Thỏa thuận dầu giữa Nga - Ấn làm suy giảm sự thống trị đồng USD

Thương Mại Quốc Tế
12:33 - 09/03/2023
Vị thế đồng USD đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các giao dịch dầu mỏ giữa Nga và Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Vị thế đồng USD đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các giao dịch dầu mỏ giữa Nga và Ấn Độ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Các lệnh cấm vận quốc tế do Mỹ áp đặt lên Nga đang bắt đầu làm suy giảm sự thống trị của đồng USD trong thương mại dầu mỏ quốc tế, khi hầu hết các giao dịch mua bán dầu thô giữa Nga và Ấn Độ đều được thanh toán bằng các đồng tiền khác.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, trong năm 2022, Ấn Độ đã thay thế châu Âu trở thành khách hàng hàng đầu đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Dầu thô của Nga hiện chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu của nước này và tăng tới 16 lần so với trước khi chiến sự nổ ra.

Sau khi châu Âu trừng phạt dầu thô cùng các sản phẩm dầu của Nga và thực hiện các biện pháp loại bỏ Nga khỏi SWIFT, Moscow đã thực hiện nhiều biện pháp để phi đô la hóa nền kinh tế. Nước này đã đề nghị thiết lập nhiều cơ chế thanh toán không sử dụng đồng USD với các quốc gia thân thiện và yêu cầu các quốc gia châu Âu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.

Đặc biệt, việc Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu thứ 3 thế giới - chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác trong việc thanh toán dầu Nga để ứng phó với sự hỗn loạn của lệnh trừng phạt và căng thẳng tại Ukraine đang đặt ra câu hỏi về tính ưu việt của đồng USD trong thương mại, đặc biệt là thương mại dầu mỏ quốc tế.

Theo Reuters, các khách hàng Ấn Độ lựa chọn thanh toán dầu của Nga bằng các loại tiền tệ không phải đồng USD, ví dụ như đồng dirham của UAE và gần đây là đồng ruble của Nga dưới sự hỗ trợ của một số ngân hàng Ấn Độ. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ có tài khoản ngoại tệ ở Nga trong khi nhiều ngân hàng từ Nga cũng đã mở tài khoản với các ngân hàng Ấn Độ để tạo thuận lợi cho thương mại giữa 2 nước.

Những giao dịch mua dầu mỏ trong 3 tháng qua của Ấn Độ với Nga có giá trị tương đương với vài trăm triệu USD, ghi nhận một sự thay đổi chưa từng có trước đây.

Tuy nhiên, việc tiếp tục thanh toán dầu mỏ của Nga bằng đồng có thể trở nên khó khăn hơn sau khi Mỹ và Anh vào tháng trước đã bổ sung ngân hàng MTS của Nga có trụ sở tại Moscow và Abu Dhabi vào danh sách các tổ chức tài chính Nga trong diện trừng phạt. MTS chính là đơn vị đã tạo điều kiện cho một số khoản thanh toán dầu mỏ không sử dụng đồng USD của Ấn Độ.

Khi được liên hệ, MTS và Bộ Tài chính Mỹ không đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Bất chấp việc này, các ngân hàng của Nga có khả năng vẫn sẽ tìm được phương pháp để lách luật. Theo một nguồn tin khác của Reuters, khách hàng Ấn Độ vẫn quyết tâm giao dịch dầu mỏ của Nga do “chính phủ không yêu cầu ngừng mua dầu Nga”. Do đó, nguồn tin này nhận định các nhà cung cấp của Nga sẽ tìm ngân hàng khác nhận thanh toán, hoặc một cơ chế thanh toán thay thế sẽ xuất hiện trong trường hợp hệ thống hiện tại bị chặn.

Đối với các công ty Nga, do các khoản thanh toán bị chặn hoặc trì hoãn ngay cả khi họ không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào, đồng USD có khả năng trở thành một "tài sản độc hại” theo nhận định của nhà phân tích độc lập và cựu cố vấn tại Ngân hàng Nga Alexandra Prokopenko.

Bà cho biết Nga cần giao dịch với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là những quốc gia “thân thiện” do nước này vẫn phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt. Do đó, “họ đang thử mọi lựa chọn có thể”, đồng thời hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng trực tiếp giữa hệ thống ngân hàng Nga và Ấn Độ.

Nga đang tìm cách thiết lập các cơ chế thanh toán dầu không sử dụng đồng USD với Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Nga đang tìm cách thiết lập các cơ chế thanh toán dầu không sử dụng đồng USD với Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Vị thế của đồng USD sẽ thay đổi nhưng không lớn

Thanh toán dầu bằng đồng USD đã trở thành thông lệ gần như phổ biến trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên theo ông Daniel Ahn, cựu nhà kinh tế trưởng tại Bộ Ngoại giao Mỹ, sức mạnh của đồng USD là “vô song” nhưng các biện pháp trừng phạt có thể làm suy yếu hệ thống tài chính của phương Tây trong khi không giúp các chính phủ đạt được mục tiêu.

Ông cho biết những nỗ lực ngắn hạn của Nga trong việc trao đổi buôn bán để đổi lấy các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD không phải là mối đe dọa thực sự đối với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Thay vào đó, mối đe dọa thực sự nằm ở việc phương Tây đang tự làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các dịch vụ tài chính của mình bằng cách làm phức tạp các thủ tục hành chính.

Phó Giám đốc điều hành IMF Gita Gopinath hồi tháng 3/2022 cũng đưa ra nhận định các biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể làm xói mòn sự thống trị của đồng USD bằng cách khuyến khích các khối thương mại nhỏ hơn sử dụng các loại tiền tệ khác.

Trả lời tờ Financial Times, bà cho biết đồng USD chắc chắn vẫn sẽ là đồng tiền chính được sử dụng trên toàn cầu, tuy nhiên sự phân mảnh ở mức độ nhỏ hơn là có thể xảy ra.

Ngoài các vấn đề với Nga, một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới các tiêu chuẩn lâu đời về thương mại toàn cầu do đồng USD thống trị chính là căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Hiện Nga và Trung Quốc cũng đang có những động thái phi USD hóa, ví dụ như Nga nắm giữ một phần dự trữ tiền tệ bằng đồng NDT trong khi Trung Quốc đã giảm nắm giữ đồng USD. Hồi tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow đã đồng ý bán khí đốt cho Trung Quốc bằng đồng NDT và ruble thay vì đồng USD.

Về phần Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan này trích dẫn lời Bộ trưởng Janet Yellen cho biết đồng USD “không có bất kỳ sự cạnh tranh nghiêm trọng nào” và điều này “sẽ không có khả năng xảy ra trong một thời gian dài tới”.

Tin liên quan

Đọc tiếp