Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: VGP |
Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 diễn ra sáng ngày 31/12 với khoảng 4.500 đại biểu tham dự, trong đó khoảng 2.000 bà con nông dân, hợp tác xã dự đối thoại.
“Nông nghiệp không để đứng một mình”
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phạm vi rất rộng, bao trùm. Điều này đòi hỏi thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp và người nông dân.
Theo đó, nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái gồm các ngành nghề khác để cùng phát triển. Ví dụ, cần công nghiệp để công nghiệp hóa nông thôn; nông nghiệp cần doanh nghiệp và các ngành khác cũng cần nông nghiệp. Các ngành, các nghề phải hỗ trợ, hợp tác để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Để phát triển hệ sinh thái này. Thủ tướng cho rằng có rất nhiều việc phải làm, như phải tích tụ đất đai như nào để có diện tích đủ lớn; ứng dụng khoa học công nghệ, giúp nông dân nâng cao năng suất lao động; có cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế… Đơn cử, để phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải thì phải có hỗ trợ về vốn, thị trường, ưu tiên các giống cây trồng, vật nuôi mới.
Thủ tướng đặt vấn đề, Việt Nam đã có các chính sách nhưng đã đủ mạnh chưa, cấp ủy, chính quyền phải bám sát để biết chính sách đã đi vào thực tế chưa, người nông dân phải tham gia kiểm chứng xem chính sách thực hiện thế nào trong thực tiễn.
Thủ tướng lấy ví dụ trong năm 2024, các gói tín dụng cho thủy sản, gỗ đã được triển khai rất tốt. Ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xuống ngay tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, bảo hiểm với nông nghiệp – lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do bão.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo thị trường, công tác quy hoạch để phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, từng ngành và tăng cường liên kết vùng, ví dụ quy hoạch vùng nguyên liệu, khu vực nào tốt nhất cho lúa, cho cây ăn quả, ngô khoai sắn… từ đó tạo ra sự cộng hưởng phát triển.
Gỡ vướng mắc tích tụ đất đai, tạo không gian rộng lớn phát triển
Tại hội nghị, bà Vũ Thị Thương Huyền - Giám đốc HTX Chè Thịnh An (tỉnh Thái Nguyên) đưa ra hai câu hỏi: Việc tích tụ đất đai quy mô lớn cho hợp tác xã còn một số khó khăn, vướng mắc do hiện chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng để “tổ chức kinh tế tập thể”? Hiện Nhà nước có quy hoạch theo 3 cấp: quốc gia – vùng – tỉnh nhưng lại thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh, dẫn đến việc có những vùng sản xuất nông nghiệp tương đồng ở hai tỉnh giáp ranh nhưng mỗi địa phương lại có một quy hoạch khác nhau?
Trả lời câu hỏi của bà Huyền, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương mang tính tổng hợp, trong khi đó Việt Nam còn có quy hoạch ngành, sản phẩm.
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời tại phiên đối thoại. Ảnh: VGP |
Thực tế, một xã có thể có nhiều HTX, một HTX có thể ở nhiều xã. Do vậy, các quy hoạch nhằm chuyên môn hóa các chuỗi liên kết này. Người đứng đầu ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương khi quy hoạch sản xuất phát triển HTX cần phải đặc biệt lưu ý vấn đề chuỗi liên kết, thay vì xã tính cho xã, tỉnh tính cho tỉnh làm giới hạn không gian phát triển của HTX, của ngành.
“Khi chúng ta có vùng nguyên liệu đủ lớn, liên xã thì sẽ không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, đương nhiên chúng ta phải làm việc với 2 xã trong huyện, 2 huyện trong tỉnh, đây là vai trò điều phối, liên kết, liên kết vùng, liên kết tỉnh, liên kết xã. Ngoài ra, cần phải nâng cao năng lực, quy mô cho hợp tác xã, phải tạo ra giá trị gia tăng từ phát triển thị trường, sản xuất,” Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nói.
Liên quan đến vấn đề tích tụ đất đai, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, theo Luật đất đai 2024, phương thức tập trung đất đai nông nghiệp có 3 hình thức, gồm chuyển đổi quyền sử dụng đất thông qua hình thức đồn điền đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Về tích tụ đất đai, quy định tại Điều 193 Luật Đất đai 2024 có 2 hình thức, gồm tổ chức cá nhân sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, trình tự thủ tục để thực hiện tập trung hay tích tụ đất đai được quy định chi tiết tại Nghị định Nghị định 102 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 đồng thời với hiệu lực của Luật Đất đai.
Mặt khác, Luật Đất đai quy định đối với cá nhân có thể nhận chuyển nhượng tối đa lên đến 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của các địa phương.
Luật cũng cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức. Còn trường hợp vượt hạn mức sẽ cần thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng hình thức trồng lúa được UBND cấp huyện phê duyệt. Đối với tổ chức kinh tế, Luật không giới hạn việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng với điều kiện phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện phê duyệt.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ các vấn đề về tích tụ đất đai. Ảnh: VGP |
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, khuôn khổ pháp lý về tập trung hay tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp quy định tại Luật Đất đai 2024 đã đầy đủ, rõ ràng, khắc phục được vướng mắc của Luật Đất đai 2013 để có quỹ đất đủ lớn theo nhu cầu của tổ chức kinh tế hay các hộ gia đình cá nhân trong sản xuất nông nghiệp. Khi có quỹ đất đủ lớn mới áp dụng được cơ giới hoá hay ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Một mặt vừa nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, một mặt vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài nguyên cũng lưu ý, đây là những quy định mới, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tế và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, đối với người nông dân, có thể chưa có đủ thời gian nghiên cứu, tiếp cận. Do đó, Bộ trường đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới của Luật Đất đai 2024, nhất là chính sách đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản, để người nông dân, các doanh nghiệp hợp tác xã nắm được và có điều kiện để đề nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho áp dụng các phương thức đó cho việc tích tụ và tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn.
Nông nghiệp là ngành được hưởng lợi chính sách tín dụng, tiền tệ nhiều nhất
Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Gái – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa (TP Hải Phòng) đặt câu hỏi: Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp. Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất?
Trả lời câu hỏi, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ của cơn bão số 3 rất lớn, trong đó có 124.000 khách hàng của 26 tỉnh/thành phố; 192.000 tỷ đồng dư nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chỉ sau 2 ngày, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có những biện pháp trực tiếp để thực hiện việc giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn phải trả để hỗ trợ cho nông dân; tổ chức hội nghị với 26 tỉnh/thành phố để bàn câu chuyện làm thế nào có vốn khắc phục sản xuất.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại phiên đối thoại. Ảnh: VGP |
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá thực tế với những thiệt hại do bão số 3 gây ra sẽ cần những chính sách cụ thể hơn, ngoài những chính sách chung hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trích lập dự phòng rủi ro, phân loại lại nợ.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 53 đầu tháng 12 để làm căn cứ để tất cả các tổ chức tín dụng xem xét giãn, hoãn các khoản nợ, lãi đến hạn và thực hiện cho các khoản nợ trước khi bão số 3 đổ bộ thời gian thực hiện đến hết 2025. Những khoản nợ, khoản lãi được giãn, hoãn từ 2 đến 3 năm tùy theo điều kiện thực tế. Chúng tôi cho rằng ngoài chính sách chung có những chính sách rất cụ thể trong vấn đề hỗ trợ vốn cho bà con, cho doanh nghiệp, cho HTX…
Nói thêm về các chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, ông Đào Minh Tú cho biết, số chính sách về tiền tệ, tín dụng trong lĩnh vực này nhiều hơn các lĩnh vực kinh tế khác với 8 chính sách dành cho nông dân, nông thôn. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đang rà soát lại Nghị định 55 được ban hành năm 2015 và đã sửa đổi năm 2018.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng Nghị định 55 sửa đổi sẽ sớm được ban hành. Nghị định mới sẽ có chính sách gợi mở, thông thoáng để tạo điều kiện cho các HTX, hộ nông dân tiếp cận được vay gấp 2 - 3 lần trước đây không cần tài sản đảm bảo. Hoặc đối tượng tham gia các chuỗi giá trị liên kết, chương trình, dự án như một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL và những chương trình khác hoàn toàn là những đối tượng ưu đãi cả về lãi suất và cho vay...
Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới". |