Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan

Phần Lan NATO
08:23 - 31/03/2023
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép Phần Lan gia nhập NATO, ngày 30/3. Ảnh: AP
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép Phần Lan gia nhập NATO, ngày 30/3. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/3 đã thông qua một dự luật cho phép Phần Lan được gia nhập NATO, mở cánh cửa để Helsinki trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này.

Reuters đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia cuối cùng trong số 30 thành viên của NATO phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan, sau khi Quốc hội Hungary hồi đầu tuần này cũng thông qua dự luật tương tự.

“Tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan và cải thiện sự ổn định và an ninh ở khu vực Biển Baltic và Bắc Âu”, chính phủ Phần Lan cho biết trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập của Phần Lan và khuyến khích nước này cũng nhanh chóng đưa ra quyết định tương tự với Thụy Điển.

"Thụy Điển và Phần Lan đều là những đối tác mạnh mẽ, có khả năng chia sẻ các giá trị của NATO và sẽ củng cố liên minh, cũng như đóng góp cho an ninh châu Âu", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: DPA

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: DPA

Hồi đầu tháng 3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo rằng, Phần Lan đã nhận được sự ủng hộ của Ankara sau khi có các hành động nhằm trấn áp các nhóm người Kurd mà nước này coi là khủng bố và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu quốc phòng.

Đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan hiện chỉ cần Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hoàn tất phê chuẩn và sau đó được đăng trên Công báo của nước này. Sau đó, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cần gửi các tài liệu phê chuẩn tới chính phủ Mỹ - nơi lưu trữ các tài liệu của NATO theo hiệp ước thành lập liên minh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ chính thức mời Phần Lan gia nhập liên minh. Ở bước cuối cùng, Helsinki sẽ ký một "công cụ gia nhập" - một văn kiện gia nhập NATO do ngoại trưởng nước này ký với chính phủ Mỹ để chính thức trở thành thành viên liên minh.

Các nhà lãnh đạo Phần Lan cho biết họ hy vọng quá trình còn lại sẽ được hoàn tất trong vòng vài tuần.

Tư cách thành viên NATO của Phần Lan sẽ đánh dấu cho sự mở rộng đầu tiên của liên minh này kể từ khi Bắc Macedonia gia nhập vào năm 2020.

Trong khi đó, Thụy Điển vẫn chưa thấy sự tiến triển trong việc gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trì hoãn việc phê chuẩn đề nghị trở thành thành viên NATO của Thụy Điển, nước láng giềng của Phần Lan, quốc gia mà Ankara cho rằng đã không tích cực trong việc trấn áp nhóm khủng bố.

Trước đó, ngày 29/3, ông Zoltan Kovacs, phát ngôn viên của Thủ tướng Hungary cho biết Budapest đang tạm dừng việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Nguyên nhân được nước này đưa ra là họ "bất bình” trước những chỉ trích trước đây của Stockholm đối với các chính sách của Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Ông Kovacs còn nhận định rằng việc thu hẹp khoảng cách giữa Hungary và Thụy Điển sẽ cần nhiều cố gắng và nỗ lực của cả hai bên. Do vậy, trước khi thông qua dự luật cho phép Thụy Điển gia nhập NATO, Budapest và Stockholm cần giải quyết "các vấn đề tranh cãi trước mắt".

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom ngày 30/3 cho biết ông không còn chắc chắn về khả năng Stockholm có thể gia nhập NATO vào tháng 7 - thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, sau những dấu hiệu phản đối mới từ Hungary.

Tin liên quan

Đọc tiếp