu sẽ là lĩnh vực tiềm năng mà Thái Lan nên đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam?

Đại sứ Nikorndej Balankura: Tỉ trọng đầu tư của Thái Lan ở Việt Nam đạt khoảng 13 tỷ USD với 644 dự án mà phần lớn là trong mảng công nghiệp sản xuất và chế biến (242 dự án)

Một mảng khác mà Thái Lan là nhà đầu tư trọng yếu đó là năng lượng. Hiện nay, khối doanh nghiệp tư nhân Thái Lan đã có nhiều đóng góp trong việc củng cố cơ sở hạ tầng về năng lượng của Việt Nam, bao gồm cả các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời, với tổng số sản lượng sản xuất đạt hơn 2.500 MW, tính theo số vốn đầu tư là 5 tỷ USD, tương đương hơn 1/3 của tổng tỷ trọng đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) rằng Việt Nam đặt mục tiêu đưa phát thải ròng về bằng 0 (net zero) trong năm 2050.

Vì thế việc đầu tư của Thái Lan có thể thúc đẩy nhanh chóng đạt được mục tiêu trên, đồng thời giúp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung nếu như có được môi trường đầu tư thuận lợi.

Mekong ASEAN: Hiện các doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn được đầu tư tại thị trường Thái Lan. Đại sứ có lời khuyên gì để các doanh nghiệp có thể khẳng định thương hiệu, góp phần vào việc thúc đẩy thương mại giữa hai nước?

Đại sứ Nikorndej Balankura: Tôi mong muốn được thấy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Thái Lan nhiều hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương. Họ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của cả hai nước.

Thái Lan và Việt Nam có nhiều cặp địa phương kết giao (Sister Cities), đặc biệt ở các tỉnh miền Đông Bắc (Thái Lan) do có sự gần gũi về mặt địa lý và văn hóa, ngoài ra còn có cộng đồng người Thái gốc Việt sinh sống với số lượng lớn.

Việc dùng các cặp địa phương kết giao nhằm kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Thái Lan và Việt Nam, sẽ có ích trong việc thúc đẩy kinh tế các địa phương và phân bổ thu nhập trực tiếp đến người dân, đồng thời cũng là một biện pháp đẩy mạnh ngoại giao nhân dân.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh đó, ngài có đánh giá thế nào về việc thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan?

Đại sứ Nikorndej Balankura: ThaiCham được thành lập với vai trò là trung tâm kết nối các doanh nghiệp Thái Lan và kết nối doanh nghiệp Thái Lan với doanh nghiệp Việt Nam, tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp Thái ở Việt Nam. Đồng thời giúp kết nối du lịch hai nước ngày một thuận lợi hơn, đây cũng là một cách để quảng bá du lịch Thái Lan với Việt Nam và với nước thứ ba. Vì thế, tôi tin chắc Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan cũng sẽ được thành lập sớm nhất có thể.

Mekong ASEAN: Như ngài đề cập đến lĩnh vực du lịch, Thái Lan là một trong những nước ASEAN mở cửa du lịch sớm nhất khi tình hình Covid-19 được kiểm soát. Ngài có thể chia sẻ kinh nghiệm của du lịch Thái Lan trong giai đoạn đang hồi phục sau dịch bệnh hiện nay?

Đại sứ Nikorndej Balankura: Thái Lan bắt đầu mở cửa du lịch theo hình thức hạn chế từ tháng 7/2021 với dự án Phuket Sandbox và từ từ thay đổi chính sách nhằm từng bước mở cửa du lịch cho đến hiện tại.

Một trong những chính sách mà Thái đã thực hiện trong khoảng thời gian trên đó là quy định tiêu chuẩn SHA (Amazing Thailand Safety and Health Administration) dành cho những người liên quan trong ngành công nghiệp du lịch, đặc biệt là dịch vụ khách sạn, lưu trú, nhà hàng quán ăn nhằm đảm bảo an toàn về mặt y tế cho khách du lịch.

Cho đến nay, Thái Lan đã hủy quy định đăng ký vào Thái Lan (Thailand Pass) và các điều kiện như bảo hiểm sức khỏe khi nhập cảnh vào Thái Lan. Khách đến Thái Lan chỉ cần trình giấy tờ đầy đủ chứng nhận việc tiêm Vacxin phòng Covid-19 hay kết quả xét nghiệm Covid-19 RT-PCR hoặc có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7).

Tất cả những biện pháp và chính sách trên là nhằm xây dựng niềm tin và đảm bảo sự an toàn y tế cho khách du lịch và người dân Thái Lan. Đây cũng chính là bài học quan trọng về việc quy định phương hướng của chính sách du lịch một cách có hệ thống, nhanh chóng, linh hoạt nhằm đối phó với tình hình luôn luôn thay đổi hiện nay.

Mekong ASEAN: Xin cám ơn ngài đại sứ về cuộc trao đổi này!

Đọc tiếp