Thế giới tìm cách viện trợ Gaza khi giao tranh vẫn ác liệt

giao tranh Israel - Hamas
16:40 - 09/11/2023
Hình ảnh các tòa nhà bị phá hủy do giao tranh tại phía Bắc Gaza ngày 8/11/2023. Ảnh: Reuters
Hình ảnh các tòa nhà bị phá hủy do giao tranh tại phía Bắc Gaza ngày 8/11/2023. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/11, quân đội Israel tiếp tục chiến đấu với lực lượng vũ trang Hamas tại thành phố Gaza, nhiều tòa nhà bị phá hủy trong khi cộng đồng quốc tế tiếp tục các nỗ lực viện trợ nhân đạo và giúp đỡ dân thường bị mắc kẹt.

Theo hãng tin Reuters, quân đội Israel tuyên bố đã tiến vào trung tâm thành phố Gaza – pháo đài chính của lực lượng Hamas và đồng thời là thành phố lớn nhất ở khu vực Dải Gaza. Trong khi đó về phía Hamas, lực lượng này ngày 8/11 công bố một đoạn video cho thấy các trận chiến dữ dội diễn ra trên đường phố bên cạnh các tòa nhà bị phá hủy.

Kể từ 7/10 khi Hamas tấn công miền nam Israel, khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng và bắt khoảng 240 người làm con tin, quân đội Israel đã phát động các cuộc tấn công đáp trả. Sau nhiều tuần giao tranh gay gắt, các quan chức Palestine cho biết có tổng cộng 10.569 người đã thiệt mạng tính đến 8/11, với 40% trong số đó là trẻ em. Về phía Israel, nước này thông báo con số tử vong là 33 binh sĩ.

Để tránh bị cuốn vào bạo lực, hàng nghìn người dân Palestine ngày 8/11 đã tiến hành di tản ra khỏi khu vực phía Bắc Gaza để tìm nơi ẩn náu khỏi các cuộc không kích của Israel và đụng độ ác liệt trên bộ giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas.

Động thái này diễn ra trong khoảng thời gian 4 giờ sau khi Israel công bố yêu cầu người dân sơ tán khỏi các khu vực phía bắc Gaza bị bao vây hoặc có nguy cơ bị mắc kẹt trong bạo lực. Một số lượng lớn người phải di dời trong tổng số 2,3 triệu dân tại Dải Gaza đang chen chúc tại các trường học, bệnh viện và các địa điểm khác ở phía nam trong khi hàng ngàn người khác vẫn còn ở phía bắc, bao gồm cả bệnh viện Al Shifa chính của thành phố Gaza.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo hôm thứ Tư 8/11: “Khi số người chết và bị thương ở Gaza tiếp tục gia tăng, tình trạng quá tải cũng như hệ thống y tế, nước và vệ sinh bị gián đoạn gây thêm mối nguy hiểm: sự lây lan nhanh chóng của các bệnh truyền nhiễm”.

WHO cho biết hơn 33.551 trường hợp tiêu chảy đã được báo cáo kể từ giữa tháng 10, phần lớn trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi.

Trong bối cảnh trên, 80 quốc gia và tổ chức bao gồm các nước Ả Rập, các cường quốc phương Tây, các thành viên G20 và các nhóm phi chính phủ như tổ chức Bác sĩ không biên giới ngày 9/11 đã tập trung tại thủ đô Paris, Pháp nhằm thảo luận về các biện pháp giúp giảm thiểu đau thương tại Gaza.

Tuy nhiên nếu việc đình chiến hoặc ngừng bắn không được thực hiện, viễn cảnh tình hình được cải thiện là không cao. Trả lời các phóng viên trước hội nghị, một quan chức chính phủ Pháp được Reuters trích dẫn cho biết: “Mục tiêu thực sự là làm việc với tất cả những bên tham gia và cả với Israel để cho phép cải thiện khả năng tiếp cận Gaza”.

Có nhiều biện pháp đang được đưa vào cân nhắc và một trong số đó chính là thiết lập một hành lang hàng hải. Các tuyến đường biển sẽ được sử dụng để vận chuyển viện trợ nhân đạo đến Gaza cũng như giúp sơ tán những người bị thương bằng tàu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

COP28 sẽ diễn ra tại Dubai, UAE từ 30/11 - 12/12. Ảnh: AP

Có thể mong đợi gì tại COP28 Dubai

Từ 30/11 - 12/12, hội nghị khí hậu COP28 của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra tại Dubai, UAE với sự tham gia của hàng nghìn đại biểu từ nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới nhằm thảo luận về các phương pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.