Thị trường lao động quý IV/2022 giữ đà phục hồi nhưng tốc độ chậm lại

LAO ĐỘNG THỊ TRƯỜNG
08:29 - 11/01/2023
Trong quý IV/2022, cả nước chỉ còn hơn 3,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Trong quý IV/2022, cả nước chỉ còn hơn 3,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế, cân đối vĩ mô ổn định, thị trường lao động vẫn duy trì được những điểm sáng nhất định trong quý IV/2022, tuy nhiên tốc độ phục hồi đã chậm lại.

Những điểm sáng

Báo cáo tình hình lao động việc làm quý IV/2022 và cả năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 10/1 cho thấy, các chính sách mở cửa nền kinh tế đã phát huy hiệu quả, góp phần đưa thị trường lao động Việt Nam phục hồi và phát triển.

Lực lượng lao động quý IV/2022 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 0,3 triệu người so với quý trước và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động tăng ở khu vực thành thị (tăng 0,5 triệu người) và khu vực nông thôn (tăng gần 1 triệu người).

Nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 đã góp phần giảm thiểu số lao động bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.

Điều này đã được minh chứng qua các số liệu cụ thể. Trong quý IV/2022, cả nước chỉ còn hơn 3,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm 1,3 triệu người so với quý trước.

Trong tổng số hơn 3,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,2 triệu người bị mất việc, chiếm 6,6%; 0,9 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 30,2%, 0,9 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 30,2% và 2,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 79,6%.

Tại họp báo công bố Báo cáo tổng quan về tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết, tính chung cả năm 2022, thị trường lao động Việt Nam có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động.

“Điều này cho thấy dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi kinh tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng năm 2022 đang từng bước phục hồi”, ông Nam nhấn mạnh.

Tốc độ tăng chậm lại do thiếu đơn hàng

Theo số liệu thống kê của báo cáo, lao động có việc làm quý IV/2022 vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên tốc độ tăng của kỳ này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2022 là 51,0 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước và tăng gần 2,0 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,8 triệu người, tương đương với quý trước và tăng 0,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số có việc làm ở nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 247,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, quý IV là quý mà thị trường lao động cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ tết cuối năm. Do đó, số có việc làm thường tăng cao, như trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý IV tăng 4,6 nghìn người (tương đương tăng gần 1%) so với quý trước.

Tuy nhiên, trong quý IV/2022, do thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động. Điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV năm nay chỉ còn 0,5%, chỉ bằng một phần hai so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt là sụt giảm mạnh của lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm 2,6% tương ứng giảm 313,5 nghìn người so với quý trước, trong đó lao động ngành sản xuất trang phục giảm 9,4%, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 1,5%, ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ tre nứa, gỗ… giảm 9,7%.

Đà phục hồi của thị trường lao động đang có xu hướng chậm lại. Cụ thể, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,98%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,57% và 2,22%).

Mặc dù tình hình thiếu việc làm của người lao động giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên khác với xu hướng các năm trước đây khi chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, quý IV là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai tăng ca, làm cho tỷ lệ thiếu việc làm của quý IV thường có xu hướng thấp nhất trong năm thì năm 2022, tỷ lệ thiếu việc làm ở quý này bị đẩy cao hơn.

Trong quý IV/2022, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động cao nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 3,68% và thấp nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Hồng với 0,55%. Xu hướng này tương tự với tình hình diễn ra ở quý II và quý III/2022.

So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này đều giảm ở cả 6 vùng kinh tế - xã hội, giảm nhiều nhất thuộc về vùng Đông Nam Bộ với 3,09 điểm phần trăm và giảm ít nhất thuộc về Trung du và miền núi phía Bắc với 0,18 điểm phần trăm.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý IV/2022 ở TP Hà Nội vẫn duy trì mức thấp, với 0,32% (tăng khoảng 0,07 điểm phần trăm so với quý trước). Ngược lại, tỷ lệ này ở TP HCM là 1,60% (tăng khoảng 1,07 điểm phần trăm so với quý trước).

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), công cuộc phục hồi của thị trường lao động toàn cầu đang bị đe dọa bởi những cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra đồng thời và có tác động lẫn nhau, cũng như tình trạng bất bình đẳng gia tăng.

Tin liên quan

Đọc tiếp